Mã Trường

Mã Trường

Tin Tức Các Báo

Tiết kiệm năng lượng kiểu SV Bách khoa

Cập nhật 27/04/2011 - 10:56:03 AM (GMT+7)


 Đề án tiết kiệm năng lượng của ba SV năm cuối khoa điện - điện tử ĐH Bách khoa TP.HCM vừa đoạt giải nhì cuộc thi “Tiết kiệm năng lượng” tại Singapore, với sự tham gia của nhiều trường ĐH trong khu vực Đông Nam Á.


Dựa trên các số liệu tiêu thụ điện, lượng nước trên thực tế ở Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, Bùi Thái Luân, Trần Ngọc Quý và Lê Trường Phú đã đưa ra ý tưởng và xây dựng một đề án cải thiện sự lãng phí năng lượng ngay tại ngôi trường mình đang học.

Truy tìm số liệu lãng phí

Tháng 7-2010, cuộc thi “Tiết kiệm năng lượng” của Tập đoàn Schneider Electric Đông Nam Á dành cho tất cả SV các trường ĐH khu vực Đông Nam Á được phát động. Dù đang trong thời gian chuẩn bị làm đồ án tốt nghiệp cuối khóa, nhưng ba chàng trai vẫn quyết tâm lập thành một nhóm tham gia cuộc thi. “Cuộc thi thật sự hấp dẫn nhóm vì giải pháp tiết kiệm năng lượng phải áp dụng ngay tại trường đại học của đội tham gia cuộc thi”, Thái Luân cho biết.

Bước vào cuộc chơi, nhóm quyết định sẽ nghiên cứu các số liệu thực tế về điện, nước trường tiêu thụ. Để có đầy đủ số liệu này, nhóm đã lên phòng kế hoạch - tài chính của trường xin hóa đơn tiền điện, tiền nước về tổng hợp. Rồi các bạn khảo sát từng khu giảng đường, từng phòng học, lượng sinh viên vào học... để tìm số lượng điện năng tiêu thụ trong một tháng của từng phòng.

Sau khi phân tích xong các nguồn tiêu thụ năng lượng chủ yếu trong trường, nhóm tập trung giải quyết việc tiết kiệm năng lượng ở đèn thắp sáng, nước, máy điều hòa và đặc biệt là nâng cao ý thức tiết kiệm năng lượng của mọi người. Chỉ riêng việc nghiên cứu tiết kiệm nước, nhóm đã phải dành ra hai tháng nghiên cứu, tính toán, trao đổi trực tiếp với nhân viên tưới cây, dọn vệ sinh, tìm ra số lượng nguồn nước phải dùng trong một ngày với ba nguồn tiêu thụ chính: tưới cây, làm vệ sinh và dùng trong phòng thí nghiệm...

Những giải pháp thiết thực

Sau thời gian tổng hợp, phân tích số liệu điện năng và nguồn nước trường tiêu thụ hằng tháng, ba chàng trai đã mạnh dạn đưa ra đề tài “Giải pháp năng lượng cho Trường ĐH Bách khoa ĐHQG TP.HCM - Đơn giản nhưng hiệu quả”.

Để tiết kiệm nguồn điện, nhóm đưa ra giải pháp thay hệ thống đèn chiếu sáng cũ bằng đèn mới, lắp cảm ứng biến đếm số người tương đối vào lớp học để bật các dãy đèn. Ưu tiên bật các đèn gần bảng giáo viên để khuyến khích SV ngồi dãy bàn đầu. Tại các phòng có điều hòa, tích hợp hệ thống điện vào chìa khóa. Khi khóa cửa ra ngoài, phòng sẽ tự động ngắt hệ thống điện. Rồi tận dụng sự giao lưu giữa khí lạnh với khí nóng đầu vào của máy lạnh để tiết kiệm điện năng...

Để tiết kiệm nước, nhóm quyết tận dụng lượng nước mưa thu được từ mái các tòa nhà trong mùa mưa. Nguồn nước dùng cho nhà vệ sinh và tưới cây không cần sạch tuyệt đối nên lượng nước mưa sau khi lọc sơ có thể dùng. Giải pháp này còn giúp giảm áp lực cho các hệ thống thoát nước trong mùa mưa.

Và giải pháp cuối cùng là hệ thống giám sát mức sử dụng năng lượng bằng cách đưa ra các số liệu điện tại từng nơi sử dụng, giúp mọi người nhận ra sự lãng phí ở đâu. “Không cần hô hào, kêu gọi suông mà phải chỉ cho mọi người thấy họ đang lãng phí ở đâu, từ đó họ mới có ý thức tiết kiệm”, Thái Luân chia sẻ thông điệp của nhóm.

Tính ứng dụng cao

Tại vòng chung kết cuộc thi “Tiết kiệm năng lượng” tổ chức ở Singapore cuối tháng 3-2011 với chủ đề “Xây dựng một thế giới xanh tại trường đại học của tôi”, nhóm đã xuất sắc giành giải nhì cuộc thi với phần thưởng 1.000 USD.

Về hiệu quả của đề tài tiết kiệm năng lượng, Thái Luân dẫn chứng: “Nếu đầu tư kinh phí khoảng 82.000 euro, các giải pháp tiết kiệm sẽ giảm khoảng 393 tấn khí CO2 thải ra môi trường, tiết kiệm khoảng 636.000 kWh điện mỗi năm. Và chỉ cần tám tháng sẽ thu hồi kinh phí”.

Nhận xét về đề tài, thầy Nguyễn Tuấn Hùng - giảng viên Trường ĐH Bách khoa ĐHQG TP.HCM, người trực tiếp hướng dẫn nhóm thực hiện đề tài - cho biết: “Đề tài được hội đồng giám khảo đánh giá cao tính ứng dụng thực tiễn vào cuộc sống. Đặc biệt là hai giải pháp về ánh sáng và nước, không phức tạp về công nghệ, có thể áp dụng dễ dàng ở nhiều trường học, công ty. Các giải pháp khác nhóm đưa ra cũng rất đơn giản, dễ thực hiện và tốn ít kinh phí”.


(Theo Báo Tuổi Trẻ)


Tin Nổi Bật