Mã Trường

Mã Trường

Học - Thi -Tuyển sinh

Giành điểm phần tố cáo trong đề tốt nghiệp Giáo dục công dân.

Cập nhật 16/06/2022 - 09:26:38 AM (GMT+7)

Thầy Trần Công Hưng, trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (Nam Định), chia sẻ cách giành điểm các câu hỏi vận dụng cao của nội dung tố cáo trong đề Giáo dục công dân.

Khái niệm: Tố cáo là quyền của công dân được báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền biết về hành vi vi phạm pháp luật của bất cứ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, đến quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan tổ chức. (Trích trang 75, SGK môn GDCD của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam).

Mục đích của quyền tố cáo: nhằm phát hiện, ngăn chặn các việc làm trái pháp luật.

Những từ được gạch chân là các từ khóa cần nhớ, bởi chúng là căn cứ để chọn đáp án đúng.

Ví dụ 1: Công dân báo cho cơ quan có thẩm quyền biết về hành vi vi phạm pháp luật của bất cứ tổ chức nào là thực hiện quyền:

A. Khiếu nại

B. Tố cáo

C. Truy xuất

D. Phán quyết

Từ phần kiến thức cơ bản, thí sinh thấy đề dẫn có cụm từ "báo cho cơ quan có thẩm quyền biết - về hành vi vi phạm pháp luật", từ đó chúng ta loại bỏ được các phương án nhiễu để chọn đáp án đúng là B.

Ví dụ 2: Theo quy định của pháp luật, công dân có thể thực hiện quyền tố cáo trong trường hợp nào sau đây?

A. Phát hiện việc khai thác cát trái phép

B. Phải kê khai tài sản cá nhân

C. Bị truy thu thuế chưa thỏa đáng

D. Nhận quyết định điều chuyển công tác

Đây tiếp tục là câu hỏi thông hiểu. Khi đọc các phương án trả lời, thí sinh nhận thấy hành vi vi phạm pháp luật mà cần "báo cho cơ quan có thẩm quyền biết để ngăn chặn" là phương án A - đây cũng là đáp án đúng.

Ví dụ 3: Phát hiện nhân viên dưới quyền là chị B biết việc mình chiếm đoạt tiền hỗ trợ đối với các hộ dân bị thiệt hại do dịch tả lợn Châu Phi gây ra, lãnh đạo xã X là ông M đã đưa 10 triệu đồng cho chị B và đề nghị chị giữ kín việc này.

Vì chị B không đồng ý nên ông M dọa sẽ điều chuyển chị B sang bộ phận khác. Chị B có thể sử dụng quyền nào sau đây?

A. Tố cáo

B. Khiếu nại

C. Khởi tố

D. Thẩm định

Với dạng câu hỏi vận dụng. Các em nhận thấy chị B cần "báo cho cơ quan có thẩm quyền biết" hành vi vi phạm pháp luật của ông M để có biện pháp "ngăn chặn" như thế chúng ta sẽ nhanh chóng chọn được đáp án đúng là A.

Ví dụ 4. Anh B là Chi cục trưởng Chi cục X chở chị H là nhân viên đi công tác bằng xe mô tô. Trên đường đi anh B đã vượt đèn đỏ nên bị anh M cảnh sát giao thông yêu cầu dừng xe. Đồng thời, anh M lập biên bản và ra quyết định xử phạt anh B.

Cách đó không xa, anh D là tài xế xe taxi bị hành khách trên xe là anh C khống chế, dùng dao đâm vào bụng. Sau khi thoát khỏi xe và kêu cứu, anh D ngã gục xuống đường, lợi dụng lúc này anh C bỏ chạy. Anh M nhờ người đưa anh D đi cấp cứu còn mình truy đuổi anh C.

Thấy trong quyết định xử phạt anh B có ghi thêm lỗi đi sai làn đường dù anh B không vi phạm, chị H đã đưa sự việc lên mạng xã hội. Không ngờ hành động của chị H khiến việc anh B bị xử phạt lan truyền rộng rãi dẫn đến uy tín của anh B bị ảnh hưởng. Bức xúc, anh B đã tạo tình huống để chị H mắc lỗi nghiêm trọng rồi dựa vào đó thực hiện quy trình kỉ luật và chị H đã phải nhận quyết định buộc thôi việc.

Những ai sau đây có thể vừa được thực hiện quyền khiếu nại vừa được thực hiện quyền tố cáo?

A. Chị H và anh B

B. Chị H và anh D

C. Anh B, anh D và chị H

D. Anh M, anh B và anh C

Trên đây là câu hỏi vận dụng cao, liên kết hai phần kiến thức về khiếu nại và tố cáo. Tình tiết nhiều, có tính chất gây nhiễu, nhưng thí sinh cần bình tĩnh dùng các từ khóa về khiếu nại và tố cáo để nhận thấy chỉ có chị H và anh B ở phương án A có thể thực hiện được hai quyền trên.

Những điều cần lưu ý

- Thí sinh cần nắm chắc kiến thức cơ bản. Các em có thể học bằng nhiều hình thức như khái quát kiến thức bằng sơ đồ tư duy, rèn kỹ năng phân biệt từ khóa, làm đề ôn tập để tiếp cận các dạng câu hỏi, các tình huống thực tiễn nhằm củng cố lý thuyết...

- Ngoài học tập, các em cần giữ sức khỏe thể chất và tinh thần, bởi kỳ thi diễn ra trong thời tiết nóng bức, thời gian làm bài dài.

- Một lỗi khá phổ biến là trên đường đi thi hoặc trước khi vào thi, nhiều bạn ngấu nghiến đọc thêm. Nhưng khi vào phòng thi, các em thường chỉ nhớ những phần mình vừa đọc, những phần còn lại sẽ khó tái hiện trong tư duy - điều đó sẽ gây khó khăn khi lựa chọn đáp án.

- Khi làm đề, các em nên đọc kỹ câu hỏi, yêu cầu của đề bài và đọc lần lượt các phương án trả lời. Bởi dạng câu hỏi trắc nghiệm chỉ một phương án đúng, ba phương án nhiễu, được thiết kế hướng hiểu sai mà thí sinh dễ mắc.

Như vậy việc đọc chậm, kỹ giúp các em phân tích và loại suy để chọn được đáp án đúng theo yêu cầu của đề bài.

Học tập là quá trình gắn lý luận với thực tiễn vì vậy để đạt kết quả cao các em cần tích cực học tập kiến thức cơ bản, giải bài tập, tự rút ra phương pháp, kỹ năng và tốc độ sau mỗi lần luyện đề.

(Theo VnExpress).


Tin Nổi Bật