Mã Trường

Mã Trường

Kinh Nghiệm Việc Làm

Trong một buổi phỏng vấn bạn không có nhiều hơn 10 phút để tạo ấn tượng tích cực với nhà tuyển dụng đâu!

Cập nhật 13/08/2021 - 04:38:24 PM (GMT+7)

Buổi phỏng vấn rất quan trọng để bạn và nhà tuyển dụng tìm hiểu nhau, và những gì bạn thể hiện có thể sẽ là yếu tố quyết định trong việc bạn có trúng tuyển hay không.

Một cuộc phỏng vấn xin việc thành công là tổng hợp của rất nhiều yếu tố, từ hình thức cho đến nội dung. Trong quá trình phỏng vấn, nhà tuyển dụng thường sẽ tìm hiểu ứng viên là ai, năng lực của họ thế nào? Nhiều sinh viên mới tốt nghiệp hay người đã có kinh nghiệm muốn thay đổi môi trường làm việc không ít lần thất bại.

Trên thực tế, ngay cả những ứng viên giàu kinh nghiệm nhất - với bản sơ yếu lý lịch ấn tượng nhất - cũng mắc phải những sai lầm có thể dễ dàng phá hủy ấn tượng ban đầu.

Dưới đây là 5 điều hiển nhiên mà quá nhiều người quên làm trước khi thuyết phục được nhà tuyển dụng.

1. Dành thời gian tìm hiểu về những câu chuyện xoay quanh công ty bạn muốn ứng tuyển cũng như sản phẩm và dịch vụ của công ty

Nếu như bạn không thể trả lời được câu hỏi "Bạn biết gì về công ty này" thì cơ hội tìm kiếm việc làm, thậm chí là cơ hội tiếp tục với nhà tuyển dụng của bạn coi như kết thúc. Các thông tin căn bản về công ty như lịch sử phát triển, dịch vụ và sản phẩm của công ty, doanh số hàng năm, cơ cấu tổ chức, vị trí, các phòng ban, triết lý kinh doanh… là các thông tin sẵn có trong mục "Giới thiệu" trên website của công ty.

Kiến thức sâu rộng hơn về tập khách hàng của công ty cũng sẽ giúp bạn trình bày các kỹ năng và kinh nghiệm của mình trong ngữ cảnh phù hợp.

2. Nghiên cứu kỹ người bạn sẽ gặp trong buổi phỏng vấn và sẵn sàng chuẩn bị tạo ấn tượng ban đầu

Khi được sắp xếp một cuộc phỏng vấn, hãy nghiên cứu kỹ tên tuổi, chức danh người sẽ trực tiếp phỏng vấn mình. Thậm chí bạn có thể khai thác thêm nhân viên tuyển dụng xem bạn cần có những lưu ý gì để linh hoạt hơn trong quá trình phỏng vấn.

Mục tiêu không chỉ là nghiên cứu xem họ là ai mà còn để tìm kiếm các cơ hội kết nối, ví dụ: biết đâu đó bạn gặp lại người quen cũ, cả hai bạn đã từng là đồng nghiệp ở công ty cũ vài năm trước. Cơ hội bạn nắm được là rất lớn.

Nếu bạn không thể tìm thấy bất cứ kết nối nào trong hồ sơ của người phỏng vấn, hãy tìm hiểu các chủ đề đang được quan tâm thời điểm hiện tại. Có thể công ty vừa công bố một sản phẩm mới, hoặc CEO gần đây đã lên sóng truyền hình với những thông tin tích cực về công ty.

Để gây ấn tượng tốt với nhà tuyển dụng bạn có thể mở đầu buổi phỏng vấn bằng cách cho họ thấy bạn đã tìm hiểu về công ty bạn ứng tuyển như thế nào "Tôi thấy rằng công ty vừa thực hiện một thương vụ mua bán. Đây hẳn là một khoảng thời gian rất thú vị và bận rộn". Chủ động vào đề bài sẽ tạo cho bạn một cuộc phỏng vấn tự nhiên, thoải mái và cởi mở.

3. Chuẩn bị trước những câu hỏi nên hỏi nhà tuyển dụng

Trong quá trình phỏng vấn xin việc, có một câu hỏi mà hầu như tất cả các buổi phỏng vấn đều xuất hiện, và đây cũng là một trong những câu hỏi khiến các ứng viên bối rối thường vào thời điểm cuối buổi phỏng vấn. Đó là câu hỏi: "Bạn có muốn hỏi câu hỏi gì không?".

Đừng bao giờ nói rằng "Tôi không có câu hỏi nào cả!". Mắc sai lầm khi nói "Không" sẽ khiến nhà tuyển dụng có những đánh giá thấp về bạn. Ngược lại, nếu hỏi được những câu hỏi giá trị, bạn sẽ cho nhà tuyển dụng thấy rằng bạn có sự quan tâm đến công việc và đã có sự chuẩn bị; đồng thời những câu trả lời từ nhà tuyển dụng sẽ giúp bạn có một quyết định sáng suốt hơn về việc có nên làm việc ở đây hay không. Một buổi phỏng vấn luôn là một quá trình hai chiều, bạn chắc chắn sẽ muốn biết mình có thực sự phù hợp với công việc này và cơ hội thành công ở vị trí mới khả quan như thế nào, phải không?

Thực tế một câu hỏi thông minh khiến người phỏng vấn hứng thú có giá trị hơn nhiều những gì có trong hồ sơ của bạn. Đây chính là lợi thế mà bạn có thể tạo ra và khẳng định với nhà tuyển dụng bạn là ứng viên khác biệt hơn các ứng viên khác.

 

Trong một buổi phỏng vấn bạn không có nhiều hơn 10 phút để tạo ấn tượng tích cực với nhà tuyển dụng đâu! - Ảnh 1.

 

4. Đặt điện thoại ở chế độ im lặng

Để chuông điện thoại reo là điều cấm kỵ khi phỏng vấn. Việc này làm gián đoạn thời gian và mạch đối thoại của nhà tuyển dụng. Hãy tắt nguồn hoặc cài đặt chế độ im lặng trước khi vào phỏng vấn. Bởi điều này thể hiện sự bất cẩn và thiếu tôn trọng.

5. Chọn trang phục phù hợp cho buổi phỏng vấn và nhớ "soi gương" trước khi ra khỏi nhà

Không phải mọi cuộc phỏng vấn xin việc đều yêu cầu trang phục chuyên nghiệp, nhưng bạn vẫn nên thể hiện mình thật chỉnh tề và chỉn chu.

Bạn sẽ có được ấn tượng mạnh và tích cực của nhà tuyển dụng ngay cái nhìn đầu tiên nếu bạn mặc bộ quần áo lịch sự có màu sắc nhã nhặn, với đôi giày sạch bóng, tóc tai gọn gàng và một chút nước hoa thoang thoảng. Trông bạn thật chuyên nghiệp và thu hút.

Việc ăn mặc gọn gàng tới phỏng vấn rất quan trọng vì nó không tùy thuộc vào công ty mà bạn tham gia phỏng vấn, mà thể hiện bạn đi phỏng vấn với tư thế như thế nào. Đừng biến mình thành người thua cuộc trong vòng phỏng vấn chỉ vì không đi giày, mặc váy xẻ quá cao hoặc một áo sơ mi nhàu nát với cái cổ bẩn, hoặc mặc quần jeans bụi bặm, áo thun cộc tay với những móng tay dài ngoằng, cáu bẩn, tóc tai bờm xờm và hơi thở thì nồng nặc mùi khó chịu. Như thế trông bạn thật thiếu chuyên nghiệp.

Nhiều thống kê cho thấy bạn chỉ có 6 – 20 giây ngắn ngủi để thu hút sự chú ý của nhà tuyển dụng vào CV của mình. Tương tự như vậy với cuộc phỏng vấn trực tiếp. Bạn không có nhiều hơn 5 – 10 phút để tạo ấn tượng ban đầu tích cực. Vậy đừng để những thiếu sót đánh bại mình.

(Theo Kenh14.vn).


Tin Nổi Bật