Mã Trường

Mã Trường

Kinh Nghiệm Việc Làm

Bốn lỗi khi viết CV.

Cập nhật 12/03/2022 - 10:43:47 AM (GMT+7)

Ngoài cách chọn ảnh, chuyên gia tuyển dụng còn chỉ ra lỗi thể hiện ở phần mục tiêu nghề nghiệp, trình độ học vấn và liệt kê kinh nghiệm.

Chị Nguyễn Thái Hà, Trưởng phòng Thu hút Nhân tài của một tập đoàn giáo dục, có bảy năm kinh nghiệm trong phỏng vấn, tuyển dụng nhân sự. Chị hiện là giảng viên thỉnh giảng môn kỹ năng ứng tuyển ở một trường đại học tại Hà Nội. Chị chỉ ra các lỗi ứng viên thường gặp khi làm hồ sơ xin việc.

1. Lỗi chọn ảnh

Theo chị Hà, đưa ảnh vào CV hay không vẫn là chủ đề có nhiều ý kiến trái chiều, ngay cả với nhà tuyển dụng ở các công ty nước ngoài. Tại Việt Nam, nhiều vị trí đòi hỏi CV phải có ảnh, đặc biệt là các công việc có yêu cầu về ngoại hình như lễ tân, thư ký, giao dịch viên, nhân sự...

Ảnh trong hồ sơ nên là ảnh cận mặt (không nhất thiết phải là ảnh thẻ), thần thái tươi tắn, rạng rỡ, nữ trang điểm nhẹ. Nhiều ứng viên gửi CV nhưng dùng ảnh nhìn xa xăm hoặc ảnh toàn thân, mặt chỉ chiếm 1/10 khung hình. Chị Hà nhận định, ảnh dùng trong hồ sơ ứng tuyển khá quan trọng vì với người Việt, khi quyết định tạo mối quan hệ với ai đó, "xem mặt" là bước quan trọng.

2. Lỗi mục tiêu nghề nghiệp

Chuyên gia tuyển dụng cho hay, mục tiêu tức là đích đến, vì thế khi viết trong hồ sơ, ứng viên phải gọi tên được nó. Mục này cần viết ngắn gọn, xác định được vị trí/thành tích mong muốn đạt được trong một lĩnh vực cụ thể. Chị Hà lấy ví dụ về phần mục tiêu nghề nghiệp được đánh giá viết đúng.

Mục tiêu nghề nghiệp:

- Định hướng phát triển bản thân theo mảng tuyển dụng, áp dụng những kinh nghiệm mình đã, đang và sẽ có để phục vụ công việc.

- Mong muốn được làm việc trong một môi trường trẻ, năng động, có cơ hội phát triển bản thân rõ ràng hơn trong công việc và mang đến nhiều giá trị cho công ty.

- Phấn đấu trong ba năm trở thành chuyên viên tuyển dụng chuyên nghiệp.

Chị Hà khuyên không nên viết mục tiêu theo hướng kể lể, thiếu trọng tâm, hay mơ hồ, chung chung. "Nhiều ứng viên viết: ‘Em muốn học hỏi, tích lũy kinh nghiệm’, nhưng tôi thường hỏi tiếp rằng, vậy học hỏi và tích lũy kinh nghiệm xong thì em sẽ làm gì với kiến thức và kinh nghiệm đó?", chị Hà kể.

3. Lỗi trình độ học vấn

Trong hồ sơ, ứng viên chỉ nên liệt kê 1-2 trình độ cao nhất (thường là đại học và sau đại học), có ghi chú về điểm số (nếu là ứng viên mới ra trường, ít kinh nghiệm làm việc, hoặc điểm trung bình hay điểm một số môn học liên quan mật thiết với vị trí ứng tuyển). Theo chị Hà, không cần liệt kê tất cả cấp học vì về cơ bản, không nhà tuyển dụng nào quan tâm tới trường tiểu học của ứng viên là gì. Ngoài ra, nếu có tham gia các khóa học ngắn hạn ở bên ngoài, bạn cũng có thể ghi vào.

 

Ví dụ về một CV biết cách thể hiện thông tin về học vấn.

Ví dụ về một CV biết cách thể hiện thông tin về học vấn.

 

4. Lỗi liệt kê kinh nghiệm

Chuyên gia tuyển dụng đánh giá đây là lỗi nghiêm trọng và phổ biến, kể cả với ứng viên nhiều kinh nghiệm. Ví dụ, với vị trí nhân viên kinh doanh, thường ứng viên sẽ liệt kê các đầu việc trong quá khứ như tìm kiếm khách hàng mới, tư vấn bán hàng, giải quyết khiếu nại, chăm sóc hậu mãi...

Chị Hà cho rằng liệt kê các đầu việc này thường không có tác dụng, vì vị trí nhân viên kinh doanh ở mọi công ty đều làm những việc đó. Là nhà tuyển dụng, chị muốn biết các thông tin như doanh thu trung bình, doanh thu cao nhất, nguồn khách hàng tự kiếm, tỷ lệ tái mua... hay còn gọi là các chỉ số phản ánh năng lực của ứng viên.

"Phó chủ tịch Google hướng dẫn ứng viên viết phần này theo cấu trúc: Làm việc X, bằng cách Y, và mang lại kết quả Z. Ứng viên cần viết ngắn gọn nhưng vẫn nêu bật được khả năng thực thi công việc, lưu ý tập trung vào kết quả, chị Hà nói, ví dụ về CV viết đúng.

 

Bốn lỗi khi viết CV - 1

 

Trong khi đó, hồ sơ nào trình bày dài dòng, tập trung liệt kê đầu việc hoặc viết quá cụt, không thể hiện sự tiến bộ qua các công việc khác nhau sẽ dễ mất điểm với nhà tuyển dụng. Ví dụ như CV dưới đây:

 

Bốn lỗi khi viết CV - 2

 

Ngoài bốn lỗi trên, chị Hà chỉ ra một số vấn đề khác, thường khiến ứng viên bị loại ngay từ vòng hồ sơ như đường sự nghiệp không thẳng, tức mỗi giai đoạn lại làm một công việc khác nhau. "Việc này tùy thuộc vào quan điểm của nhà tuyển dụng. Khó đòi hỏi các bạn dưới 22 tuổi định hướng được ngay sự nghiệp của mình. Tuy nhiên, đi làm từ ba năm trở lên, hoặc đổi công việc tới 5-6 lần vẫn không hiểu mình muốn gì thì lại là vấn đề. Nhà tuyển dụng thấy rủi ro khi tuyển những ứng viên như vậy, vì thời gian và chi phí bỏ ra cho một nhân viên mới là không ít", chị Hà đánh giá.

Bên cạnh đó, ứng viên nhảy việc nhiều chứng tỏ độ gắn bó thấp. Chuyên gia phỏng vấn cho rằng các công việc làm dưới sáu tháng được coi là trải nghiệm, chưa phải là kinh nghiệm. Ứng viên thay đổi công việc thường xuyên còn tạo cảm giác thiếu an toàn cho nhà tuyển dụng, e ngại họ "vào công ty chỉ để thử".

"Tuy nhiên cũng có nhà tuyển dụng ưa thích các bạn nhảy việc vì ứng viên tự tin mới dám nhảy việc, đặc biệt là thế hệ Gen Z", chị Hà nói.

Khi làm hồ sơ ứng tuyển, chị khuyên ứng viên nên tự đặt câu hỏi hỏi đưa thông tin này vào CV có giúp nhà tuyển dụng đánh giá được năng lực và sự phù hợp của mình không.

(Theo VnExpress).


Tin Nổi Bật