Mã Trường

Mã Trường

Học - Thi -Tuyển sinh

Tránh lỗi sai 'kinh điển' khi làm đề thi tiếng Anh tốt nghiệp THPT quốc gia 2021.

Cập nhật 05/07/2021 - 03:59:59 PM (GMT+7)

Còn 1 ngày nữa là kỳ thi tốt nghiệp THPTquốc gia 2021 chính thức diễn ra. Thầy giáo Đỗ Minh Trung lưu ý thí sinh tránh lỗi thường gặp khi làm bài thi môn tiếng Anh.

Với trên 20 năm kinh nghiệm luyện thi tốt nghiệp THPT môn tiếng Anh, thầy Đỗ Minh Trung đã tổng hợp ra những lỗi sai thường gặp nhất trong bài thi tiếng Anh.

Để tránh những lỗi sai không đáng có theo mức độ giảm dần và đạt điểm tuyệt đối trong môn tiếng Anh, các em cần lưu ý những điều sau:

Lỗi kỹ năng

1. Lỗi ở dạng bài cụm động từ, thành ngữ

Đây là phần khó nhất trong đề thi, không có nguyên tắc cố định nào. Học sinh buộc phải nhớ chính xác nghĩa của mỗi cụm động từ, thành ngữ... để có thể tìm ra đáp án đúng. Trên thực tế, số lượng cụm động từ, thành ngữ... lại quá nhiều nên hầu hết các em đều không nhớ.

Để “ăn” điểm phần này, học sinh cần xem lại kỹ những cụm động từ, thành ngữ... đã từng xuất hiện trong sách giáo khoa, tại các đề ôn luyện của các bạn đã làm. Ngoài ra, các bạn cũng có thể vận dụng việc dịch nghĩa của câu/của thành ngữ đó rồi sau đó có thể vận dụng với một thành ngữ tiếng Việt tương đương với một số thành ngữ.

2. Lỗi ở dạng bài từ đồng nghĩa - trái nghĩa

Thứ nhất, đây là một lỗi sai thường gặp nhất của học sinh, nó không chỉ là lỗi do kiến thức về từ vựng của học sinh còn hạn chế, đồng thời nó còn là cách hiểu của học sinh về từ/cụm từ đó trong ngữ cảnh của câu hỏi đó, dẫn đến học sinh có những lựa chọn đáp án sai lầm.

Thứ hai, học sinh rất dễ mất điểm oan ở phần này chỉ vì không đọc kỹ đề bài vì nhiều em chọn nhầm đáp án đồng nghĩa trong khi đề yêu cầu trái nghĩa và ngược lại, dù trước đó đã dịch được cả đề lẫn các từ gạch chân. Việc cẩn trọng trong việc đọc kỹ đề bài là điều hết sức cần thiết.

Bên cạnh đó, một từ tiếng Anh thường có nhiều hơn một nét nghĩa. Việc đọc và dịch cẩn thận nghĩa cả câu sẽ giúp học sinh xác định nghĩa của từ in đậm trong câu, từ đó suy đoán được từ cần điền. Điều này rất quan trọng, bởi từ đồng nghĩa cần tìm là từ có thể thay thế cho từ in đậm trong ngữ cảnh câu đó, không chỉ đơn thuần là giống nhau về nghĩa.

 

Thầy Đỗ Minh Trung cùng học sinh

 

3. Lỗi ở bài phát âm và trọng âm

Dạng bài này có sẵn một số quy tắc nhưng không phải học sinh nào cũng nhớ hết. Do đó, khi làm bài, các em thường chọn bừa hoặc chọn theo cách đọc, làm theo cảm tính (đôi khi không chuẩn xác) của mình.

Để lấy điểm phần này, học sinh cần phải học thuộc cách phát âm của một số nguyên âm, phụ âm khó (-s/es, -ed), cũng như mẹo đánh trọng âm của các tính từ, động từ, danh từ có 2-3 âm tiết, kết thúc đuôi đặc biệt (-ion, -ity, -ance, -ence, -ment,...)

4. Lỗi ở bài điền từ và bài đọc

Học sinh thường không đọc tiêu đề của bài mà bắt tay ngay vào dịch và trả lời câu hỏi. Thật ra, tiêu đề là phần rất quan trọng, bởi nó tóm tắt ngắn gọn nhất nội dung của bài (trừ khi bài không có tiêu đề). Nếu bỏ qua phần này, các em sẽ không có cái nhìn tổng thể về nội dung bài đọc.

Ngoài ra, học sinh hay có thói quen dịch toàn bộ bài đọc rồi mới nhìn phần câu hỏi. Điều này sẽ khiến các em mất quá nhiều thời gian cho bài đọc, không kịp trả hoàn thành các phần khác trong đề.

Bên cạnh đó, một số em chủ quan không tìm những câu hỏi dễ để làm trước như: The word "it" in paragraph ... refers to hoặc Which best serves as the title for the passage?... vì đây là những câu hỏi dễ các em có thể tìm thấy đáp án ngay ở đoạn đầu hoặc là đoạn mà có từ in đậm có đó.

Đối với bài đọc và điền từ, học sinh cần đọc câu hỏi trước, chưa cần xem các phương án trả lời. Nhờ vậy, các em sẽ xác định được mình cần tìm gì, từ đó dễ dàng tìm ra đáp án trong nội dung bài đọc.

5. Lỗi ở dạng bài viết lại câu

Bài viết lại câu là phần dễ mất điểm nhất trong đề thi. Trên lớp, học sinh thường làm bài viết lại câu theo hình thức tự luận, nên sẽ khá bối rối khi làm bài thi thật theo hình thức trắc nghiệm.

Muốn tránh lỗi sai này, học sinh buộc phải nắm vững các cấu trúc câu cơ bản (câu mong ước, câu trực tiếp - gián tiếp, câu bị động, câu so sánh, câu điều kiện,...) và phần từ nối (because, although, but, so,...). Các em có thể tập viết lại câu tại nhà với độ chính xác tuyệt đối, để không bị phân tâm bởi các phương án sai trong bài.

6. Lỗi ở dạng bài sửa lỗi sai

Dạng bài này thường được coi là phần "gỡ điểm" nếu học sinh luyện bài tập đủ nhiều. Tuy nhiên, với những em không vững kiến thức, quá trình sửa lỗi sai sẽ mất nhiều thời gian hơn bình thường.

Ngoài việc phải học kỹ ngữ pháp, học sinh cần chú ý: các lỗi sai thường tập trung ở cách chia động từ, chia danh từ số ít - số nhiều, mệnh đề quan hệ, các cặp động từ dễ nhầm lẫn… Ghi nhớ điều này sẽ giúp học sinh tăng khả năng chọn được đáp án chính xác khi làm bài.

Lỗi tâm lý

1. Vội vàng, hấp tấp

Vì bài thi tiếng Anh có thời gian 60 phút chia đều cho 50 câu, học sinh sẽ muốn bắt tay ngay vào làm bài với tâm lý càng nhanh càng tốt. Các em thường không đọc kỹ đề, bỏ qua việc xác định yêu cầu đề bài, từ đó dẫn đến chọn đáp án sai. Ngay cả những học sinh vững kiến thức nhất cũng có thể mắc sai sót vì nhanh nhảu, hấp tấp.

 

Thầy Đỗ Minh Trung - Giáo viên 22 năm luyện thi tốt nghiệp THPT

 

Đặc biệt, nhiều học sinh có thói quen khoanh đáp án trong đề trước, đợi tới cuối giờ mới bắt đầu chuyển sang tô phiếu trả lời. Lúc này, các em thường có tâm lý sợ hết thời gian, nên tô đáp án một cách vội vàng, dễ sai sót.

Tô quá mờ, sửa đáp án nhưng không xóa sạch vết tô cũ, quên làm những câu còn phân vân... cũng là những lỗi cần lưu ý.

Chỉ khi giữ bình tĩnh, thận trọng, học sinh mới có thể làm bài hiệu quả. Đặc biệt, các em nên xác định trước thời gian dành cho việc tô đáp án để tránh rơi vào tình thế bị động.

Các em cần nhớ, đề thi tiếng Anh tốt nghiệp PTTH sẽ gồm 50 câu, với tổng thời gian làm bài là 60 phút. Thầy Trung khuyên học sinh nên dành 50 phút để làm và xem lại bài, 10 phút cuối giờ dùng để chuyển đáp án vào phiếu trả lời. Như vậy, trung bình mỗi câu sẽ có khoảng 1 phút để hoàn thành.

Ngoài ra, học sinh không nên quá tập trung vào một bài để rồi thiếu thời gian cho các bài khác. Câu dễ nên làm trước, câu khó thì đánh dấu lại để trả lời sau, không nhất thiết phải làm theo thứ tự.

2. Xóa đáp án đúng để chọn đáp án sai

Trong quá trình làm bài, các em khó tránh khỏi việc phân vân giữa các đáp án.

Thầy Trung cho biết, mùa thi nào thầy cũng chứng kiến vô số học sinh khoanh 1 đáp án rồi cuối giờ xóa đi chọn đáp án khác, trong khi câu trả lời đúng lại là... cái đầu tiên đã chọn.

Có em lại hoang mang khi 3-5 câu hỏi liên tiếp đều có cùng đáp án là A, hoặc B, hoặc C hay D nên cũng chọn nhầm đáp án.

Nguyên nhân đầu tiên là do các em chưa vững kiến thức nên còn lưỡng lự. Nguyên nhân thứ hai là do các em lo lắng quá mức dẫn đến tâm lý dao động. Hiện tượng này xảy ra ngay cả với những học sinh khá giỏi.

Để khắc phục vấn đề này, học sinh cần nắm chắc kiến thức và tin tưởng vào bản thân, không để áp lực đè nén mình.

Thầy Trung cũng gợi ý, học sinh có thể làm bài theo mức độ từ dễ đến khó: ngữ pháp - sửa lỗi sai - trọng âm và phát âm - bài đọc và điền từ - viết lại câu.

Tất nhiên, lời khuyên trên chỉ mang tính chất tham khảo, còn học sinh hoàn toàn có thể làm bài theo thứ tự riêng, tùy vào sở thích và năng lực của mình. Thầy chúc các em bước vào kỳ thi quyết định, thầy chúc các em sẽ có được một kỳ thi thật tốt và thành công.

Thầy Trung khuyên các em đừng tạo áp lực cho mình nhé, hãy để cho tâm trí thoải mái, bình tĩnh, không bị quá căng thẳng. Hãy mang trong mình một tâm trạng thoải mái, thư giãn vì chúng ta đã trải qua một thời gian dài căng thẳng rồi, các em chắc chắn sẽ có một kỳ thi đạt kết quả cao.

(Theo báo VietnamNet).


Tin Nổi Bật