GD&TĐ - Theo thầy Đỗ Văn Hải – Tổ trưởng Tổ Toán, Trường THPT Thuận Thành số 3 (Bắc Ninh), chủ đề thể tích khối đa diện đòi hỏi thí sinh có khả năng tư duy cao và phải nắm chắc kiến thức trọng tâm thì mới “ăn điểm”.
* Thầy có thể cho biết, những kiến thức trọng tâm thí sinh cần ghi nhớ đối với chủ đề Diện tích xung quanh, diện tích toàn phần, thể tích khối đa diện?
- Học hình không gian đòi hỏi người học phải có trí tưởng tượng và tư duy cao. Vì vậy, đa số học sinh đều cảm nhận đây là chủ đề khó. Tuy nhiên, theo đề thi tốt nghiệp THPT năm 2020 cũng như đề thi minh họa của bộ GD&ĐT năm 2021, các câu hỏi chủ yếu ở mức nhận biết và thông hiểu. Do vậy, học để đáp ứng kỳ thi tốt nghiệp THPT như hiện nay không phải là vấn đề quá khó đối với học sinh.
Theo tôi, khi học về chủ đề thể tích khối đa diện, trước tiên các em cần nắm chắc các kiến thức trong hình học phẳng như: Định lý Pitago, các công thức và hệ thức lượng trong tam giác; các công thức tính diện tích tam giác, hình vuông, hình chữ nhật, hình thang… Những kiến thức này giúp các em thực hiện các bước tính toán trong quá trình giải bài tập.
Ngoài ra, các em cần học cụ thể một số dạng hình như: Hình lập phương, hình hộp chữ nhật, hình chóp có cạnh bên vuông góc với đáy, hình chóp đều, hình chóp có mặt bên vuông góc với đáy, hình lăng trụ đứng….
Ở các dạng hình đó hãy học cách vẽ hình, cách xác định đường cao của từng loại hình. Còn đối với diện tích xung quanh, diện tích toàn phần và thể tích khối nón và khối trụ, các em cần học thuộc các công thức tính mỗi loại; đặc biệt phải nắm chắc mối liên hệ giữa các yếu tố trong hình như: bán kính đáy, độ dài đường sinh, đường cao... Qua đó, các em biết đề bài cho cái gì, tìm cái gì và tìm bằng cách nào.
* Nhiều thí sinh cho rằng, chủ đề này rất khó. Làm thế nào để thí sinh có thể “ăn điểm” từ những câu hỏi thuộc chủ đề này?
- Trong đề minh họa của Bộ GD&ĐT năm 2021 có 5 câu về chủ đề thể tích khối đa diện và khối tròn xoay (câu 21;22;23;24;43), trong đó có 4 câu mức nhận biết và thông hiểu, chỉ có 1 câu ở mức vận dụng.
Như vậy không thể cho rằng, nội dung này thường “đánh đố” học sinh. Tuy nhiên trong thực tế, quá trình học tập của học sinh đôi khi gặp phải các bài tập khó ở những tài liệu hoặc đề thi tham khảo, làm cho các em hoang mang về chủ đề này.
Theo tôi, để “ăn điểm” các câu hỏi thuộc chủ đề này, các em cần học thật chắc các kiến thức cơ bản như đã nói ở trên và làm thêm các bài tập bám sát mức độ như trong đề minh họa của Bộ GD&ĐT.
Thầy Đỗ Văn Hải vẫn duy trì ôn tập online cho cho trò của mình.
* Theo thầy, khi làm các dạng bài tập này, thí sinh thường mắc phải những sai lầm gì?
- Đối với dạng bài tập về khối đa diện và khối tròn xoay, học sinh thường mắc phải các sai lầm như: xác định các yếu tố của giả thiết sai, nhất là những bài tập có cho yếu tố góc và khoảng cách. Ngoài ra, một số học sinh chưa chắc kiến thức nên hay bị nhầm lẫn các công thức áp dụng cho việc tính toán.
* Thầy có lời khuyên gì cho học trò của mình trước khi các em vượt vũ môn?
- Thứ nhất, trong quá trình ôn tập và làm đề thi thử, mỗi em cần “tự hiểu mình”. Xác định rõ nội dung kiến thức nào còn yếu, còn thiếu cần phải bổ sung; qua đó có thể tự học hoặc hỏi thầy cô, bạn bè để bổ sung ngay các chỗ hổng. Cần ghi chép lại các nội dung đó ra vở riêng để tiện trong quá trình xem lại.
Thứ hai, cần ôn tập rộng, phủ khắp các nội dung trong chương trình lớp 12 và một số nội dung ở lớp 10 và 11. Trong quá trình ôn tập, cần chia các dạng bài tập và hệ thống được kiến thức.
Thứ ba, cần chú ý rèn luyện kĩ năng làm bài thi trắc nghiệm trong các lần làm đề thi thử. Trong quá trình ôn tập có thể tự mình phát triển các câu tương tự hoặc thay đổi giả thiết bài tập, mục đích để có thể làm quen trước các tình huống xảy ra.
Thứ tư, bố trí thời gian biểu trong ngày và trong tuần để ôn tập các môn thi một cách lợp lí nhất. Cũng không cần phải thức quá khuya hoặc dạy quá sớm để ôn tập. Tuy nhiên, những lúc học, cần có không gian yên tĩnh và tập trung học thật sự để đạt hiệu quả cao.
- Xin cảm ơn thầy!
(Theo báo Giáo dục & Thời đại).