GD&TĐ - Trong những năm gần đây, đề thi tốt nghiệp THPT thường bám sát đề minh họa của Bộ GD&ĐT.
Do đó, thí sinh cần dựa theo các mức độ của đề minh hoạ để ôn tập. Để làm bài thi môn Hóa học có kết quả cao, ngoài những lời dặn dò của thầy cô trên lớp, kinh nghiệm của bản thân, thí sinh nên chia ra các lộ trình thích hợp để ôn tập như sau:
Giai đoạn 1: Ôn tập để làm được 20 câu đầu tiên (câu 41 - 60)
Đầu tiên, thí sinh cần xem lại nội dung ôn tập của GV đã dạy trên lớp, đặc biệt là phần hệ thống kiến thức của thầy cô giáo.
Các câu hỏi ở mức độ nhận biết và thông hiểu. Mỗi câu hỏi được ra ở một chỉ báo của mức độ kiến thức và kỹ năng cần kiểm tra, đánh giá tương ứng; tức là câu hỏi ngắn ngọn, có 1 câu dẫn và 4 đáp án ngắn gọn. Các câu lý thuyết HS thuộc bài nhìn vào có thể chọn được ngay. Câu bài tập chỉ cần 1 - 2 phép tính, HS sẽ tìm được đáp án.
Để luyện tập dạng này, các em làm lại các câu hỏi trong SGK, sách bài tập cơ bản và các đề thi tốt nghiệp THPT các năm trước. Trong đó, các em nên chú trọng các nội dung sau:
Ôn tập lý thuyết: HS đọc lại sách giáo khoa, đặc biệt là các câu in chữ màu xanh trong sách.
- Đại cương lớp 10-11-12: Đây là kiến thức nền tảng, HS nào mất căn bản phải xem lại những phần này thật kĩ.
- Hoá học 10: Từ cấu hình electron suy ra vị trí trong bảng tuần hoàn và khả năng tạo liên kết; biết tính số oxy hóa và cân bằng phản ứng oxi hoá khử.
- Hoá học 11: HS biết chất điện li, chất điện li mạnh và yếu; pH của dung dịch, tính tan của các chất và viết được phương trình hoá học của phản ứng trao đổi dạng phân tử và ion. Trong chương đại cương hữu cơ, HS cần nắm được thuyết cấu tạo hóa học, khái niệm đồng đẳng và đồng phân, phân tích nguyên tố.
- Hoá học 12: HS biết vận dụng dãy điện hoá để so sánh tính khử, tính oxi hoá và viết phương trình hoá học. Biết và hiểu tính chất vật lý của kim loại, biết sử dụng các phương pháp điều chế kim loại, ăn mòn kim loại.
- Hữu cơ lớp 12: Các em cần thuộc khái niệm, phân loại, công thức, tên gọi, điều chế, ứng dụng và tính chất của các chất cơ bản nhất, lưu ý hiện tượng các phản ứng.
- Vô cơ lớp 12 (chủ yếu kim loại nhóm IA-IIA-Al-Fe-Cr và hợp chất của chúng): Biết tính chất cơ bản và các phương trình hoá học, cách điều chế các kim loại trên.Thuộc tên, công thức, tính được số oxy hoá, màu sắc và ứng dụng các hợp chất kim loại, viết được các phương trình hoá học và nêu được hiện tượng xảy ra.
- Vô cơ lớp 11: HS đọc lại công thức, tên và ứng dụng các hợp chất của N, P, C, Si. Phần này thường có liên quan đến hoá học xã hội và môi trường ở lớp 12.
Ôn tập bài tập: Phần này yêu cầu thí sinh biết tính theo công thức và một phương trình hoá học (tính số mol, khối lượng, thể tích, nồng độ… hoặc tìm chất). Để làm được các câu này, HS cần thuộc các công thức tính toán trong hoá học và thuộc phương trình hoá học cơ bản và biết cách tính theo phương trình đó (hs nào mất căn bản phải ôn lại ở học kì II của lớp 8).
HS chưa cần sử dụng các định luật bảo toàn, tuy nhiên những em khá, giỏi có thể kết hợp các định luật bảo toàn để làm nhanh hơn.
Giai đoạn 2: Ôn tập 10 câu tiếp theo (câu 61 - 70)
Phần này bao gồm các câu ở mức độ trung bình và khá, mỗi câu hỏi sẽ có nhiều đơn vị kiến thức hơn, bắt đầu xuất hiện các câu tổng hợp nhỏ, nhiều câu hỏi vận dụng hơn.
Tuy nhiên, HS nắm chắc kiến thức như phần trên vẫn có thể làm đúng được một số câu. HS biết làm bài tập hỗn hợp hoặc sử dụng các định luật bảo toàn.
Giai đoạn 3: Ôn tập 10 câu cuối (câu 71 - 80)
Phần này dành để phân loại HS khá giỏi. Những em có nhu cầu xét vào các trường đại học tốp đầu phải làm tốt những câu hỏi này.
Để làm được phần này các em phải luyện tập rất nhiều, kiến thức chắc chắn, giải nhiều đề thi thử và học tốt các chuyên đề.
Về lý thuyết: HS phải giỏi toàn bộ chương trình học ở lớp 10-11-12. Trong phần này thường có những câu hỏi như: Phân tích thí nghiệm (hs phải giỏi kĩ năng thực hành), đếm số phát biểu đúng sai (thường phải biết phương trình hoá học hoặc ứng dụng các chất trong thực tiễn); tìm công thức của chất vô cơ hoặc hữu cơ. Phần này có thể có 1-2 nội dung kiến thức ở lớp 10 hoặc 11 nhưng nếu HS không biết sẽ trả lời sai luôn cả câu.
Về bài tập: Các em phải giỏi các kĩ năng giải toán như sử dụng các định luật bảo toàn, kỹ năng quy đổi và biện luận, trong phần này thường gồm các câu hỏi tổng hợp; đề cho nhiều chất, nhiều phương trình hoá học, thường gồm các nội dung este - chất béo (có thể có thêm kiến thức về ancol, phenol, anđehit), hợp chất nitơ (có thể thêm kiến thức hiđrocacbon); hợp chất kim loại IA-IIA-Al; sắt và hợp chất sắt (có thể có thêm kiến thức điện phân). Những câu này thường mới và có thể khác với dạng đã cho trong đề thi minh họa. Ngoài việc rèn luyện các câu trong đề thi cũ, HS cần tìm thêm các câu mới lạ để luyện tập thêm.
Trên đây là một số gợi ý để các em ôn tập tốt hơn, tuỳ vào tình hình hàng năm mà độ khó của đề có thể tăng hoặc giảm.Tuy nhiên, các em cần ôn tập theo mức độ của đề minh họa thi tốt nghiệp THPT 2021; đề thi THPT quốc gia các năm 2016 - 2020.
Để làm tốt đề thi, các em phải học chắc kiến thức cơ bản và biết vận dụng các phương pháp giải bài tập, đồng thời cần phân bố thời gian hợp lý khi ôn tập và làm bài thi.
Hóa học lớp 12 là một trong những môn quan trọng của tổ hợp đề thi Khoa học tự nhiên bên cạnh Vật lý và Sinh học. Đây là bộ môn có khối lượng kiến thức lớn cả về lý thuyết lẫn bài tập. Vì vậy, thí sinh phải nắm thật chắc lý thuyết và rèn nhiều ở phần bài tập ở mức độ vận dụng, vận dụng cao.
(Theo báo Giáo dục & Thời đại).