Mã Trường

Mã Trường

Học - Thi -Tuyển sinh

Gợi ý cách làm bài thi môn Lịch sử.

Cập nhật 26/05/2021 - 11:24:28 AM (GMT+7)

Thạc sĩ Nguyễn Thị Hồng, giảng viên Trung tâm GDNN-GDTX Thạch Thất, Hà Nội, lưu ý cách nhận diện từ khóa và dùng phương pháp loại trừ khi làm bài thi Lịch sử.

Từ năm học 2020-2021, môn Lịch sử có một số điều chỉnh so với năm học trước. Vì vậy khi ôn tập thi tốt nghiệp THPT, thí sinh cần lưu ý để không bỏ sót kiến thức. Trong các năm học trước, các em không học bài 25 nhưng từ năm học 2020-2021, bài này được đưa vào nội dung giảng dạy chính thức.

Dưới đây là một số gợi ý giúp thí sinh ôn tập hiệu quả và làm tốt bài thi Lịch sử.

Thứ nhất, cần nắm vững kiến thức sách giáo khoa, hệ thống kiến thức cơ bản theo sơ đồ cho ngắn gọn, dễ hiểu và không bỏ sót kiến thức. Đề thi sẽ trải dài hết chương trình, trừ nội dung giảm tải sẽ không có trong đề thi.

Kiến thức trọng tâm phần lớn ở lớp 12, gồm Lịch sử thế giới và Lịch sử Việt Nam. Ở phần Lịch sử thế giới, các em chia thành 6 chủ đề tương đương 6 chương trong sách giáo khoa. Lịch sử Việt Nam chia 5 giai đoạn, từ năm 1919 đến năm 2000.

Khi ôn tập, các em nên chuẩn bị một quyển sổ nhỏ để ghi lại các từ khóa cơ bản của chủ đề đó hoặc giai đoạn lịch sử đó. Ghi chép giúp các em hệ thống kiến thức và từ khóa khoa học hơn, nhớ lâu hơn và áp dụng khi làm đề thuần thục.

Thứ hai, học sinh cần đọc kỹ đề và nhận diện từ khóa. Thông thường câu hỏi liên quan đến vấn đề gì, đáp án sẽ là từ khóa đó.

Ví dụ: Vấn đề nào sau đây được đặt lên hàng đầu trong các hội nghị của Đảng Cộng sản Đông Dương giai đoạn 1939-1945?

A. Giải phóng dân tộc.

B. Giải phóng giai cấp.

C. Thành lập mặt trận.

D. Cải cách ruộng đất.

Đáp án: A (từ khóa trong câu hỏi này gắn với giai đoạn 1939-1945 là giải phóng dân tộc).

Sau khi đọc đề, các em làm câu dễ trước, tránh tập trung nhiều thời gian vào câu khó. Nếu gặp câu khó không giải được, các em dùng phương pháp loại trừ, nhận diện đáp án sai để tìm nhanh đáp án đúng.

Ví dụ: Nhận xét nào sau đây là phù hợp về Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên (1925-1929)?

A. Một trong những tổ chức cộng sản đầu tiên của Việt Nam.

B. Một tổ chức yêu nước có khuynh hướng cộng sản.

C. Đội tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam.

D. Tổ chức tiền thân của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.

Đáp án: B.

Học sinh phân bổ thời gian hợp lý để làm bài, chắc câu nào tô luôn câu đó; nếu để cuối giờ thường luống cuống và bỏ sót câu. Các em nên dành thời gian soát lại toàn bộ bài thi cho đủ 40 câu, không được bỏ trống đáp án nào.

Thứ ba, học sinh cần chuẩn bị tâm thế vững vàng cho kỳ thi, lên kế hoạch ôn tập kỹ càng cho giai đoạn nước rút trước khi thi và nắm chắc những lưu ý làm bài. Ngoài ra, các em phân bổ thời gian học tập, nghỉ ngơi hợp lý để tránh căng thẳng ảnh hưởng đến hiệu quả ôn tập và thi cử.

(Theo Vnexpress).


Tin Nổi Bật