Mã Trường

Mã Trường

Học - Thi -Tuyển sinh

Đề thi tốt nghiệp THPT có "dễ thở" hơn?

Cập nhật 09/05/2021 - 10:32:38 AM (GMT+7)

Năm 2020, đề thi tốt nghiệp THPT được giảm tải không ít do tình hình dịch bệnh, thí sinh phải học trực tuyến.

Năm nay, thí sinh cũng phải học trực tuyến nhưng đề thi tham khảo mà Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố mới đây được đánh giá là giảm tải không nhiều và có độ phân hóa cao hơn năm ngoái.

Theo nhận xét của các chuyên gia, với đề thi tham khảo môn toán năm nay, số thí sinh đạt điểm 10 chỉ ở hàng chục chứ không có tình trạng "mưa điểm 10".

 

 

Giải đáp những băn khoăn về đề thi năm nay, PGS-TS Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo, cho hay nội dung đề thi nằm trong chương trình THPT, chủ yếu lớp 12. "Các nội dung kiến thức được tinh giản do tác động của dịch Covid-19 sẽ không được đưa vào đề thi năm nay" - ông Trinh nhấn mạnh.

Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng cũng trấn an thêm đề thi sẽ gồm phần lớn các câu hỏi ở mức độ cơ bản, đồng thời, đề thi cũng có số lượng hợp lý các câu hỏi khó để phân hóa kết quả thi của thí sinh (nhất là đối với vùng điểm cao như điểm 9, điểm 10). Để thí sinh thuận lợi khi làm bài, các câu hỏi trong đề thi được sắp xếp từ dễ đến khó.


Liên quan đến ý kiến từ các trường ĐH cho rằng nên tăng độ khó của đề thi tốt nghiệp THPT để thuận tiện cho công tác xét tuyển của các trường, ông Mai Văn Trinh khẳng định đề thi trước hết phục vụ mục đích xét tốt nghiệp THPT, đánh giá chất lượng giáo dục các địa phương. Nếu kỳ thi được tổ chức nghiêm túc, kết quả có độ tin cậy thì các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp yên tâm sử dụng làm cơ sở để tuyển sinh theo tinh thần tự chủ với các phương thức khác nhau.

"Vì vậy, cùng với các câu hỏi ở mức độ cơ bản, trong đề thi cũng sẽ có số lượng phù hợp các câu hỏi khó để phân hóa kết quả thi của thí sinh, nhất là đối với vùng điểm cao. Với cấu trúc như vậy, kết quả thi của kỳ thi tốt nghiệp THPT không những được sử dụng để xét công nhận tốt nghiệp THPT, đánh giá chất lượng giáo dục của các địa phương mà còn phân hóa tốt kết quả thi của các nhóm thí sinh, giúp đánh giá đúng chất lượng học tập của các em và làm cơ sở để phần lớn các trường sử dụng trong tuyển sinh. Thực tế những năm qua, nhất là năm 2020 cho thấy kỳ thi tốt nghiệp THPT được tổ chức nghiêm túc thì cũng sẽ hỗ trợ tốt công tác tuyển sinh ĐH, CĐ" - ông Trinh nhấn mạnh.

Ông Mai Văn Trinh nói thêm là năm 2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tiếp tục đối sánh kết quả học tập trên học bạ và kết quả thi tốt nghiệp THPT, trong trường hợp phát hiện những dấu hiệu bất thường sẽ xử lý nghiêm theo quy định. Ông Trinh nhấn mạnh các trường cần kiểm tra, đánh giá học sinh một cách khách quan, nghiêm túc, tuyệt đối không được để xảy ra tình trạng nâng điểm cho học sinh.

(Theo báo Người Lao Động Online).


Tin Nổi Bật