Mã Trường

Mã Trường

Học - Thi -Tuyển sinh

Ba bí quyết để giúp đạt điểm cao môn Sinh học trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020

Cập nhật 07/08/2020 - 06:04:07 PM (GMT+7)

TPO - Chỉ còn ít ngày nữa kì thi tốt nghiệp THPT năm 2020 sẽ diễn ra. Thầy Nguyễn Thành Công, giáo viên Sinh học của trường THPT Chuyên Đại học Sư phạm (trường Đại học Sư phạm) đã đưa ra 3 điều không thể bỏ qua đối với thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT môn Sinh năm nay.

 

 

Thứ nhất: Chuẩn bị tinh thần tốt cho kì thi.

Ôn tập lại thật cẩn thận các kiến thức trong sách giáo khoa, đặc biệt là các kiến thức còn lại sau tinh giản. Dùng bút đánh dấu đọc lại thật cẩn thận các kiến thức lí thuyết trong sách giáo khoa. Điều này sẽ giúp các em đảm bảo điểm phần lí thuyết của đề.

Ngủ sớm, dậy sớm để có tinh thần thoải mái nhất trong giờ thi.

Chuẩn bị vật dụng cần thiết để đi thi như bút, máy tính... đặc biệt mang cho mình một chiếc đồng hồ để căn chỉnh thời gian làm bài. Chuẩn bị đầy đủ các giấy tờ cần thiết, đưa vào một túi nilon trong suốt, không có chữ để có thể được mang vào phòng thi. Quên giấy tờ và vật dụng là một trong những nguyên nhân dẫn tới mất bình tĩnh khi làm bài thi, ảnh hưởng xấu đến kết quả bài thi.

 

Thứ hai: Cần chú ý ôn tập tốt các kiến thức.

Dựa trên đề tham khảo, các thí sinh cần:
Ôn tập lại thật cẩn thận nội dung chương I sách giáo khoa Sinh học 11, đề thi có thể có 6 câu hỏi trong nội dung này.

Chú ý các phần còn lại sau tinh giản ở học kì II lớp 12: Bằng chứng tiến hóa tế bào và sinh học phân tử; học thuyết Đacuyn; các nhân tố tiến hóa; loài và quá trình hình thành loài; các giai đoạn phát sinh sự sống và bảng phát triển sự sống qua các đại địa chất (chỉ học đến mức đại); Phần Sinh thái cần chú ý: giới hạn sinh thái và ổ sinh thái; quần thể và các đặc trưng cơ bản của quần thể; kích thước quần thể; quần xã và các đặc trưng cơ bản của quần xã; hệ sinh thái và các thành phần của hệ sinh thái; chuỗi và lưới thức ăn; chu trình sinh địa hóa... các nội dung này thường là các câu hỏi mức dễ và trung bình, tránh nhầm lẫn và mất điểm.

Về bài tập: Chú ý các dạng bài tập tính toán ở phần cơ chế di truyền và biến dị; quy luật di truyền, di truyền quần thể và di truyền người. Các bài tập này sẽ ở mức từ dễ đến khó. Các nội dung khó thường là bài tập phối hợp các quy luật di truyền.

Chú ý các kĩ năng tính toán xác suất, tổ hợp để làm tốt các câu hỏi ở mức vận dụng cao. Đặc biệt, bài tập di truyền người thường là bài phả hệ, năm nay nên chú ý bài tập phả hệ 2 tính trạng bệnh.

 

Thứ ba: Về chiến thuật làm bài thi

Nhận đề, tranh thủ thời gian giám thị cho phép soát đề, hãy đọc và xử lí ngay các câu hỏi ở mặt đầu tiên ở của đề (khoảng 10-15 câu).
Sử dụng thời gian làm bài một cách tối ưu: Chia các câu hỏi thành 5 nhóm: Nhóm 1 từ câu 81 đến 90; nhóm 2 từ câu 91 đến câu 100; nhóm 3 từ câu 101 đến 110; nhóm 4 từ câu 111 đến 116 và nhóm 5 từ câu 117 đến 120.

Nhóm 1: Tận dụng thời gian soát đề để giải quyết.
Nhóm 2: Tối đa 5 phút
Nhóm 3: Tối đa 10 phút
Nhóm 4: Tối đa 15 phút
Nhóm 5: Tối đa 16 phút

Thời gian còn lại là thời gian dự trữ cho các câu quá khó hoặc dùng để “đoán mò” các câu không thể giải quyết được. Không được bỏ trắng bất kì câu hỏi nào, nó có thể mang lại cơ hội cho các em 0,25 điểm.

Theo kinh nghiệm của rất nhiều thí sinh thế hệ trước, các em không nên soát lại bài. Làm được câu nào, chắc chắn câu đó và khoanh luôn vào phiếu trả lời trắc nghiệm. Những phút cuối, bộ não đã rất mệt mỏi và dễ phát sinh nhầm lẫn, việc thay đổi phương án trả lời trong những phút cuối thường dẫn tới mất điểm.

Cuối cùng, việc ôn tập cẩn thận các kiến thức và chuẩn bị đầy đủ các vật dụng cần thiết sẽ giúp thí sinh tự tin bước vào kì thi.

(Theo báo Tiền Phong).


Tin Nổi Bật