Bạn Ngô Chí Hiếu (ảnh), thủ khoa Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) năm 2009 với số điểm tuyệt đối 30/30, cho rằng để ôn thi khối A hiệu quả, trước hết phải tham khảo cấu trúc đề thi tuyển sinh ĐH năm 2010 của Bộ GD-ĐT ấn hành.
Chàng thủ khoa chưa một lần đến lớp luyện thi này lưu ý khi ôn thi khối A cần xem kỹ những nội dung sẽ ra thi, chuẩn bị từng nội dung đó, chú trọng phần kiến thức lớp 12 và "những bài đã học qua thì nên quay trở lại, xem kỹ lý thuyết để vận dụng vào giải bài tập".
Giải bài tập là cách ôn lại lý thuyết
Hiếu chia sẻ: "Lý thuyết của các môn thi khối A khá nhiều, để nhớ và hiểu được trọn vẹn nên đọc sách nhiều, tìm ra những ý chính để lật đi lật lại cho đến khi kiến thức "ngấm" vào người. Ngoài ra, giải bài tập cũng là một cách ôn lại lý thuyết. Đối với vật lý, hóa học là hai môn thi trắc nghiệm thì khi đã nắm chắc lý thuyết, có thể giải bài tập trước chứ không nhất thiết phải luyện trắc nghiệm ngay. Khi nắm vững lý thuyết, hiểu được cách giải thì sẽ tránh được "hên-xui" khi đặt bút làm bài thi trắc nghiệm".
Khối A gắn liền với giải toán. Để làm quen với những dạng bài tập mới, Hiếu làm thật nhiều bài tập ở nhiều dạng khác nhau. Ở mỗi dạng, bạn làm một - hai bài mẫu và trình bày một cách rõ ràng, cẩn thận để làm mẫu cho những bài cùng dạng. Trong quá trình giải toán, gặp bài nào hay Hiếu đánh dấu lại, ghi chú vắn tắt cách giải vào sổ tay để khi cần sẽ giở ra xem. "Vô phòng thi gặp những dạng tương tự mình sẽ biết đi theo hướng nào, tránh mày mò mất thời gian".
Bên cạnh kiến thức trong sách giáo khoa, ở mỗi dạng đề Hiếu đều có sách chuyên sâu về dạng đề đó vì đọc sẽ dễ hơn sách tổng hợp các dạng đề. Những sách này Hiếu chọn cuốn có phân dạng bài rõ ràng, có đáp án đầy đủ và giải thích cụ thể. Bên cạnh đó, bạn còn sưu tập dạng đề thi của những năm trước theo từng chuyên đề và tập trung chuyên sâu vào từng chuyên đề ấy. Theo Hiếu, môn hóa cần nhiều phương pháp tính nhanh nên cần tham khảo những sách có tổng hợp những chỉ dẫn ấy. Thời gian rảnh, bạn mua và đọc thêm sách về lý thuyết hóa học.
Không quá vội khi làm bài thi
Một điều Hiếu thường làm là trước khi ôn luyện môn nào, bạn tính toán thời gian sao cho gần đến ngày thi phải hoàn tất các kiến thức cần thiết, bởi "còn phần chưa học sẽ khiến bạn cảm thấy lo lắng". Vài ngày trước khi thi, bạn hệ thống lại kiến thức đã học, xem lại phần nào đã hiểu, chưa hiểu để biết mình mạnh - yếu chỗ nào để tìm cách phát huy và khắc phục. "Cũng có những dạng đề đã làm qua nhưng không thể hệ thống được tất cả” - Hiếu nhận định. Lúc đó, bạn tìm thêm sách, tài liệu trên mạng được được giáo viên tổng hợp và chia dạng đề ra rõ ràng để hệ thống kiến thức. Dạng nào gặp rồi thì làm để củng cố kiến thức, dạng chưa biết thì tìm hiểu cho biết.
Từ kinh nghiệm bản thân, Hiếu cho rằng không nên quá vội trong khi làm bài thi, bởi sẽ rất tiếc nếu như mình làm đúng nhưng không được tròn điểm (đối với môn tự luận) và mất điểm (đối với môn trắc nghiệm) chỉ vì làm sai đáp số cuối cùng. Hãy cẩn thận nhưng cũng phải cân nhắc thời gian làm bài. Đối với môn thi tự luận nên chọn câu dễ nhất và cố gắng làm tốt, trọn vẹn để tạo tâm lý thoải mái cho những câu sau. Khi làm bài đừng viết dài quá hoặc ngắn quá, phải trình bày sao cho thầy cô chấm bài hiểu được ý của mình.
Với bài thi môn trắc nghiệm, những câu chưa chắc chắn nên đánh dấu lại trên đề thi và xem kỹ lại lúc còn dư thời gian. Phải phân tích kỹ đề vì trong đề thi có khá nhiều "bẫy", mà để có được kỹ năng phân tích, suy luận, không cách nào khác hơn là phải làm thật nhiều bài tập để nắm vững lý thuyết kết hợp những phương pháp tính nhanh. Hiếu kết luận: "Làm thật chắc, thật nhiều dạng bài tập, tự thống kê những phương pháp đã học thì việc vượt qua kỳ thi ĐH không phải là quá khó”.