“Cách ôn tập tốt nhất là sắp xếp kiến thức theo chủ đề, kết hợp với đề thi tham khảo để biết mức độ của đề thi sẽ ra” – đó là chia sẻ của Phó Vụ trưởng vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD-ĐT.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 cơ bản giữ ổn định hình thức thi như năm 2019. Theo đó, có 05 bài thi, gồm 03 bài thi độc lập là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ; 01 bài thi tổ hợp Khoa học Tự nhiên gồm các môn thi thành phần Vật lí, Hóa học, Sinh học; 01 bài thi tổ hợp Khoa học Xã hội (KHXH).
Để xét công nhận tốt nghiệp THPT, thí sinh học CT GDPT bậc THPT phải làm 4 bài gồm 3 bài độc lập bắt buộc và một bài tổ hợp tự chọn; thí sinh GDTX dự 2 bài độc lập bắt buộc và một bài tổ hợp tự chọn. Khác năm 2019 thí sinh được có thể đăng ký cả 2 bài tổ hợp thì năm nay các em chỉ được dự thi duy nhất 01 bài tổ hợp, môn thi thành phần của 01 bài thi tổ hợp.
Đề thi tốt nghiệp THPT vẫn có sự phân hóa
Không nên học tủ
Chia sẻ với các thí sinh đang ôn tập dự thi tốt nghiệp THPT năm 2020, TS Sái Công Hồng, Phó Vụ trưởng vụ Giáo dục trung học (Bộ GD-ĐT) cho biết, đề thi nằm trong chương trình THPT hiện hành, chủ yếu là lớp 12, bám sáttheo chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình giáo dục phổ thông, phù hợp với định hướng tinh giản nội dung dạy học trong bối cảnh dịch Covid-19, không đánh đố thí sinh.
Độ khó của kỳ thi sẽ phù hợp với mục đích của kỳ thi và điều kiện dạy học, mức độ phân hóa của đề thi đã được điều chỉnh. Trong bất cứ kỳ thi nào, để đáp ứng mục tiêu của kỳ thi đều phải có tính phân hóa. Do đó, thí sinh cần nghiên cứu kỹ đề thi tham khảo. Tuy nhiên, các em cần lưu ý không nên học “tủ", vì rất có thể các em sẽ bị mất điểm từ chính việc học "tủ".
Theo TS Sái Công Hồng, một tác phẩm có thể được hỏi trong đề thi năm trước vẫn có thể khai thác để ta trong đề thi năm sau với các cách hỏi và các yêu cầu khác hoặc dùng ngữ liệu khác của tác phẩm đó. Do vậy, các thí sinh nên đọc kỹ đề để hiểu và phân tích đề. Cách ôn tập tốt nhất là sắp xếp kiến thức theo chủ đề, kết hợp với đề thi tham khảo để biết mức độ của đề thi sẽ ra.
Ngoài ra, ông Hồng cũng lưu ý, đề thi có nhiều mức độ, bám sát chương trình cơ bản nhưng vẫn có những câu hỏi mang tính phân hóa để lựa chọn được những thí sinh thực sự xuất sắc.
Với các môn thi theo hình thức trắc nghiệm (trừ các môn ngoại ngữ) câu hỏi được sắp xếp theo nhóm câu hỏi từ dễ đến khó nên các em làm lần lượt từ trên xuống dưới. Khi học sinh làm đạt được 60-70% đề thi thì sẽ tự tin, có cảm hứng để làm tốt những câu hỏi khó mang tính phân hóa cao.
Môn Ngữ văn: Sự phân hóa thể hiện ngay trong mức độ trình bày, cảm nhận
Nhận định về đề thi Ngữ văn năm nay qua đề thi minh họa của Bộ GD&ĐT, tổ Ngữ văn của Hệ thống giáo dục HOCMAI nhận định, đề tham khảo kỳ thi Tốt nghiệp THPT 2020 môn Ngữ văn về cơ bản không có thay đổi so với đề thi THPT quốc gia trong những năm gần đây.
Thứ nhất, về cấu trúc, đề vẫn bao gồm 2 phần: Đọc hiểu (3 điểm) và Làm văn (7 điểm); phần Làm văn vẫn có 2 câu với quỹ điểm như cũ, câu viết đoạn văn nghị luận xã hội (2 điểm), câu nghị luận văn học (5 điểm).
Thứ hai, yêu cầu chung cho cả ba câu trong hai phần Đọc hiểu và Làm văn vẫn ở mức độ quen thuộc với học sinh từ nhiều năm nay.
Phần Đọc hiểu có chút thay đổi dễ nhận ra về mức độ yêu cầu cho 4 câu hỏi, cụ thể câu 1,2,3 đều dừng ở mức độ nhận biết, học sinh hoàn toàn có thể dựa vào ngữ liệu đọc hiểu để nhận ra nội dung trả lời cho mỗi câu hỏi; chỉ có câu 4 là câu vận dụng.
Như vậy, nếu căn cứ riêng vào phần Đọc hiểu, có thể nhận thấy mức độ yêu cầu cho đề thi Tốt nghiệp THPT đã nhẹ nhàng hơn so với đề thi THPT quốc gia trước đây - tuy nhiên điều đó ít nhiều khiến quá trình ôn luyện có thể xô lệch với tinh thần của Thông tư 22 năm 2016 về các mức độ thiết kế ma trận đề thi ( nhận biết - thông hiểu - vận dụng - vận dụng cao).
Các giáo viên lưu ý, nếu đề tham khảo chỉ để “tham khảo”, có thể xô lệch so với đề thi chính thức 8/2020, việc ôn luyện cho kì thi Tốt nghiệp THPT năm 2020 vẫn rất cần lưu tâm tới các mức độ của ma trận của Thông tư 22 năm 2016.
Câu viết đoạn văn nghị luận xã hội vẫn có mối quan hệ hữu cơ với phần Đọc hiểu, cụ thể, câu lệnh vẫn hướng tới yêu cầu học sinh bàn luận về một bình diện ( sự cần thiết) của vấn đề ( tôn trọng quan điểm người khác).
Nội dung bàn luận này tuy không được trợ giúp bởi các câu hỏi đọc hiểu phần lớn ở mức độ nhận biết, nhưng phần ngữ liệu đọc hiểu lại có khá nhiều gợi ý, vì vậy, câu viết đoạn sẽ không làm khó học trò.
Câu nghị luận văn học vẫn là dạng bài cảm nhận một đoạn thơ, trong đó câu lệnh yêu cầu cảm nhận cụ thể về hai định hướng nội dung hiện hữu trong đoạn thơ: khung cảnh thiên nhiên và hình ảnh người lính. Đây cũng là những nội dung kiến thức và kĩ năng quen thuộc với học trò.
Nhìn chung, đề thi tham khảo kì thi Tốt nghiệp THPT 2020 có một phần giảm mức độ yêu cầu với học sinh, có thể sẽ giúp cho mục đích chính của kì thi: xét Tốt nghiệp THPT; còn sự phân hoá - với đặc thù môn văn, sẽ thể hiện ngay trong mức độ trình bày, cảm nhận, khai thác ý... của mỗi em, không hoàn toàn thể hiện trong số lượng các câu như các môn khác.
Lịch thi tốt nghiệp THPT 2020
Theo Dân Trí
P.QLKH&SĐH