Mã Trường

Mã Trường

Học - Thi -Tuyển sinh

Kinh nghiệm luyện thi tiếng Anh mùa COVID.

Cập nhật 25/04/2020 - 01:00:00 AM (GMT+7)

Với tình hình dịch COVID đang diễn biến phức tạp và nguy hiểm hiện nay, các bạn học sinh trên cả nước đều không thể đến trường học trong khi kỳ thi THPT Quốc gia đang cận kề. Mà môn tiếng Anh luôn là một môn học “khó nhằn” đối với hầu hết tất cả học sinh, vậy nên để đạt kết quả tốt trong kỳ thi THPT Quốc gia lần này, các sĩ tử nên ôn luyện môn tiếng Anh như thế nào cho hiệu quả hẳn là điều mà các bạn cũng đang rất quan tâm. Hãy cùng STU tìm hiểu những kinh nghiệm luyện thi tiếng Anh tốt nhất nào!

1.    Hiểu về cấu trúc đề thi để ôn thi thật chuẩn
Đề thi tham khảo môn tiếng Anh do Bộ GD&ĐT vừa công bố có 50 câu hoàn toàn trắc nghiệm với thời gian làm bài là 60 phút. Bên cạnh đó, đề thi còn được nhận định là thiên nhiều về 2 lĩnh vực chính là Kỹ năng đọc và Khả năng sử dụng Ngữ pháp – Từ vựng.

Đối với các chuyên đề khác như Ngữ âm, Giao tiếp, Kĩ năng viết có độ khó trung bình, chỉ khoảng 2 – 3 câu thật sự có yếu tố đánh đố học sinh. Về cơ bản, mỗi đề sẽ được phân bổ theo các dạng câu hỏi như sau:
•    4 câu ngữ âm (2 câu phát âm, 2 câu trọng âm)
•    14 câu lẻ ngữ pháp từ vựng
•    4 câu đồng nghĩa – trái nghĩa (2 câu đồng nghĩa, 2 câu trái nghĩa)
•    2 câu giao tiếp
•    5 câu điền từ
•    13 câu đọc hiểu (5 câu bài đọc ngắn, 8 câu bài đọc dài)
•    3 câu lỗi sai
•    5 câu viết lại sao cho gần nghĩa nhất với câu gốc (3 câu viết lại, 2 câu kết hợp câu)

2.    Cách thức ôn luyện các dạng bài tập quan trọng
a.    Ngữ pháp

Trong môn tiếng Anh, phần quan trọng nhất luôn là phần ngữ pháp. Ngữ pháp chính là nền móng của ngôn ngữ, muốn học tốt một ngôn ngữ người học trước hết phải học tốt ngữ pháp, vì thế ngay từ khi làm quen với môn tiếng Anh cho đến khi ôn thi đại học, phần ngữ pháp rất được chú trọng. Để học môn ngữ pháp hiệu quả chúng ta có 1 số bí quyết như sau: 
•    Lên lịch học: Ghi chú những phần ngữ pháp quan trọng và lên kế hoạch học và thực hành từng phần. Ví dụ: Muốn học phần so sánh tính từ (The comparision of adjectives) thì có thể chia tất cả kiến thức và bài tập của phần đó làm đôi để học trong 2 ngày. Ngày thứ nhất, học so sánh bằng (as adj as), so sánh hơn (adj + er (than N) hoặc more + adj (than N)) và thực hành các bài tập liên quan. Ngày thứ hai, học so sánh nhất (the adj + est (N) hoặc the most adj (N)) và các tính từ so sánh không theo nguyên tắc (good – better – the best,…).
•    Chú ý tới những lỗi ngữ pháp thường gặp: Đây chính là cách "Learn from mistakes" (Học từ những lỗi sai). Mỗi khi phát hiện ra lỗ hổng kiến thức ngữ pháp của mình thì ngay lập tức chúng ta nên chuẩn bị một cuốn sổ tay ghi lại tất cả những cấu trúc mình sử dụng sai đó để lần sau không bao giờ "tái phạm" nữa.
•    Thực hành và tìm các nguồn bài tập: Tìm các bài tập ngữ pháp từ các nguồn như sách, báo, internet… để thực hành, để học tốt được ngữ pháp thì các bạn cần phải luyện tập thật nhiều cho tới khi sử dụng nó một cách dễ dàng. Ngoài ra trong cuộc sống hằng ngày có rất nhiều tình huống để chúng ta có thể áp dụng hữu hiệu các quy luật ngữ pháp tiếng Anh.
•    Học các quy luật: Ví dụ như khi học cách thành lập và sử dụng Thì quá khứ đơn (Simple past) nên thực hành ngay các cách áp dụng này vào tình huống thực tế (tập viết một mẫu đối thoại ngắn, chỉ khoảng 5 – 6 câu, sử dụng thì quá khứ đơn, sau đó tìm thêm một vài tình huống vui vui để thực hành cho tới khi nhuần nhuyễn)…
•    Để ý các cấu trúc ngữ pháp khi đọc: Khi đọc một câu văn hay một câu mẩu chuyện… chúng ta nên để ý đến ngữ pháp và nên tìm hiểu tại sao câu lại được viết như vậy mới có thể nắm vững được cấu trúc ngữ pháp hơn. Nếu không thể hiểu tại sao cấu trúc ngữ pháp lại như vậy thì hãy tìm những cuốn sách về những phần ngữ pháp này và tự luyện tập, ngoài ra các bạn có thể hỏi bạn bè hay thầy cô về những điểm mình chưa hiểu rõ…
•    Học các điểm (quy tắc) ngữ pháp ngoại lệ: Ngữ pháp tiếng Anh có khá nhiều trường hợp ngoại lệ. Khi gặp các ngoại lệ này, chúng ta nên ghi chép lại và đối chiếu với quy luật để có thể nhớ được chúng

Học ngữ pháp bằng Mindmap cũng là 1 cách hệ thống kiến thức hiệu quả.

b.    Từ vựng 
Để ghi nhớ từ vựng có rất nhiều cách, nhưng quan trọng nhất là các bạn phải tìm ra được cách thức ghi nhớ từ vựng tiếng Anh phù hợp với chính mình. Phương pháp điển hình nhưng hiệu quả để học tốt từ vựng như Takenote (ghi chú lại từ vựng kèm ví dụ minh họa cụ thể theo từng chủ đề), sau đó củng cố lại bằng cách làm bài tập liên quan đến phần từ vựng.
Ngoài ra, khi học từ vựng các bạn cần lưu ý về các dạng từ của đề thi gồm Thành ngữ (Idioms); Cụm động từ (Phrasal verb); Cấu trúc câu (Phrase, Pattern); Sự kết hợp từ (Collocation) để có thể ghi chú và học một cách logic hơn.
Đặc biệt, dạng câu hỏi về từ đồng nghĩa – trái nghĩa thường đòi hỏi vốn từ vựng rộng đi kèm với kỹ năng suy đoán nghĩa của từ trong câu. Vì thế, các bạn cũng có thể luyện tập kỹ năng suy luận và loại trừ đáp án.

Ghi chú từ vựng thông minh bằng cách chia chủ đề hợp lý

c.    Kỹ năng đọc hiểu
Như đã bật mí ở trên, các câu hỏi kỹ năng đọc hiểu thường chiếm tỷ trọng cao trong đề thi, vì thế việc nắm bắt được các kỹ thuật làm bài đọc là một yếu tố rất quan trọng. Kỹ thuật làm bài sẽ bao gồm khả năng đoán từ, khả năng tóm tắt và nhận định ý chính của nội dung đọc hiểu, tư duy phân tích thông tin và lựa chọn keyword tốt.

Và hãy nhớ, khi đối diện với các bài đọc hiểu, các bạn không nên cố gắng dịch từng chữ hay từng câu trong bài, điều này chỉ khiến các bạn tốn thời gian và lắm lúc trở nên rối ren. Kinh nghiệm của nhiều cao thủ cũng chỉ ra rằng bạn có thể tận dụng những đáp án để hiểu về nội dung của đoạn được đề cập.
d.    Phần ngữ âm
Ngữ âm là một trong những dạng câu dễ ăn điểm nhất trong đề, nếu nắm bắt được những quy tắc phát âm thông thường và những trường hợp đặc biệt phổ biến, khả năng ẵm trọn điểm phần này là hoàn toàn không khó cho các sĩ tử. Một số lưu ý được đề cập trong phần này bao gồm:
•    Chữ S: thông thường phát âm là /s/
-    Trường hợp phát âm là /z/: raise, busy, please, easy, present, desire, music, pleasant, desert, choose, reason, preserve, poison…
-    Trường hợp phát âm là /ʃ /: sugar, sure
•    Chữ CH: thông thường phát âm là /tʃ/
-    Trường hợp sau phát âm là /k/: chemist, ache, Christmas, mechanic, architect, character, chaos, technology, echo...
-    Trường hợp sau phát âm là /ʃ/: machine, champagne, chamois, chalet…
•    Chữ H: Trường hợp sau thì chữ H không được phát âm: hour, honor, honest...
•    Chữ GH: thông thường phát âm là /f/: Trường hợp sau chữ GH câm, không được phát âm: plough, though, although, weigh...
•    Chữ B: thông thường phát âm là /b/: Trường hợp sau chữ B không được phát âm khi đứng sau chữ M: climb, bomb, lamb...
Ngoài ra, đối với các dạng tìm lỗi sai và giao tiếp, chỉ cần bạn luyện tập nhiều thì sẽ có thể dễ dành trọn 2 điểm phần này vì các câu hỏi thường không quá khó. Tuy nhiên, các bạn cũng cần cân nhắc thật kỹ trước khi lựa chọn đáp án vì có thể mất điểm do chủ quan/ có bẫy nhất định.
Để đạt điểm cao tất cả các phần này, các sĩ tử nên tìm mua các cuốn sách bài tập tiếng Anh của các tác giả Vĩnh Bá, Mai Lan Hương. Những cuốn sách này thực sự rất hay vì nó có những bài tập chọn lọc tiêu biểu của từng phần và kèm theo đáp án đầy đủ. Nói nhỏ thêm với các bạn là các câu hỏi, bài tập có trong sách 2 tác giả đó thường khá sát với đề thi THPT Quốc gia các năm đấy!

3.    Thời gian dành cho việc ôn thi môn Tiếng Anh như thế nào là hợp lý? 
Để ôn thi đại học môn tiếng Anh, bạn nên dành tổng cộng trung bình khoảng 3 tiếng mỗi ngày để học môn tiếng Anh. Đối với các bạn học sinh cuối cấp, việc học đôi khi trở nên rất khó khăn vì chúng ta phải gặp nhiều áp lực, lại hạn chế về mặt thời gian. Nhiều bạn học sinh cuối cấp thường xuyên thức rất khuya để học, tuy nhiên đó thực sự không phải là cách học hiệu quả.

Theo kinh nghiệm bản thân, thời gian học buổi tối tốt nhất là từ 20h đến 24h và buổi sáng là từ 5h đến 6h. Thời gian học buổi sáng tuy ngắn ngủi nhưng rất hiệu quả vì đó là thời điểm mà đầu óc chúng ta tỉnh táo và minh mẫn nhất, rất thích hợp cho việc học thuộc từ mới tiếng Anh.
Bên cạnh yếu tố về thời gian thì việc thay đổi không gian học cũng rất quan trọng để giúp chúng ta có thể học tiếng Anh hiệu quả hơn. Nếu như cảm thấy không gian phòng học của mình đã quá nhàm chán, các bạn có thể tìm thay đổi góc học như đến phòng khách, ban công… để tạo sự mới mẻ và thoải mái cho việc học thêm hiệu quả. Vì dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp nên các bạn vẫn nên hạn chế ra ngoài nhất có thể nhé.
4.    Tâm lý khi ôn thi
Bên cạnh yếu tố kỹ năng, tâm lý cũng sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến kết quả làm bài của các thí sinh. Đừng sợ hãi khi biết trình độ tiếng Anh của mình còn hạn chế, đừng nên tự gây ra cái nhìn tiêu cực về bản thân khi bị điểm thấp.

Các bạn cần tin tưởng vào phương pháp học và việc luyện tập của bản thân sẽ mang lại kết quả tốt. Từ đó, lấy động lực phấn đấu vì thường các phương pháp chỉ thật sự hiệu quả nếu chúng ta chăm chỉ trong thời gian lâu dài.
Cuối cùng, bí kíp làm bài hiệu quả được các sĩ tử chia sẻ lại như sau: Ngữ âm – Câu lẻ – Đọc hiểu dài – Giao tiếp – Lỗi sai – Đọc hiểu ngắn – Điền từ – Đồng nghĩa, trái nghĩa.

Với những chia sẻ trên về kinh nghiệm ôn luyện thi môn tiếng Anh, STU hy vọng sẽ có thể giúp ích được các bạn học tập hiệu quả hơn. Chúc các sĩ tử thành công và đạt được số điểm mình mong muốn trong kỳ thi THPT Quốc gia sắp tới nhé!

(Sưu tầm)


Tin Nổi Bật