“Việt Nam đã tham gia và phê chuẩn nhiều quy định pháp luật về chống phân biệt đối xử trong tuyển dụng và đãi ngộ, nhưng việc đưa các quy định vào thực tế còn nhiều vấn đề cần bàn”. Ông Mai Đức Thiện - Phó vụ trưởng Vụ pháp chế (Bộ LĐTBXH) - cho biết.
Trong trả lương, tuyển dụng
Về mức lương, theo ông Mai Đức Thiện, kết quả điều tra trong lao động việc làm Quý 1/2014 đã cho thấy sự không bình đẳng trong trả lương, cụ thể: Mức tiền lương của lao động nam cao hơn nữ khoảng 500.000 đồng/người/tháng.
“Duy nhất địa bàn Trung du và miền núi phía Bắc, mức lương của nữ cao hơn nam khoảng 200.000 đồng/người/tháng. Còn lại các khu vực khác, lương của nam đều cao hơn nữ” - ông Thiện nói.
Trong khi đó, mức lương chênh cao nhất giữa nam và nữ là 800.000 đồng, thuộc về khu vực Tây Nguyên. Khu vực TP.HCM và Hà Nội có lệch nhau khoảng 500-600.000 đồng/người/tháng.
Trong công tác tuyển dụng, nghiên cứu cho thấy nhiều thông tin khá thú vị. Theo đó, xu hướng nữ giới được tuyển dụng và làm việc ở các cơ quan Bộ, ngành khác cao từ năm 2006 trở lại đây.
“Năm 2007, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có tới 77,1 % tỉ lệ tuyển vào là nữ, Bộ LĐTBXH có tới 65% (năm 2013), Bộ Tư Pháp có 80% (năm 2012), Bảo hiểm Xã hội VN có 78% (năm 2013)...” - ông Mai Đức Thiện cho biết.
Vấn đề thai sản
Ông Mai Đức Thiện cũng nêu ra những ngành nghề đặc thù chỉ tuyển hoặc ưu tiên tuyển nam giới và ngược lại.
Ngành nghề cầu đường, xây dựng cần nhiều nam giới vì độ nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm cường độ cao. Các doanh nghiệp chỉ ưu tiên tuyển nữ trong ngành may mặc, da giày, lắp đặt thiết bị bán dẫn vì sự tỉ mỉ, cần cù chính xác.
Nêu lên thực trạng một số doanh nghiệp hạn chế tuyển nữ trẻ, chưa sinh con hoặc bắt buộc cam kết phải làm việc một thời gian mới sinh con, ông Thiện cho rằng đây là vấn đề tồn tại đã khá lâu. Đặc biệt, tình trạng nãy vẫn xảy ra nhiều tại các doanh nghiệp dệt may da giầy hoặc ngân hàng.
“Một khảo sát của Ủy Ban các vấn đề xã hội của Quốc Hội cách đây 10 năm cho thấy, có tới 15,24 % doanh nghiệp quy định nữ phải làm việc một thời gian mới được kết hôn.
Cụ thể: 45 % trong số doanh nghiệp trên quy định nữ phải làm sau 1 năm mới được kết hôn, 18 % quy định từ 1-2 năm mới được kết hôn, 36 % quy định nữ làm việc sau 2 năm mới được kết hôn, 58,33 % quy định nữ phải làm việc 2 năm mới được sinh con” - ông Thiện dẫn chứng.
Lý giải tỉ lệ nữ làm lãnh đạo chỉ 30%, chuyên gia này cho rằng: Do đặc thù của người vợ, người mẹ phải nuôi con, chăm gia đình và thai sản đã hạn chế nhiều cơ hội thăng tiến của người phụ nữ.
Để tạo cơ hội cho phụ nữ có thêm nhiều cơ hội thăng tiến và đãi ngộ công bằng, ông Mai Đức Thiện cho rằng: “Điều quan trọng nhất là đẩy mạnh hiệu quả thực thi pháp luật chống phân biệt. Các cơ quan Nhà nước cần tuyên truyền bình đẳng hơn nhằm thay đổi nhận thức giới tới cộng đồng, doanh nghiệp và người lao động”.
3 đề xuất áp dụng tiêu chuẩn không phân biệt đối xử của ILO tại Việt Nam
- Về tuyển dụng: Đảm bảo sự bình đẳng cả về quy định pháp luật và thực tiễn tuyển dụng của chủ sử dụng lao động. - Về sử dụng lao động: Bình đẳng về điều kiện làm việc, cơ hội thăng tiến, trả lương, trả thưởng, tham gia các hoạt động xã hội của cả nam và nữ. - Về đảm bảo việc làm: Bình đẳng khi thôi việc, tiếp cận các gói trợ cấp khi có rủi ro kinh tế.
|