Mã Trường

Mã Trường

Kinh Nghiệm Việc Làm

Làm gì khi phỏng vấn nhiều mà không nhận được việc?

Cập nhật 21/04/2014 - 04:57:43 PM (GMT+7)

Nếu bạn nhận được hàng tá cuộc phỏng vấn nhưng không có một lời đề nghị công việc nào được đưa ra, đã đến lúc nhìn nhận lại tình huống để biết nguyên nhân là gì.

Dưới đây là sáu cách giúp bạn khắc phục tình trạng phỏng vấn nhiều nhưng vẫn chưa nhận được lời đề nghị công việc:

Kiểm tra người tham khảo

Có thể cơ hội tìm việc của bạn bị “sụp đổ” sau cuộc phỏng vấn khi nhà tuyển dụng gọi điện cho người tham khảo của bạn. Thậm chí, nếu bạn luôn nghĩ người tham khảo sẽ nói tốt về mình, thực tế lại không phải vậy. Hãy nhờ một người bạn đáng tin cậy và chuyên nghiệp gọi điện cho người tham khảo của bạn và đảm bảo rằng những lời anh/ cô ấy không làm ảnh hưởng tới cơ hội nhận được công việc của bạn.

Ngược lại, nếu bạn nhận thấy những lời người đó nói ra là một vấn đề, hãy liên lạc với anh/cô ấy và thương lượng về một lời nhận xét trung lập hơn.

Luyện tập cách phỏng vấn

Hãy nhờ một người bạn hay người quen - người có thể đánh giá kỹ năng phỏng vấn của bạn, thực hiện một cuộc phỏng vấn trước với bạn. Người lý tưởng nhất là người đã có kinh nghiệm trong việc tuyển dụng, thẳng thắn và sâu sắc. Nhờ đó, bạn sẽ nhận được lời nhận xét, đánh giá bổ ích để cải thiện kỹ năng phỏng vấn của mình.

Hỏi lời nhận xét từ những người phỏng vấn trước

Hãy cố gắng tiếp cận bất cứ người nào từng phỏng vấn bạn, người bạn cảm thấy cởi mở, thân thiện và hỏi liệu bạn có thể mời anh/cô ấy cà phê hay không, từ đó đặt ra những câu hỏi giúp bạn trở thành một ứng viên sáng giá hơn. Bạn có thể mạnh dạn viết email cho người đó:

“Tôi sẽ rất biết ơn nếu anh/chị có thể dành thời gian cho tôi để nói về công việc trợ lý giám đốc đã phỏng vấn tuần trước. Liệu tôi có thể mời anh/chị cà phê và dành khoảng 20 phút để nói chuyện về cách tôi có thể trở thành ứng viên tốt hơn cho vị trí này được không? Tôi hỏi vậy không phải vì muốn gây ảnh hưởng tới quyết định của anh/chị mà chỉ muốn được nghe quan điểm của người trong cuộc về những điều có thể giúp tôi tiến gần hơn tới công việc mình mong muốn. Tôi biết anh/chị rất bận nên nếu một cuộc nói chuyện điện thoại thuận tiện hơn với anh/chị, tôi cũng rất cảm kích về điều đó".

Nếu người bạn cố gắng tiếp cận đầu tiên từ chối, hãy tiếp tục với những người khác. Một số nhà tuyển dụng sẽ không đưa ra lời nhận xét dù bạn đã lịch sự đề nghị ra sao, nhưng nếu bạn tiếp tục cố gắng, bạn có thể tìm được người sẵn lòng với mình.

Suy ngẫm từ những người được tuyển dụng cho vị trí bạn đã phỏng vấn

Bạn nên kiểm tra lại những vị trí mình từng phỏng vấn nhưng không trúng tuyển và xem ai đã được nhận. Tìm kiếm qua website công ty, mạng xã hội nghề nghiệp để xem họ là những người như thế nào. Bạn có thể nhận ra những người từng “đánh bại” mình có kinh nghiệm nhiều hơn bạn hay có chuyên ngành khác bạn, thông tin đó sẽ giúp bạn cân nhắc lại loại hình công việc mình nên theo đuổi.

Thay đổi cách chuẩn bị cho cuộc phỏng vấn

Bạn đã chuẩn bị bao lâu và những gì cho mỗi cuộc phỏng vấn? Càng chuẩn bị kỹ lưỡng, bạn càng thể hiện tốt. Nếu bạn không luyện tập câu trả lời cho những câu hỏi phổ biến và những ví dụ thể hiện năng lực của mình từ những công việc trước đó, đó có thể là lý do cuộc phỏng vấn của bạn thất bại. Hãy thử thay đổi cách bạn chuẩn bị cho cuộc phỏng vấn và xem kết quả thay đổi ra sao.

Kiềm chế cảm xúc cho (những) cuộc phỏng vấn tiếp theo

Nếu bạn đã tìm việc một thời gian nhưng không có kết quả, bạn có thể cảm thấy thất vọng, thậm chí tuyệt vọng. Đó là điều có thể thông cảm được. Nhưng nếu người phỏng vấn để ý tới điều này, đó có thể là mở đầu hoặc kết thúc cho một lời đề nghị công việc. Nếu bạn cảm thấy mình đang rất bi quan và tiêu cực với quá trình tìm việc, bạn có thể tạm ngừng lại cho tới khi có thể tiếp tục những cuộc phỏng vấn với tâm trạng ổn định hơn.

(Theo Báo Tuổi Trẻ)


Tin Nổi Bật