Sau khi tốt nghiệp chuyên ngành công nghệ sinh học Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, đôi bạn cùng lớp Bồ Bảo Giang và Cao Ngọc Hải đã hợp sức để khởi nghiệp với nghề trồng nấm.
Bồ Bảo Giang (trái) và Cao Ngọc Hải khởi nghiệp thành công với nghề trồng nấm
Chọn lối đi riêng
Chúng tôi đến tham quan trại trồng nấm của đôi bạn trẻ này tại khu phố Bình Phước B, P.Bình Chuẩn, thị xã Thuận An (tỉnh Bình Dương) khi cả hai đang tất bật với các công đoạn làm phôi nấm linh chi và bào ngư xám cho vụ mùa kế tiếp.
Giang tâm sự: “Sau khi ra trường, cả hai tụi mình muốn chọn một lối đi riêng chứ không muốn đi theo lối mòn muôn thuở là vác đơn đi xin việc để kiếm một chỗ làm theo kiểu 8 giờ/ngày, và chờ đến tháng lãnh lương. Mà phải áp dụng kiến thức đã được đào tạo bài bản trong 4 năm học đại học để khởi nghiệp và quyết tâm làm giàu từ nấm”.
Tháng 9.2012, hai bạn trẻ này lập trang trại và lên kế hoạch trồng nấm bằng nguồn vốn tự thân và vay mượn của người thân tổng cộng được 100 triệu đồng. Lúc đầu, Giang và Hải mua thử 5.000 phôi nấm linh chi (3.500 đồng/bịch phôi) về trồng thử. Tuy nhiên, do còn non tay nên sau vụ thu hoạch đầu tiên cả hai chẳng lời đồng nào. Nhưng cả hai tự an ủi và động viên nhau rằng: “Không mấy ai may mắn thành công trọn vẹn khi lần đầu khởi nghiệp. Có thất bại thì mới rút ra kinh nghiệm để làm tốt hơn”.
Sau lần thất bại
Cả hai mày mò nghiên cứu để tự làm phôi nấm linh chi và bào ngư xám phục vụ cho trại trồng của mình. Theo Giang, công đoạn làm phôi nấm cũng rất kỳ công. Đầu tiên nguyên liệu chính là mua mạt cưa từ gỗ cao su. Mạt cưa được ủ với khoảng 1% vôi trắng trong hai ngày có tác dụng làm phân hủy mạt cưa và nâng độ pH, đồng thời chống vi khuẩn gây bệnh cho nấm. Tiếp đến, trộn đều mạt cưa với một ít phân, cám gạo hoặc cám bắp rồi cho hỗn hợp vào bịch ni lông (loại khoảng 1,5 kg). Đưa bịch phôi vào lò hấp khi đạt tới nhiệt độ 100oC và duy trì ở nhiệt độ ấy trong vòng từ 5 - 6 tiếng đồng hồ. Sau đó, chuyển bịch phôi ra ngoài để nguội, cấy giống rồi đưa vào trại ủ khoảng một tháng. Khi thấy tơ nấm đã ăn trắng bịch phôi thì ta mang ra trại trồng.
Chia sẻ về kinh nghiệm trồng nấm đạt năng suất cao, Hải cho biết: “Ngoài việc chọn được nguồn phôi tốt, trong quá trình phát triển của nấm phải khống chế được 2 yếu tố là nhiệt độ và độ ẩm. Tức nhiệt độ trong trại dao động từ 22 - 28oC, còn độ ẩm từ 80 - 90%”.
Khi đã chủ động được nguồn phôi, hai bạn mạnh dạn mở rộng trại trồng, từ 5.000 phôi nấm linh chi ban đầu nay đã phát triển lên 10.000 phôi/vụ. Song song đó, là thành lập một trại trồng nấm bào ngư xám với 20.000 phôi. Mỗi vụ nấm linh chi làm trong vòng hơn 3 tháng, hai bạn thu hoạch khoảng 250 kg (giá dao động từ 400.000 -500.000 đồng/kg). Còn nấm bào ngư xám thì thu hoạch thường xuyên, mỗi ngày cung cấp cho thị trường hơn 50 kg (giá bán 35.000 - 40.000 đồng/kg). Tuy nhiên, nguồn cung không cung ứng đủ cho thị trường. Hiện mỗi năm hai bạn có thể làm 4 vụ, sau khi trừ chi phí hai bạn kiếm được hơn 400 triệu đồng.
Không dừng lại đó, Giang bật mí: “Tụi mình đang tính toán mở rộng quy mô trại nấm từ diện tích 400 m2 lên 800 m2, đồng thời thực hiện các khâu đóng gói bao bì sao cho chuyên nghiệp, đẹp mắt để sản phẩm bán ra thị trường được giá hơn. Bởi hiện nay sản phẩm của tụi mình mới dừng lại ở việc cung cấp cho những người mua đi bán lại ở các chợ nhỏ, lẻ nên lợi nhuận không được như ý”.
Không chỉ biết làm giàu cho bản thân mà Hải còn ngỏ lời: “Nếu bạn trẻ nào muốn lập nghiệp từ nghề trồng nấm thì cứ đến trực tiếp trại của mình, tụi mình sẽ hướng dẫn tận tình về kỹ thuật cấy phôi, chăm sóc, cách phòng chống sâu bệnh cho nấm để khi trồng sẽ đạt hiệu quả cao”.
Được biết, trại trồng nấm của hai bạn là mô hình mẫu để những sinh viên đang theo học ngành công nghệ sinh học của một số trường đại học tại TP.HCM và các tỉnh lân cận đến tham quan, tìm hiểu trong những dịp thực tập và học ngoại khóa.
(Theo Báo Thanh Niên)