Mã Trường

Mã Trường

Người Thành Công

Nghệ thuật của Richard Branson

Cập nhật 19/07/2013 - 02:49:27 PM (GMT+7)

“Chúng tôi muốn khách hàng đến với chúng tôi rồi đi với một cảm giác rằng họ nhận được một giá trị rất lớn về khía cạnh tiền bạc” - đó là chiến thuật và cũng là cách Richard Branson khẳng định giá trị của Virgin Group.

Trong một cuộc phỏng vấn với tạp chí BRW, tỉ phú Branson tiết lộ hai thương vụ mới nhất của ông trong năm nay. Vụ thứ nhất, bán Virgin Media tại Mỹ, thu về 316 triệu USD. Vụ thứ hai, đẩy Virgin Money cho Bank of Queensland kiếm 40 triệu USD nữa. Một ngày sau cuộc phỏng vấn, tỉ phú có phong thái phá cách này sẵn sàng vén váy (chiếc váy Scotland truyền thống) để lộ “hàng” bên trong in dòng chữ “cạnh tranh quyết liệt” trong lễ ra mắt đường bay mới của Virgin Atlantics flights đến  Edinburgh tại Scotland.

Mặc dù mở rộng sang nhiều lĩnh vực khác nhau, nhưng phần lớn nhất trong khối tài sản 4,8 tỉ USD của Branson vẫn chủ yếu nằm trong lĩnh vực hàng không. Nhưng Branson không chỉ dừng lại ở vị trí hiện tại. Sau nhiều năm xây dựng hình ảnh của Virgin Group như một thương hiệu bình dân và phổ dụng, Branson đã từng bước tiến lên thị trường trung lưu cao cấp hơn.

Hướng tới điều tốt nhất

Trong buổi nói chuyện với trường kinh doanh tại ĐH Queensland, Branson tiết lộ về định hướng kinh doanh trong tương lai. “Cách tiếp cận của chúng tôi tới một ngành công nghiệp là xem xét khả năng chúng tôi có thể “xào xáo” được nó lên hay không”.

Ông nói tiếp : “Chúng tôi muốn biết khả năng mình có thể tạo ra khác biệt, làm thế nào để chúng tôi tạo ra những giá trị lớn lao, sự hứng thú, và làm thế nào để chúng tôi có thể gia tăng chất lượng thương hiệu và quan trọng là doanh thu có bù đắp được chi phí hay không. Chúng tôi không ngừng thực hiện điều đó bất kể thị trường lên hay xuống. Và thậm chí tôi nghĩ rằng lúc thị trường đi xuống có khi còn hay hơn.”

Branson lấy ví dụ trường hợp của Virgin Hotels, một thương hiệu được ra mắt với khoản đầu tư lên tới 500 triệu USD nhằm xây dựng nên một chuỗi khách sạn cao cấp. Branson đã chọn một thời điểm hoàn hảo khi mà giá bất động sản xuống dốc khiến cho tập đoàn của ông kiếm được những địa điểm vàng giá hời mà trước đây khó có thể mua nổi.

Theo ông, “những DN như Virgin, tiếp tục đầu tư trong lúc thị trường đi xuống, chính là những người giúp nền kinh tế hồi phục lại”.

Công ty kinh doanh chuỗi khách sạn, Virgin Limited Edition, được giao quản lý các khu nghỉ dưỡng riêng của Branson, bao gồm các khu trượt tuyết, các công viên vui chơi giải trí, các câu lạc bộ đặc quyền và cả một số hòn đảo. Một điển hình là khu nghỉ trên đảo Makepeace, có giá khởi điểm 3.250 USD một ngày sử dụng nguyên cả hòn đảo.

Để trấn an khách hàng tránh nghĩ tới việc Virgin đang nhắm tới nhóm khách độc nhất, Branson giải thích rằng mọi việc mà họ làm chỉ để nhắm tới dịch vụ tốt nhất trên thị trường. “Và khi bạn tạo ra món hàng tốt nhất trong lĩnh vực của bạn, sẽ luôn có một thị trường đầy khách hàng muốn sử dụng cái thứ tốt nhất đó”.

Ông cũng nói thêm : “Nên nhớ tốt nhất chưa hẳn đã phải tốn kém. Chúng tôi muốn khách hàng đến với chúng tôi rồi đi với một cảm giác rằng họ nhận được một giá trị rất lớn về khía cạnh tiền bạc”. Ông lấy ví dụ về Virgin Galactic, Cty lữ hành không gian đang tìm cách đưa khách du lịch vào vũ trụ. Vé một suất có giá 200.000 USD, và đã có tới 500 người đặt cọc.

“Mục đích của một Cty du hành không gian chắc chắn hướng tới việc trải nghiệm ấy phải tuyệt đối hoàn hảo. Nhưng mục tiêu của chúng tôi không chỉ có thế, mà chúng tôi mong muốn để dịch vụ đó vừa túi tiền của con các bạn, của các con tôi và con của tất cả mọi người.”

Đi tới giấc mơ bằng sự thực tế

Nhưng bay tới ước mơ nào cũng cần sự vững vàng trên mặt đất. Thương vụ bán Virgin Money Australia cho Ngân hàng Queensland tỏ rõ sự quyết đoán của Richard Branson đối với các khoản đầu tư - khi tài sản đã tăng trưởng tới hạn là bán ngay không do dự.  Bản thân sự quyết đoán đó đã là một đặc trưng của thương vụ “kiểu Virgin”. Sau 10 năm đầu tư gây dựng thương hiệu, xác định bán là hoàn vốn, Branson mời người khác tiếp quản ngay.

Đặc điểm thứ hai của thương vụ này cũng thể hiện sức mạnh của thương hiệu Virgin. DN mà BoQ mua lại chưa tạo ra lợi nhuận, vậy mà ngân hàng này vẫn chấp nhận trả Branson một khoản phí kỳ hạn (loại phí để sử dụng thương hiệu) kéo dài tới 40 năm. Đẩy đi một đơn vị không hiệu quả, mà lại vẫn có phần trong hoạt động kinh doanh, thêm vào đó, còn duy trì được nó như một phần của đế chế kinh doanh rõ ràng đây là món hời của Branson.

Cuối cùng, vụ mua bán tô đậm thêm biến chuyển trong Virgin. Một trong những sản phẩm chính của Virgin Money là phí bảo hiểm lao động, điều này nằm trong chiến lược tiến lên thị trường cao cấp của Virgin.

Thiên tài markeing Branson, người gây dựng một tập đoàn khổng lồ từ một cơ sở ghi âm, đã nhìn thấy việc lượng khách hàng đông đảo của Virgin đang ngày một giàu có, và sự trung thành của họ với thương hiệu này có thể kích thích họ sử dụng những dịch vụ cao cấp và mới mẻ của Virgin.

Virgin luôn biết đầu tư vào những ngành nghề có nhu cầu lớn lao, như hàng không, ngân hàng, đường sắt, và ngay cả lữ hành không gian, bằng việc mở ra cơ hội tiếp cận cho khách hàng bình thường. Họ đạt được điều này thông qua việc đưa ra mức giá dễ chịu, hoặc một loại sản phẩm giản đơn hơn, và đôi khi là cả hai yếu tố.

“Một trong những khả năng siêu việt của Branson là kết nối nguồn cảm hứng nằm trong mỗi người” - chuyên gia marketing Michel Hogan nhận xét. “Nếu có doanh nhân nào biết mở ra một thị trường mới thì đó là Branson. Nhờ ông, Virgin không chỉ là một tập đoàn kinh doanh, mà nó còn là một ý tưởng nhắm tới việc làm cho người ta với tới những thứ ở ngoài tầm tay.”


Tin Nổi Bật