Mã Trường

Mã Trường

Hướng Nghiệp

Nghề phối hợp giữa toán học và kinh doanh

Cập nhật 11/04/2013 - 10:06:10 AM (GMT+7)

Bạn có đoán được đó là nghề gì không?  Nghề này có không hơn 10 chuyên gia làm việc tại Việt Nam nhưng đóng vai trò cực kỳ quan trọng đối với sự thành bại của các công ty bảo hiểm (BH). Đấy chính là nghề định phí bảo hiểm (Actuary) - nghề được trả lương cao thứ nhì tại Mỹ. Theo nhận định của anh Lý Nhơn - trưởng phòng Định phí Bảo hiểm công ty bảo hiểm nhân thọ AIG, trong tương lai không xa khi người dân ý thức được tầm quan trọng của một cuộc sống an toàn hơn, thì đó là thời điểm lên ngôi của các công việc liên quan đến ngành bảo hiểm, trong đó có Actuary.

Thưa anh thế nào là công việc của một định phí viên bảo hiểm?
Trước tiên cho tôi nói rõ, định phí bảo hiểm dịch từ thuật ngữ “Actuary” là chưa chính xác, nhưng chúng ta có thể dùng tạm vì không có từ ngữ tương đương trong tiếng Việt.

Actuary đảm trách hai nhiệm vụ chính: định giá sản phẩm bảo hiểm, tính toán khả năng thanh toán của công ty bảo hiểm đối với hợp đồng bảo hiểm và tính toán dự phòng cho các hoạt động bảo hiểm.

Sau khi tham gia thiết kế các sản phẩm bảo hiểm đáp ứng nhu cầu thị trường và thị hiếu của người mua, Actuary dựa trên những tính toán khoa học để định giá cho sản phẩm, với yêu cầu phải bảo đảm được quyền lợi của khách hàng trong trường hợp có sự cố xảy ra với người mua BH cũng như đảm bảo được khả năng sinh lời của công ty. Người làm nghề định phí là người chịu trách nhiệm chính cho những sản phẩm mình tạo ra.

Tiếp đến, Actuary là người bảo vệ khả năng tài chính của công ty bảo hiểm. Họ phải tính toán làm sao để công ty có đủ khả năng thanh toán các hợp đồng bảo hiểm, cũng như đảm bảo mức tài chính dự phòng cho các hoạt động khác.

Các công việc của một Actuary là rất cơ bản và quan trọng đối với hoạt động của một công ty bảo hiểm. Do vậy sự đóng góp của họ luôn được công ty đánh giá cao bằng mức lương xứng đáng.

Công việc của Actuary liên quan nhiều đến tính toán, chắc hẳn họ phải là người học toán rất giỏi?
(cười)... Chính xác. Muốn trở thành Actuary, trước tiên bạn phải có khả năng tốt về toán. Ngoài ra bạn còn phải có sự nhạy bén nhất định về kinh doanh, thị trường để có thể đưa ra những sản phẩm bảo hiểm thiết thực đáp ứng nhu cầu của khách hàng.

Vậy phải học những gì và ở đâu để trở thành Actuary?
Cũng như kiểm toán viên quốc tế hay chuyên viên đầu tư, để trở thành Actuary bạn phải được công nhận bởi một trong các hiệp hội Actuary trên thế giới như Hiệp Hội Actuary Mỹ (SOA), Canada (CIA), Úc (IAA), Anh (IOA)… bằng cách tham gia những kỳ thi do các hiệp hội này tổ chức.

Ở nước ngoài, thông thường người ta sẽ lấy bằng Cử nhân Thống kê Bảo hiểm (Actuarial Science Bachelor degree), sau đó tham gia học và thi lấy bằng tại các hiệp hội nói trên.

Ở Việt Nam, theo tôi biết thì hiện tại chỉ có Học viện Tài chính và Bảo Hiểm (I.S.F.A) của Cộng Hòa Pháp liên kết với trường Đại học Hoa Sen TPHCM và Đại Học Kinh Tế Quốc Dân Hà Nội đào tạo chuyên ngành Định phí Bảo Hiểm và Tài Chính trong vòng 3 năm. Trong đó gồm 2 năm học viên học tại Việt Nam và năm cuối học tại Pháp. Sau 3 năm học, các bạn có thể tiếp tục tham gia thi lấy bằng của các hiệp hội Actuary của các nước.

Ngoài ra, đối với các bạn đã có bằng cử nhân Toán hoặc những chuyên ngành có liên quan đến kinh tế hoặc tài chính, các bạn vẫn có thể tham gia các kỳ thi do Hiệp Hội Actuary Mỹ tổ chức tại Việt Nam nếu muốn theo đuổi ngành định phí.

Các bạn có thể tìm thấy thông tin đầy đủ về các kỳ thi trên trang web: www.beanactuary.org

Hiện tại, các nhân viên làm việc trong ngành định phí đều được công ty hỗ trợ về chi phí và tạo điều kiện về thời gian để vừa làm và vừa tham gia các kỳ thi.

Anh có thể nói rõ hơn về các kỳ thi của Hiệp Hội Actuary Mỹ?
Các kỳ thi này được tổ chức hằng năm tại nhiều nước trên thế giới. Thông thường một người sẽ mất trung bình từ 4-6 năm để hoàn thành toàn bộ chín kỳ thi của chương trình. Kỳ thi thứ 1 đến 4 nhằm kiểm tra khả năng tính toán. Các kỳ thi này không dễ vì trên thực tế chỉ có khoảng 40% người thi đậu. Các kỳ thi còn lại dành để đánh giá khả năng suy luận của thí sinh qua việc giải quyết tình huống của công ty bảo hiểm và hướng phát triển của công ty. Tuy nhiên, như đã nói ở trên, bạn có thể vừa học vừa làm. Thông thường, nhân viên sẽ được xét tăng lương như một phần thưởng mỗi khi thi đậu một kỳ thi.

Ngoài những bằng cấp anh nêu trên, Actuary còn cần gì nữa?
Đó là sự quyết tâm và lòng kiên trì. Chín kỳ thi là thử thách rất lớn đối với bất cứ người nào muốn theo nghề này. Giống như một vận động viên marathon, nếu không quyết tâm và kiên trì, họ sẽ không đi hết được hành trình này.

Kế tiếp là tinh thần trách nhiệm. Như đã nói ở trên, những Actuary chúng tôi phải chịu trách nhiệm về những sản phẩm mình tạo ra. Do đó, tinh thần trách nhiệm cao là phẩm chất cần có của một người làm việc trong ngành định phí.

Ngoài ra tính tỉ mỉ, cẩn thận, kỹ năng đàm phán, thương thuyết... là những yếu tố quan trọng góp phần vào sự thành công của một Actuary.

Ngoài làm việc cho các công ty bảo hiểm, Actuary còn có thể làm cho các tổ chức nào khác không?
Tuy ngành bảo hiểm của Việt Nam vẫn còn non trẻ nhưng nhu cầu về Actuary rất lớn, cung vẫn chưa đủ cầu. Đó là chưa kể trong tương lai, khi ngành bảo hiểm phát triển mạnh mẽ, rất nhiều cơ hội sẽ chờ đón các bạn trẻ. Tuy nhiên, ngoài công ty bảo hiểm, Actuary có thể làm việc cho công ty tái bảo hiểm, tư vấn và kiểm toán, ngân hàng...

Anh có lời khuyên nào dành cho các bạn trẻ có định hướng theo nghề này?
Như đã nói ở trên, để theo đuổi ngành này, bạn cần phải có một quá trình học tập và rèn luyện lâu dài. Để thành công bạn cần phải có quyết tâm cao và chắc chắn phải có một sự đầu tư nghiêm túc về mặt thời gian cho việc học và nghiên cứu.


Tin Nổi Bật