Lựa chọn nghề nghiệp không chỉ đơn thuần là tìm một công việc đem lại thu nhập bởi đôi khi nó sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ cuộc sống của bạn sau này. Nếu còn chưa rõ về nghề nghiệp tương lai, sau đây là 4 cách giúp bạn đưa ra quyết định chính xác.
Với không ít người mới đi làm tìm việc thường đơn giản là làm sao để có được một chỗ làm phù hợp với khả năng, có thể đem lại thu nhập để trang trải cuộc sống. Nhu cầu có việc làm càng sớm càng tốt đôi khi khiến họ quyết định nhanh chóng và quên mất rằng nghề nghiệp không đơn giản là những gì họ làm mà còn có thể là một ngã rẽ quan trọng trong cuộc đời. Do đó cần có những cân nhắc và suy xét trong dài hạn. Sau đây là một vài gợi ý hữu ích giúp bạn lựa chọn đúng hướng.
Mỗi nghề bạn chọn có thể là một ngã rẽ với cuộc đời
1. Nghề nghiệp không chỉ là một công việc
Khi đánh giá về một cơ hội việc làm, một thực tế thường thấy là nhiều người quá chú trọng đến những yếu tố ngắn hạn như: chức vụ, quyền hạn, mức lương, thưởng, giờ giấc...Nếu bạn là người không tham vọng và mục tiêu chỉ là tìm một công việc thì có thể như vậy là đủ. Tuy nhiên nếu là người có tài năng hoặc hoài bão lớn, có lẽ bạn nên xem xét một cách rộng hơn.
Tất nhiên không có gì sai khi cố gắng đàm phán để có được quyền lợi tốt nhất, nhưng hãy nhớ rằng quyền lợi không chỉ là lương. Đó còn là cơ hội phát triển bản thân, khả năng thăng tiến, cổ phiếu thưởng, những quyền lợi khác…Chức danh cũng quan trọng nhưng chủ yếu vì nó có thể giúp bạn đạt được mức đãi ngộ cao hơn. Liệu cơ hội bạn đang muốn nắm lấy có giúp bạn đạt được điều đó?
Hãy coi công ty bạn muốn ứng tuyển giống như một chiếc máy bay. Liệu họ có thể giúp bạn đến được vị trí trong xã hội mà bạn mong muốn? Nếu một ngày nào đó rời công ty con đường sự nghiệp của bạn còn dài hay ngắn? Bạn mong muốn một mức “lợi tức” ra sao cho những thời gian và công sức mình đầu tư? Nếu có thể trả lời những câu hỏi này thì bạn đã có một định hướng rõ ràng về sự nghiệp của mình.
2. Đánh giá công ty như một chuyên gia tài chính
Trước mỗi quyết định đầu tư, các chuyên gia tài chính luôn suy xét kỹ lưỡng về năng lực, triển vọng của một công ty để đảm bảo rằng số tiền mình bỏ ra sinh lời cao nhất. Và nếu có ý định gắn bó lâu dài với một công ty, bạn cũng nên cân nhắc kỹ như vậy.
Một số câu hỏi cần được đặt ra đó là: Trong lĩnh vực đang hoạt động công ty đó có được định hướng để trở thành người dẫn đầu hay không? Họ có tập trung vào những mục tiêu phù hợp bằng những chiến lược phù hợp không? Nền tảng của đội ngũ lãnh đạo ra sao? Trước đây họ đã từng thành công hay chưa? Tình hình tài chính của công ty ra sao? Giá trị thị trường như thế nào?...Nếu bạn không đủ khả năng hoặc không có cơ hội để tiếp cận thông tin hãy hỏi những người có kinh nghiệm mà bạn biết hoặc hỏi chính người phỏng vấn.
3. Liệu công ty đó sẽ giúp bạn thành công hay thất bại?
Có lẽ đã không ít lần bạn được bảo rằng hãy xác định xem công ty đó và vị trí đó có phù hợp với bạn hay không. Nhưng khái niệm phù hợp đôi khi thật mơ hồ. Thay vào đó, bạn nên cân nhắc những khía cạnh cụ thể hơn như: liệu chuyên môn, kinh nghiệm và phong cách của mình sẽ bổ sung được gì cho bộ phận/phòng ban đó? Họ có cần một nhân viên như bạn và bạn có đủ khả năng đáp ứng những gì họ mong muốn khi tuyển dụng hay không?
Ngoài ra bạn cũng cần cân nhắc về mức độ thực tế của những kỳ vọng mà công ty đặt ra với vị trí bạn định ứng tuyển. Nếu họ kỳ vọng quá nhiều công việc của bạn sau này sẽ rất áp lực. Ngược lại, có lẽ bạn sẽ không được coi trọng.
4. Hãy làm những gì bạn thực sự đam mê
Về lâu dài, một người sẽ dễ thành công hơn khi công việc họ làm chính là những gì họ thích thay vì phải cố gắng chạy theo sự dẫn dắt của ai đó. CEO quá cố của Apple Steve Jobs từng phát biểu trong lễ khai giảng của đại học Stanford rằng:
“Thời gian của bạn là có hạn, vậy nên đừng lãng phí nó để sống một cuộc sống của ai đó. Đừng để những mách bảo của bản thân bị nhấn chìm bởi quan điểm của những người khác”.
Đó là một triết lí rất đúng đắn. Cách duy nhất để đạt được những thành công lớn đó là làm những gì bạn thực sự đam mê. Nếu vẫn chưa tìm ra điều đó là gì, hãy tiếp tục khám phá, đừng dừng lại.