Sau khi vượt qua khâu thẩm định hồ sơ và bằng cấp, thì phỏng vấn chính là thử thách quyết định kết quả xin việc của bạn. Nhưng thành công hay thất bại thì không ai có thể nói trước được, điều đó còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau. Vậy để có thể vượt qua vòng phỏng vấn các bạn cần làm gì, hay chỉ trông chờ vào sự “hên xui may rủi”. Xin chia sẽ một số kinh nghiệm hay có thể giúp bạn vượt qua vòng phỏng vấn, và tìm được cho mình một công việc tốt nhất.
Phỏng vấn “chơi” nhưng làm thật
Có nhiều người thắc mắc tại sao họ không coi trọng cuộc phỏng vấn đó, họ không chuẩn bị gì nhiều, thậm chí họ đã chuẩn bị sẵn tâm lý thất bại, họ chỉ xem đi phỏng vấn cũng như một cuộc dạo chơi nhưng cuối cùng lại được nhận. Ngược lại đứng trước một công ty mình yêu thích, họ đã chẩn bị nghiêm túc cho cuộc phỏng vấn nhưng cuối cùng vẫn bị loại. Mấu chốt chính là vấn đề tâm lý, vì đi phỏng vấn với tâm lý “không có gì để mất” nên họ không bị áp lực, không cảm thấy căng thẳng, và buổi phỏng vấn sẽ trở nên cởi mở hơn. Chính vì tâm lý thoải mái sẽ làm cho họ trở nên tự tin, từng trải… và việc “vô tình” ghi điểm này giúp họ vượt qua vòng phỏng vấn cũng không có gì là khó hiểu.
Ngược lại có một số người quá tập trung vào kết quả phỏng vấn nên tâm lý căng thẳng, áp lực dẫn đến việc trả lời không tự tin, rơi vào tình thế bị động…chính điều đó là làm cho họ mất điểm trong mắt nhà tuyển dụng, và việc bị loại cũng là điều tất yếu. Vì vậy ngoài việc tìm hiểu về nhà tuyển dụng, thì hãy luôn tạo cho mình tâm lý thoải mái khi bước vào cuộc phỏng vấn, điều đó sẽ giúp cho bạn vượt qua vòng phỏng vấn một cách nhẹ nhàng, và công việc là trong tầm tay bạn.
Tham gia phỏng vấn càng nhiều càng tốt
Nếu như bạn là sinh viên mới ra trường chưa có nhiều kinh nghiệm, thì hãy cố gắng để được càng nhiều công ty phỏng vấn càng tốt, cho dù là công ty lớn hay nhỏ thì cũng có cái hay riêng của họ. Thông qua các buổi phỏng vấn đôi khi bạn còn được nhà tuyển dụng cung cấp cho mình những thông tin vô cùng bổ ích, bạn sẽ biết được phỏng vấn là như thế nào, từ đó rút ra cho mình những kinh nghiệm quý báu và nó càng trở nên hữu ích cho những cuộc phỏng vấn quan trọng về sau.
Tập trung vào công việc mà mình ứng tuyển
Thay vì tìm cách thuyết phục nhà tuyển dụng chọn mình, các bạn hãy chú trọng vào công việc mà mình ứng tuyển, hãy hỏi nhà tuyển dụng nội dung, cách thức và quy trình làm việc. Từ đó vô tình tạo cảm giác bạn là người đến đây là để nắm bắt tình hình và tiếp nhận công việc này chứ không phải là đi phỏng vấn, sau quá trình trao đổi đôi khi nhà tuyển dụng sẽ hỏi khi nào bạn có thể bắt tay vào công việc, câu hỏi này của nhà tuyển dụng cũng chính là thông điệp báo hiệu bạn đã vượt qua vòng phỏng vấn thành công.
Không nên tỏ ra quá tài giỏi
Bước vào cuộc phỏng vấn bạn nên mạnh dạn tìm hiểu vai trò của người tuyển dụng, nếu đó là lãnh đạo thì bạn có thể tha hồ chứng tỏ năng lực của bản thân, vì những người lãnh đạo luôn mong muốn tìm được những nhân viên tài giỏi giúp sức cho mình. Nhưng nếu đó là một người ở vị trí “nhạy cảm” so với vị trí ứng tuyển của bạn, thì một lời khuyên chân thành là bạn đừng tỏ ra quá tài giỏi, mà hãy chứng tỏ mình là người có thể làm tốt công việc đó là đủ. Vì nếu lỡ bạn giỏi hơn họ thì họ sẽ bị lu mờ, và hơn nữa trong cuộc sống và công việc có ai mà không muốn hơn người khác! vì vậy nếu họ nhận ra bạn là một đối thủ nguy hiểm thì liệu họ có dám tuyển bạn vào làm không? Dĩ nhiên không phải người tuyển dụng nào cũng vậy, vẫn có những người rất thích làm việc với người giỏi giang, nhưng cũng không thiếu những kẻ luôn muốn hơn người. Vì vậy đôi khi hãy biết khiêm tốn, điều đó không khiến bạn lu mờ, mà đó là tiền đề để bạn tỏa sáng về sau.
Yêu cầu được giao một công việc nào đó
Nếu nhà tuyển dụng tỏ ra không tin tưởng vào năng lực của bạn, hoặc họ phân vân không biết làm gì với bạn thì hãy mạnh dạn đề nghị họ giao cho mình một công việc nào đó. Đừng để họ cầm hồ sơ của bạn và hứa hện có gì sẽ liên lạc lại sau, vì đa phần những trường hợp này đều bị “chìm xuồng”. Hơn nữa khi được giao một công việc nào đó cũng đồng nghĩa với việc bạn đã có mối liên hệ nhất định với doanh nghiệp, trong quá trình làm bạn có thể trao đổi với họ, từ đó tạo được mối quan hệ và cũng là cơ hội để bạn chứng tỏ năng lực của mình. Đây chính là cách gián tiếp để bạn vượt qua vòng phỏng vấn nếu như cuộc phỏng vấn giai đoạn đầu không được suôn sẽ.