Sáng 24-3, hơn 300 bạn trẻ đã đến tòa soạn Tuổi Trẻ tham gia buổi trò chuyện “Tìm việc thời khủng hoảng” (nằm trong chuỗi chương trình “Hành trang cuộc đời”) do báo Tuổi Trẻ phối hợp với VietnamWorks tổ chứ
Ông Trần Hữu Đức trao đổi với các bạn trẻ tham dự chương trình
Tìm việc thời khủng hoảng khác gì thời... chưa khủng hoảng là thắc mắc chung của nhiều bạn trẻ đến tham dự chương trình. “Tụi mình nghe các anh chị năm trước dọa rằng thời buổi này tốt nghiệp ĐH cũng thất nghiệp như chơi, nên đăng ký tham dự để có nhận thức về tình huống hiện tại và cách khắc phục” là tâm tư của nhóm bạn thuộc CLB kỹ năng Thành công (ĐH Mở TP.HCM).
Cơ hội dành cho người biết nắm bắt
“Tôi đang cầm trên tay 100.000 đồng. Bạn nào có 40.000 đồng thì nhanh tay lên đổi” - ông Trần Hữu Đức, từng làm giám đốc nhân sự tại PepsiCo Vietnam, nói. Nhiều bạn trẻ đồng loạt lục túi. Có bạn cầm hai tờ 20.000 đứng phẩy phẩy ra hiệu ở góc khán phòng. Có bạn tỏ vẻ tiếc nuối vì không có trong tay số tiền trên. 30 giây sau, 100.000 đồng đó được trao cho một bạn nữ mạnh dạn “ngã giá”: đổi 50.000 đồng, thay vì 40.000 đồng.
“Nhiều bạn không chạy lên đây đổi 40.000 đồng để lấy 100.000 đồng này vì đó không phải mục đích của các bạn, hoặc vì các bạn không chủ động chớp lấy cơ hội” - ông Hữu Đức nhận xét. Từ ví dụ trên, ông đưa ra mối tương quan nhu cầu giữa nhà tuyển dụng và ứng viên. Khi nhà tuyển dụng đòi hỏi các chỉ tiêu tương tự số tiền 40.000 đồng trong khi các bạn có kỹ năng, kinh nghiệm tương tự tờ giấy 50.000 đồng, hãy mạnh dạn ứng tuyển.
Theo các diễn giả, dù trong thời gian này nhu cầu tuyển dụng ít, yêu cầu tuyển dụng lại cao nhưng nếu nắm bắt thông tin cốt lõi của thị trường lao động, người trẻ không đến nỗi rơi vào trạng thái “khủng hoảng” như các bạn vẫn nghĩ. Bởi theo bà Lê Hải Quỳnh - đại diện VietnamWorks, bất chấp tình hình kinh doanh khó khăn nhưng nhu cầu tuyển dụng của một số mảng vẫn ổn định như kế toán - kiểm toán, công nghệ thông tin, dịch vụ - sản xuất... Ngoài ra, kinh tế khủng hoảng khiến doanh nghiệp có xu hướng sa thải nhân viên hàng loạt cũng tạo ra những chỗ trống mới cho ứng viên.
Gợi ý cho bạn trẻ, ông Đức chia sẻ một mẹo nhỏ đánh vào tâm lý “ham rẻ” của mọi nhà tuyển dụng: sinh viên mới ra trường có thể đề xuất làm việc... không lương với doanh nghiệp trong thời gian nhất định. “Mục đích cao nhất của sinh viên mới ra trường là tìm kiếm cơ hội thể hiện năng lực và tích lũy kinh nghiệm, đôi khi các bạn nên tính đến phương án “bỏ con tép bắt con tôm” nhằm nắm lấy cơ hội nghề nghiệp cho mình” - ông Đức mách nước.
“Trong thời kỳ khó khăn hiện nay, nhiều doanh nghiệp đang đối mặt hàng loạt khó khăn về nợ xấu, nợ ngân hàng, đầu ra của sản phẩm... Hơn ai hết, họ rất cần các ứng viên giỏi giúp họ vượt qua và phát triển. Bạn hãy chứng tỏ cho họ thấy sự chân thành và thực lực của bạn” - ông Hữu Đức nói.
“Tôi là người doanh nghiệp đang tìm!”
Ông Hữu Đức dành phần lớn thời gian thuyết trình về những kinh nghiệm cá nhân xoay quanh quá trình trước và sau buổi phỏng vấn tìm việc. Ông cho rằng hồ sơ tìm việc tốt nhất nên viết bằng tay và gồm có hai phần: thư tìm việc và lý lịch tự thuật. Lý lịch tự thuật sẽ ghi các thông tin “lạnh” của ứng viên gồm bằng cấp, khóa học, kỹ năng, công việc từng kinh qua trong khi thư tìm việc cần “nóng bỏng” với cái tôi, niềm đam mê, hoài bão, điều đang tìm kiếm...
Trước khi ứng tuyển vào một công ty, các bạn trẻ cần tìm hiểu quy mô, sản phẩm, văn hóa doanh nghiệp, đối thủ cạnh tranh... Cách nhân viên trong công ty đối nhân xử thế luôn chuyển tải rất nhiều thông điệp về công ty. “Bạn sẽ biết vị trí chính xác của công ty, chỗ gửi xe, trang phục của đa số nhân viên... Các thông tin này sẽ giúp bạn không trễ hẹn hay ăn mặc lệch pha nếu được mời đến phỏng vấn trực tiếp” - ông Hữu Đức nói.
Khi đến phỏng vấn, ứng viên nên ăn mặc phù hợp, đến sớm 10 phút để rửa tay, đi vệ sinh, bắt tay và xưng hô phù hợp... Riêng bạn nữ có thể trang điểm nhẹ, xịt chút nước hoa vào lòng bàn tay. Trong lúc nói về mình, ứng viên cần chứng minh với nhà tuyển dụng thành tích học tập, làm việc trước đó nhờ áp dụng những kinh nghiệm, động cơ tìm việc (như xây dựng kinh nghiệm đầu đời, khởi nghiệp...).
Linh hoạt trong tình huống bị nhà tuyển dụng “thử” bằng cách cho sai địa chỉ hẹn phỏng vấn, giả vờ... ngủ gật hoặc “giở chứng” là yếu tố bạn trẻ phải rèn luyện cách đối phó để đảm bảo chiến thắng trong mọi “cuộc chiến”. Bên cạnh đó, những nhà tuyển dụng như bà Quỳnh cũng rất chú ý đến yếu tố bền chí của ứng viên. “Dù bạn có rớt khỏi vị trí ứng tuyển cũng nên đề nghị cơ hội cho những lần sau, hỏi lý do tại sao không trúng tuyển để nhìn rõ hơn bản thân mà tìm cách khắc phục” - bà Quỳnh nói.
Giao lưu với bạn trẻ, các diễn giả khuyên rằng mặc dù tình thế khách quan có xấu đến mức độ “khủng hoảng”, người trẻ cần phải tìm cách tự làm chủ số phận mình. Đó là đúc kết sau câu hỏi của bạn Trang Trần Thanh Phong (sinh viên ĐH Nông lâm): “Nếu công ty sắp có đợt sa thải nhân viên thì mình phải làm gì để không nằm trong danh sách đen phải cuốn gói ra đi?”. Trong trường hợp đó, lời khuyên của bà Đặng Ngọc Khánh Vân (giám đốc giải pháp tuyển dụng BCC) nhấn mạnh vào việc liên tục chứng tỏ năng lực chứ không đợi đến phút 89 mới “chạy hết công suất”, thường xuyên chủ động liên hệ với lãnh đạo công ty, “tự quy hoạch” vào những vị trí khác hoặc xin kiêm nhiệm thêm công việc...
Mạng xã hội là kênh tìm việc hiệu quả Đó là khẳng định gây bất ngờ của bà Lê Hải Quỳnh. Bà cho biết các công ty hiện nay có khuynh hướng dùng trang Facebook để kết nối với các ứng viên tiềm năng. Người tìm việc có thể lên trang Facebook của công ty muốn ứng tuyển để tìm kiếm thông tin tuyển dụng, thậm chí tìm hiểu văn hóa doanh nghiệp, tạo mối quan hệ với người trong công ty. |
(Theo Báo Tuổi Trẻ)