Mã Trường

Mã Trường

Nghiên Cứu Khoa Học

Quả cầu vàng cho màng nano

Cập nhật 19/11/2012 - 12:04:14 PM (GMT+7)

TS Võ Thị Hạnh Thu, giảng viên khoa vật lý - vật lý kỹ thuật Trường ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH Quốc gia TP.HCM, là người duy nhất đoạt giải trong sáu đề cử của TP.HCM gửi tranh giải khoa học kỹ thuật thanh niên Quả cầu vàng năm 2012 do Trung ương Đoàn phối hợp với Bộ Khoa học - công nghệ trao tặng.

TS Võ Thị Hạnh Thu nghiên cứu tại phòng thí nghiệm Trường ĐH Khoa học tự nhiên


TS Võ Thị Hạnh Thu cũng là người có những suy nghĩ thiết thực trong việc nghiên cứu khoa học (NCKH). “Tôi muốn nghiên cứu vào những lĩnh vực “nóng” như năng lượng và môi trường. Trong tương lai gần, VN sẽ cần nhiều nghiên cứu ứng dụng từ các lĩnh vực này” - TS Thu chia sẻ.

Gương sáng dẫn đường

Nhưng điều gì đã giúp TS Thu sớm có được định hướng NCKH thiết thực ở tuổi còn trẻ của người dấn thân vào con đường nghiên cứu, khi mơ ước đầu tiên là trở thành giáo viên dạy toán cho học sinh THCS? TS Thu không ngại ngần khoe: “Ban đầu tôi cũng không nghĩ sẽ theo nghiên cứu nhưng nhờ... ngưỡng mộ một người thầy”. Người thầy đó là GS-TS Nguyễn Hữu Chí, người có công “kéo” SV Võ Thị Hạnh Thu từ ngành toán - tin học sang ngành vật lý - vật lý kỹ thuật.

Trên thực tế, không phải GS-TS Nguyễn Hữu Chí lôi kéo thật sự mà trong giai đoạn đang là sv ngành toán - tin học, Hạnh Thu đã được học những bài giảng của GS-TS Chí. “Phong cách giảng dạy của thầy cộng với những cái hay cảm nhận được từ bộ môn vật lý kỹ thuật đã khiến tôi rẽ vào con đường này và bị mê hoặc”. Thế nên, từ đầu vào là sv ngành toán - tin học nhưng Võ Thị Hạnh Thu lại tốt nghiệp ĐH ngành vật lý - vật lý kỹ thuật.

Rẽ sang con đường này, Võ Thị Hạnh Thu bắt đầu mày mò nghiên cứu. Những ngày đầu chỉ là phụ các thầy cô, giảng viên của khoa để làm quen với NCKH. Rồi vừa học vừa tham gia nghiên cứu, nên ngay khi tốt nghiệp ĐH, thành tích khoa học của Võ Thị Hạnh Thu đã không ít. Năm 2001, Võ Thị Hạnh Thu tốt nghiệp ĐH tại ĐH Khoa học tự nhiên loại giỏi với đề tài “Chế tạo màng Al/Pet (nhôm/nhựa) để làm bao bì chất lượng”.

Cùng thời điểm đó, Võ Thị Hạnh Thu đoạt giải nhất sv NCKH cấp trường, giải nhì Euréka, giải nhì sv NCKH cấp Bộ GD-ĐT và nhận bằng khen của Bộ GD-ĐT, Trung ương Đoàn. Chưa hết, năm 2004, Võ Thị Hạnh Thu tiếp tục được giới khoa học đánh giá cao khi thực hiện đề tài “Nghiên cứu chế tạo pin mặt trời”.

Đề tài từ cuộc sống

Nhưng con đường NCKH không trải thảm hoa hồng với Võ Thị Hạnh Thu. Một thời gian dài đeo đuổi vấn đề năng lượng, liên tiếp gửi đề tài đến các đơn vị để xin nghiên cứu như Sở Khoa học - công nghệ TP.HCM, ĐH Quốc gia TP.HCM... nhưng những đề tài mà Hạnh Thu gửi đi đều không được duyệt.

Không trách các cơ quan quản lý, các viện, trường, TS Võ Thị Hạnh Thu tự nhìn nhận lại các vấn đề khoa học của mình. “Tôi thấy các đề tài mà tôi đăng ký nghiên cứu vào thời điểm đó còn non, chưa đủ tầm và chưa thiết thực. Đó là lỗi của chính bản thân tôi.” Nhận ra lỗi và tự tìm cách khắc phục, TS Thu đi nhiều hơn, lắng nghe từ cuộc sống nhiều hơn và nhận ra rằng “còn nhiều vấn đề bức xúc khác cần các công trình nghiên cứu”.

Năm 2007, TS Thu chuyển hướng sang nghiên cứu các vấn đề về cải thiện môi trường. “Xử lý dầu trên biển, lọc lưu huỳnh, lọc vi khuẩn trong nước... những vấn đề nhức nhối này đã cho tôi nghĩ đến việc phải nghiên cứu xử lý môi trường bằng công nghệ vật liệu”. Cuối năm 2007, TS Thu đã quyết định hướng đi của đề tài nghiên cứu mới là “Nghiên cứu chế tạo màng quang xúc tác ứng dụng để làm sạch môi trường” nhằm tạo ra màng có cấu trúc nano để thu hồi bột TiO2, xử lý vi khuẩn trong nước. Đề tài này đã được Sở Khoa học - công nghệ TP.HCM duyệt thực hiện và nghiệm thu đạt loại xuất sắc. Ứng dụng thiết thực cũng khiến đề tài đoạt giải nhì Vifotec 2011 và giành luôn giải khoa học kỹ thuật thanh niên Quả cầu vàng 2012 mới đây. Hiện TS Thu đang ấp ủ nhiều dự định về nghiên cứu mới: “Cuộc sống đưa ra nhiều câu hỏi khoa học và tôi đang mong sẽ nghiên cứu để trả lời các vấn đề đó”.

Mong một cơ chế

Sinh năm 1979, đã lập gia đình và có hai con nhỏ nhưng có những lúc Võ Thị Hạnh Thu ở lại phòng thí nghiệm đến nửa đêm mới về nhà. Vậy nhưng TS Thu vẫn là người vợ, người mẹ đảm đang mà vẫn “giỏi việc nước”. Bên cạnh những thành quả trong NCKH, TS Thu cũng là gương mặt giáo viên trẻ tiêu biểu được tuyên dương trong nhiều năm liền.

Hỏi ước mơ điều gì, TS Thu đùa: “Giá một ngày có thêm mấy tiếng để làm việc. Tôi thấy thời gian quá thiếu”. Nghiên cứu, chăm lo gia đình, dạy học... lịch của TS Thu dày đặc và hầu như rất ít thời gian chăm lo được cho bản thân, TS Thu lại cho đó là “bài thể dục thẩm mỹ tốt nhất”. TS Thu kể: “Sau khi sinh bé thứ hai tôi mập ú, nhưng rồi lao vào làm việc, bẵng đi một thời gian thấy mình tự động xuống cân. Chính khoa học làm cho tôi... đẹp lên đó”.

Đam mê với con đường nghiên cứu, TS Hạnh Thu tâm huyết rằng “làm giảng viên là phải tham gia nghiên cứu nhiều mới mong không tụt hậu”. Nỗi trăn trở của nhà khoa học Hạnh Thu không phải là những vất vả về cơm, áo, gạo, tiền, là những tần tảo sớm khuya và ngược xuôi thử nghiệm, mà vấn đề lớn nhất là “tôi làm khoa học, có nghiên cứu ứng dụng nhưng không biết phải bắt đầu từ đâu để đưa sản phẩm của mình ra thị trường”. Vì thế, mong ước lớn nhất của TS Thu là có một cơ chế thông suốt để những ứng dụng, những sản phẩm của các nhà khoa học ra được thị trường, đi vào được cuộc sống thường ngày.

Phủ trên lồng kính sưởi ấm bé sơ sinh

Màng nano TiON mà TS Võ Thị Hạnh Thu chế tạo là loại màng cực mỏng, chỉ khoảng 400-600 nanomet (nm), được ứng dụng làm sạch vi khuẩn trong nước, chống đọng nước bề mặt, diệt vi khuẩn E.coli, chống mờ, đọng nước trên bề mặt kính... Theo đó, màng này có thể phủ trên kính trong các lồng kính sưởi ấm bé sơ sinh hoặc các nhà vệ sinh để diệt khuẩn.

(Theo Báo Tuổi Trẻ)

Các Nội Dung Liên Quan