Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành Thông tư 18/2016/TT-BGDĐT ban hành Quy chế xét tặng Giải thưởng “Sinh viên nghiên cứu khoa học”.
Giải thưởng được tổ chức hàng năm nhằm khuyến khích sinh viên tham gia nghiên cứu khoa học và vận dụng kiến thức đã học vào giải quyết những vấn đề thực tiễn trong cuộc sống; góp phần phát hiện và bồi dưỡng nhân tài cho đất nước; Phát huy năng lực tư duy sáng tạo, khả năng nghiên cứu khoa học độc lập hoặc làm việc theo nhóm của sinh viên; hình thành năng lực tự học, tự nghiên cứu cho sinh viên; góp phần đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng đào tạo ở các cơ sở giáo dục đại học.
Đề tài nghiên cứu khoa học của sinh viên tham gia xét Giải thưởng phải đáp ứng các yêu cầu: Được hội đồng khoa học cấp cơ sở đánh giá xếp loại xuất sắc; Có tính mới, tính sáng tạo; có giá trị khoa học và thực tiễn, ưu tiên đề tài được triển khai ứng dụng trong thực tiễn hoặc có công bố khoa học từ kết quả nghiên cứu của đề tài trên các tạp chí khoa học trong và ngoài nước; Chưa được trao bất kỳ một giải thưởng nào cấp Bộ hoặc tương đương cấp Bộ trở lên tại thời điểm nộp hồ sơ; Luận văn, đồ án tốt nghiệp của sinh viên không được gửi tham gia xét Giải thưởng; Tổng số sinh viên tham gia thực hiện 01 đề tài tối đa không quá 05 người, trong đó phải xác định rõ 01 sinh viên chịu trách nhiệm chính.
Đề tài nghiên cứu khoa học của sinh viên tham gia xét Giải thưởng được phân loại theo 06 lĩnh vực khoa học và công nghệ: 1. Khoa học Tự nhiên; 2. Khoa học Kỹ thuật và Công nghệ; 3. Khoa học Y, Dược; 4. Khoa học Nông nghiệp; 5. Khoa học Xã hội; 6. Khoa học Nhân văn.
Đánh giá đề tài tham gia xét Giải thưởng qua 02 vòng
Vòng sơ khảo: Các cơ sở giáo dục đại học được Bộ Giáo dục và Đào tạo giao tổ chức tiếp nhận hồ sơ có nhiệm vụ phối hợp với Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức họp các hội đồng đánh giá và xét giải vòng sơ khảo.
Vòng chung khảo: Bộ Giáo dục và Đào tạo thông báo danh sách các đề tài được chọn vào vòng chung khảo trên trang thông tin điện tử của Bộ; hướng dẫn sinh viên chuẩn bị trình bày báo cáo tóm tắt đề tài; thành lập và tổ chức họp các hội đồng đánh giá và xét giải vòng chung khảo. Các cơ sở giáo dục đại học có đề tài được chọn vào vòng chung khảo có trách nhiệm thông báo và tạo điều kiện cho sinh viên chuẩn bị trình bày báo cáo tại phiên họp hội đồng vòng chung khảo; cử đại diện tham dự phiên họp hội đồng vòng chung khảo.
Về khen thưởng cá nhân, Thông tư nêu rõ, Đề tài đạt giải nhất và giải nhì: Sinh viên thực hiện đề tài được tặng bằng khen của Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.
Sinh viên chịu trách nhiệm chính thực hiện đề tài đạt giải nhất được ưu tiên xem xét khi đăng ký dự tuyển các loại học bổng: Chương trình học bổng Hiệp định và các chương trình học bổng sử dụng nguồn ngân sách nhà nước từ trình độ thạc sĩ trở lên; Chương trình học bổng tiến sĩ theo Đề án Đào tạo giảng viên có trình độ tiến sĩ cho các trường đại học, cao đẳng (Đề án 911) nếu sinh viên đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo quy định tại thông báo tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Đề tài đạt giải ba và giải khuyến khích: Sinh viên thực hiện đề tài được tặng Giấy khen của Quỹ Hỗ trợ Sáng tạo Kỹ thuật Việt Nam - VIFOTEC.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 11/8/2016.