Mã Trường

Mã Trường

Tin Tức Các Báo

Mở lối cho ngành khó tuyển

Cập nhật 24/12/2010 - 10:03:42 AM (GMT+7)
Trước tình trạng nhiều ngành trọng điểm khan hiếm thí sinh, ĐH Quốc gia TPHCM dự kiến sẽ áp dụng nhiều phương án nhằm ổn định tuyển sinh cho các trường thành viên
Ông Nguyễn Đức Nghĩa, Phó Giám đốc ĐH Quốc gia TPHCM, cho biết trong tuyển sinh năm 2011, ĐH Quốc gia TPHCM khuyến khích các trường thành viên cho thí sinh đăng ký thêm ngành và xét tuyển ngay trong trường (gọi là nguyện vọng 1B). Những thí sinh đăng ký thi vào một ngành của trường nhưng không đạt kết quả sẽ được xét nguyện vọng vào một ngành khác có điểm chuẩn thấp hơn cùng trường.
 
Chuyển ngành tương đương
 
“Phương án này phải dựa trên nguyện vọng của thí sinh. Nếu thí sinh không đồng ý chọn ngành khác của trường thì sẽ được cấp phiếu điểm để đăng ký xét tuyển vào trường khác. Việc khuyến khích nguyện vọng 1B là để hướng vào các ngành khó tuyển, tạo ổn định tuyển sinh cho các trường thành viên” - ông Nghĩa giải thích thêm.
 
Mới đây, khi thông tin về tuyển sinh năm 2011, Trường ĐH Bách khoa TPHCM cho biết dự kiến sẽ cho phép thí sinh được tham gia xét tuyển thêm ngành với nguyện vọng 1B.
 
Tương tự, Trường ĐH Kinh tế - Luật TPHCM cũng dự kiến cho phép thí sinh chuyển ngành tương đương khi thi không đạt vào ngành có điểm chuẩn cao hơn. Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM đã mạnh dạn áp dụng phương án này từ năm 2009 và dự kiến vẫn tiếp tục vào năm nay.
 
Ông Đỗ Văn Dũng, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, cho biết những thí sinh thi không đạt vào một ngành nào đó của trường thì sẽ được phép đăng ký vào ngành tương đương với điểm chuẩn thấp hơn, ngay trong trường.
 
Tuyển thẳng học sinh năng khiếu
 
Theo ông Nguyễn Đức Nghĩa, số liệu thống kê nhiều năm cho thấy học sinh trường chuyên có điểm bình quân 3 môn thi ở kỳ thi ĐH khá cao. Vì thế, để giảm tải cho kỳ thi, ĐH Quốc gia TPHCM đang xem xét thí điểm xét tuyển thẳng học sinh Trường THPT Năng khiếu (ĐH Quốc gia TPHCM) vào các trường thành viên.
 
“Việc xét tuyển thẳng học sinh giỏi quốc gia cũng nên tái lập, tránh bỏ sót nhân tài. Đây cũng là phương án để những ngành khó tuyển nhưng đòi hỏi học sinh năng khiếu như toán, lý, song ngữ Nga - Anh... chọn được thí sinh chất lượng” - ông Nghĩa nói.
 
Tốt nghiệp cùng lúc 2 bằng
Để duy trì những ngành trọng điểm nhưng khan hiếm thí sinh, nhiều trường cho phép thí sinh khi tốt nghiệp được lấy 2 bằng. Ngành song ngữ Nga - Anh của Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM và Trường ĐH Sư phạm TPHCM sẽ cấp 2 bằng ĐH tiếng Nga và CĐ tiếng Anh. Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM cho phép nhận 2 bằng sư phạm và kỹ sư ở 10/26 ngành của trường.
Ngoài hai phương án cho phép thí sinh chuyển ngành, xét tuyển thẳng học sinh năng khiếu, học sinh giỏi quốc gia, ĐH Quốc gia TPHCM cũng khuyến khích tuyển sinh theo điểm sàn chung cho nhóm ngành ở các trường thành viên. Qua đó, ngành khó tuyển sẽ tuyển được thí sinh ngay từ đầu. 
 
Nhiều ngành học mới
 
Để giải quyết tình trạng khan hiếm thí sinh ở một số ngành chuyên môn và ngành ngôn ngữ, nhiều trường ĐH tại TPHCM đã dự kiến tăng khối thi hoặc mở ngành mới.
 
Trường ĐH Sư phạm TPHCM dự kiến tăng khối thi một số ngành như: Ngữ văn (cả sư phạm và ngoài sư phạm, thi khối C và D1); tin học (cả sư phạm tin học và công nghệ thông tin, thi khối A, D1); tiếng Pháp (cả sư phạm và cử nhân, thi khối D1, D3); sư phạm song ngữ Nga - Anh, ngôn ngữ Nga - Anh (thi khối A, C, D); giáo dục đặc biệt (thi khối C, D1, M); trường cũng dự kiến mở ngành sư phạm tiếng Nhật, tâm lý giáo dục với 2 chuyên ngành giáo dục học (sư phạm) và tâm lý học giáo dục (ngoài sư phạm).
 
Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM đang có hướng chuyển ngành kỹ thuật nữ công sang nhà hàng - du lịch - khách sạn; Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM dự kiến mở ngành ngữ văn Ý; Trường ĐH Kinh tế - Luật TPHCM dự kiến mở ngành kinh doanh quốc tế; Trường ĐH Quốc tế TPHCM dự kiến mở ngành kỹ thuật xây dựng; Trường ĐH Giao thông Vận tải TPHCM dự kiến mở chuyên ngành kỹ thuật công trình ngoài khơi.

(Theo NLĐ)