Mã Trường

Mã Trường

Tin Tức Các Báo

Chữ lễ ngày nay

Cập nhật 15/11/2010 - 09:22:37 AM (GMT+7)
Khổng Tử có câu nói nổi tiếng “Tiên học lễ, hậu học văn”. Câu này đã làm nền tảng cho giáo dục nhiều nước Á Đông từ hàng ngàn năm nay. Thật là sai lầm khi nhiều người cho rằng với xã hội ngày nay, điều này không còn phù hợp nữa.
Trước hết, hãy xét trong mối tương quan “nhân, lễ, nghĩa, trí, tín” thì lễ được hiểu theo nghĩa hẹp giống như cách hiểu của Khổng Tử là “lễ giúp người ta nắm được quy tắc cư xử” (Luận ngữ). Ngày nay, khái niệm lễ được hiểu theo nghĩa rộng, không chỉ có phép tắc lễ nghi mà còn bao hàm cả đạo đức làm người. Nói cách khác, lễ và văn cũng giống như đức và tài.
 
Trong thực tế, có nhiều người chỉ lo luyện tài mà xem nhẹ đức. Lúc học phổ thông thì lo học giỏi để thi vào ĐH. Khi vào ĐH thì chỉ biết rèn chuyên môn, không quan tâm tới các hoạt động xã hội và cũng chẳng coi ai ra gì. Ra trường, ôm bằng cấp đi xin việc với dáng vẻ nghênh ngang. Đó là hậu quả của việc thừa văn thiếu lễ.
 

Một người có lễ thường có nhiều ưu thế trong xã hội. Họ kính trọng mọi người nên thường được xóm làng giúp đỡ, cấp dưới tín nhiệm, cấp trên thăng thưởng. Trong nhà trường, học sinh lễ phép thì được thầy cô ưu ái, ai cư xử hòa nhã với bạn bè thì được quý trọng. Đấy là cái lợi của việc văn và lễ hài hòa nhau.

Khổng Tử cho rằng nếu như ai cũng có bổn phận “kính trên nhường dưới” thì xã hội sẽ không loạn lạc, gia đình sẽ không bất hòa. Nhưng ông cũng nhấn mạnh mối quan hệ hai chiều giữa các thứ, bậc với nhau, trên thuận thì dưới mới hòa. Bởi vậy, ông kêu gọi mọi người cần phải chính danh. Nghĩa là vua cho ra vua, tôi cho ra tôi, cha cho ra cha, con cho ra con. Tất cả mọi người, bất kể tuổi tác, địa vị xã hội đều phải lo tự giáo dục mình suốt đời. Đó là “Khắc kỷ phục lễ vi nhân” (Khổng Tử).

 
Ở phương Tây không có Khổng giáo ngự trị nhưng không phải là người ta không biết lễ. Cái lễ của họ được xây dựng trên cơ sở tôn trọng quyền cá nhân của mỗi con người. Đó là phép lịch sự trong quan hệ xã hội. trẻ em cũng có quyền đòi hỏi được người lớn tôn trọng. Học sinh tranh luận, chất vấn thầy giáo không bị xem là vô lễ. Một thầy giáo hiện đại là người biết “lấy học sinh làm trung tâm”. Mọi thành phần xã hội đều đối xử bình đẳng nhau theo đúng những phép tắc được quy định trong pháp luật. Tôn trọng luật pháp tức là tôn trọng chữ lễ.
 

Trong xu thế hội nhập hiện nay, một mặt, chúng ta cần tiếp thu các yếu tố tiến bộ của nước ngoài; mặt khác cần tiếp tục phát huy có cải biến những yếu tố truyền thống nào thích hợp với thời đại mới. Lễ nghi của thời đại công nghiệp hóa không rườm rà, khắt khe như thời phong kiến, bởi vậy, ta không nhất thiết phải bê cả bộ kinh lễ của Khổng Tử ra ứng dụng. Để tiếp tục vận dụng câu nói “Tiên học lễ, hậu học văn”, người ta đã mở rộng nội hàm của chữ lễ, dùng nó để chỉ đạo đức nói chung. Thời nào cũng vậy, việc rèn luyện đạo đức trong trường học là rất quan trọng. Không phải ngẫu nhiên mà Trung ương Đoàn đã đề ra phương châm phấn đấu cho thanh niên: “Rèn đức, luyện tài, lập nghiệp, giữ nước”. Chữ đức (tức là lễ) vẫn là yếu tố đầu tiên trong rèn luyện con người.

(Theo NLĐ)