Mã Trường

Mã Trường
photo-236

Tin Tức Các Báo

Luật Giáo dục đại học - Không vội thông qua

Cập nhật 10/11/2011 - 10:50:33 AM (GMT+7)
Chính phủ đã trình Quốc hội dự Luật Giáo dục đại học (GDĐH). Đây là dự luật mà xã hội đặc biệt quan tâm gắn liền với nhiều bức xúc hiện nay của GDĐH. Tuy nhiên, không ít đại biểu cho rằng tờ trình của Chính phủ chưa thực sự thuyết phục. Ngày 14-11, Quốc hội sẽ thảo luận về luật này. Phóng viên Báo SGGP đã có trao đổi với ông Lê Văn Học, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, về vấn đề này.

- Phóng viên: Thưa ông, là người am hiểu về GDĐH vì đã có hơn 11 năm làm hiệu trưởng, phó hiệu trưởng Trường ĐH GTVT Hà Nội, ông có ý kiến gì về dự luật này?

- Ông LÊ VĂN HỌC: Dự luật này đã được chỉnh sửa rất nhiều sau góp ý. Luật ra đời là cần thiết vì hiện đã có hơn 400 trường ĐH-CĐ, lâu nay hoạt động không có hành lang pháp lý nào nên rất thiệt thòi. Luật ra đời sẽ tạo động lực để chuyển biến chất lượng GDĐH hiện nay. Nhưng các trường họ đang tự hỏi sau khi luật ra đời, bản thân họ cũng như người học được hưởng điều gì. Tôi cho rằng, luật chưa làm rõ được những đòi hỏi bức thiết hiện nay, đặc biệt là tự chủ ĐH gắn với trách nhiệm xã hội của trường.

- Luật đã nói khá rõ về vấn đề giao quyền tự chủ cho các trường, theo đó chất lượng tới đâu sẽ giao tự chủ tới đó?

- Đương nhiên tự chủ thì phải tự chịu trách nhiệm. Nhưng điều đó phải được thể hiện rõ ra trong luật không chỉ bằng nội dung mà cả lộ trình thực hiện. Nếu không có lộ trình cụ thể về giao tự chủ cho các trường thì có thể chúng ta phải chờ 1 năm sau mới có nghị định, rồi thêm từng đó thời gian để có thông tư, nếu thế thì gần hết Quốc hội kỳ này các trường cũng chưa nhìn thấy những gì mà luật này có.

Chính phủ trình 3 vấn đề quan trọng bắt buộc các trường phải có để được giao tự chủ, đó là vị trí chức năng của trường (trường quốc gia, vùng, trọng điểm sẽ được ưu tiên); uy tín về mặt quản lý của trường đó (chưa sai phạm trong tuyển sinh, trong hoạt động đào tạo); căn cứ kết quả kiểm định chất lượng. 2 cái trên thì rõ rồi. Nhưng về căn cứ kiểm định tôi cho là rất khó thực hiện, vì hiện nay Việt Nam chưa có cơ quan kiểm định chất lượng, thậm chí tiêu chí cũng chưa có. Sẽ phải mất hàng chục năm mới kiểm định xong tất cả các trường ĐH-CĐ hiện nay. Bây giờ, Bộ GD-ĐT phải định ra tiêu chí kiểm định khả thi, sát với điều kiện Việt Nam. Chứ như hiện nay, chúng ta đã kiểm định xong 20 trường ĐH nhưng không dám công bố kết quả vì không có trường nào đạt yêu cầu, vì tiêu chí cao quá. Không thể bê tiêu chí của nước ngoài về thực hiện, cần phải thảo luận rộng rãi, thậm chí phải khảo sát, rất mất thời gian. Vì thế luật cần phải đề ra lộ trình cụ thể, chứ không thể chỉ nói chung chung là sẽ có lộ trình giao tự chủ.

- Còn về vấn đề hội đồng trường (HĐT) thưa ông?

- Tự chủ phải gắn với cơ quan giám sát. Không được giao tự chủ cho hiệu trưởng, tức là phải giao cho HĐT. Phải có HĐT mới giao tự chủ là đúng. Nhưng tôi không đồng ý với thuyết minh của Chính phủ khi đề nghị chủ tịch HĐT là hiệu trưởng. Không nên quy định chủ tịch HĐT là hiệu trưởng. Chủ tịch HĐT phải được bầu công khai. Nếu như dự thảo, ông hiệu trưởng vừa là bí thư Đảng vừa là chủ tịch HĐT thì chắc chắn có độc đoán. Hiệu trưởng Trường ĐH Quy Nhơn cũng đã từng đi tù vì độc đoán. Hiệu trưởng cũng không nên làm chức này dù được bầu. Một hiệu trưởng làm việc khách quan thì cần gì làm chức này. Ở doanh nghiệp nhà nước cũng không cho phép chủ tịch tập đoàn kiêm tổng giám đốc. Bài học từ Vinashin là quá rõ rồi. Các đại biểu chắc chắn sẽ có ý kiến về điều này.

- Theo ông, bức xúc nhất hiện nay của các trường ĐH-CĐ là gì?

- Là tuyển sinh. “3 chung” đã hết vai trò. Những quy định tuyển sinh hiện nay mà bộ đặt ra đều bị các trường qua mặt. Đơn cử quy định điểm chuẩn nguyện vọng sau phải cao hơn nguyện vọng trước, nhưng thực tế điểm chuẩn của cả 3 nguyện vọng nhiều trường bằng nhau. Kiểu đó là hòa cả làng. Tất nhiên, quyền được học ĐH-CĐ là chính đáng, nhưng thích học trường nào thì đăng ký trường đó thôi, tại sao lại được đăng ký 2 - 3 nguyện vọng, rồi thi nhiều trường trong khi hoàn cảnh đất nước còn khó khăn. Không nên tuyển sinh theo kiểu cho thí sinh được thi sau đó điểm thỏa mãn trường nào thì học trường đó. Kiểu tuyển sinh này đã hết vai trò lịch sử của nó. Từ năm 2002 trở về trước, các trường đều tự thi thì có làm sao đâu.

- Bộ GD-ĐT không muốn giao cho từng trường tự tổ chức thi vì loạn luyện thi, thí sinh thi một lúc nhiều trường rất lãng phí?

- Luyện thi giao cho các trường và chính quyền địa phương kiểm soát, chứ bộ làm sao kiểm soát hết được. Còn để hạn chế việc thí sinh thi nhiều trường thì tổ chức cho các trường cùng khối thi một ngày, chấp nhận một số thí sinh thi cả khối B, A. Chính vì thi “3 chung” như hiện nay mới khiến cho thí sinh miền Bắc phải nhảy vào Nam học nhiều, vì điểm chuẩn trong Nam bao giờ cũng thấp hơn.

Bức xúc nhất của các trường hiện nay là việc được tự định chỉ tiêu tuyển sinh phù hợp với năng lực của họ. Bộ GD-ĐT hiện nay đưa ra tiêu chí xác định chỉ tiêu dựa trên số giảng viên và diện tích sàn. Bộ có đo được diện tích sàn của trường không? Khó, nên cứ đề ra vậy thôi, tính khả thi thấp. Thế nên mới có chuyện có trường yếu kém nhưng được giao hàng ngàn chỉ tiêu. Bộ là người quyết định giao chỉ tiêu cho các trường nên bộ phải chịu trách nhiệm trong chuyện này chứ không phải trường. Để kiểm tra đội ngũ cơ hữu, không khó vì chỉ cần kiểm tra bảng đóng bảo hiểm xã hội mà trường nộp cho giáo viên, trường kê khai khống hay không sẽ biết ngay. Còn lớp học, chỉ cần yêu cầu chấm dứt tình trạng thuê mướn 5 - 7 địa điểm như hiện nay. Tôi cho là tự các trường sẽ phải phấn đấu vươn lên. Người học bây giờ họ cũng đã nhận thức khác, không phải học cho vui.

- Đã có nhiều ý kiến đề nghị chưa nên vội thông qua luật này?

- Hiếm có cơ hội để Quốc hội xem xét một luật chuyên ngành như thế, vì vậy nên hoàn thiện thêm để Quốc hội thông qua. Nếu lần này Quốc hội thảo luận cho phép hoàn thiện để thông qua tại kỳ họp sau, thì Chính phủ cần kèm theo dự thảo nghị định thi hành để luật có tác dụng ngay. Còn nếu không thỏa mãn những bức xúc đặt ra hiện nay của GDĐH thì chưa nên vội vàng. Luật phải tạo động lực cho các trường, chứ vẫn cứ xin - cho như hiện nay thì không bao giờ tạo được động lực.


(Theo SGGP)

Giới Thiệu STU
Tin Nổi Bật