Mã Trường

Mã Trường
photo-236

Tin Tức Các Báo

Giảm tuyển sinh không chính quy từ năm 2012

Cập nhật 31/10/2011 - 10:30:58 AM (GMT+7)
Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Bùi Văn Ga khẳng định, mùa tuyển sinh năm 2012 sẽ tiếp tục giảm chỉ tiêu không chính quy và trung cấp chuyên nghiệp trong các đại học, cao đẳng.

Sáng 29/10, hội nghị trực tuyến sơ kết 1,5 năm thực hiện Chỉ thị số 296/CT-TTG của Thủ tướng và tổng kết năm học 2010-2011 khối các trường đại học, cao đẳng được tổ chức tại 7 điểm cầu Hà Nội, Thái Nguyên, Vinh, Đà Nẵng, TP HCM, Đăk Lăk và Cần Thơ. Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết, chỉ thị số 296 của Thủ tướng về đổi mới quản lý giáo dục đại học giai đoạn 2010-2012 đã triển khai kịp thời, tích cực và có hiệu quả. Kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy diễn ra trật tự, an toàn và đúng quy chế.

Theo Thứ trưởng, tiếp tục cải tiến thi cử theo hướng gọn nhẹ, năm 2012, kỳ thi đại học, cao đẳng cơ bản vẫn giữ ổn định theo giải pháp “3 chung” nhưng sẽ được những điều chỉnh, bổ sung một cách hợp lý theo hướng mở rộng khối thi, điều chỉnh phương thức tuyển sinh với các ngành năng khiếu, thêm chính sách với học sinh giỏi quốc gia...

"Năm tới sẽ giảm chỉ tiêu tuyển sinh không chính quy, giảm dần chỉ tiêu tuyển sinh cung cấp chuyên nghiệp trong các trường đại học, cao đẳng. Đồng thời, tăng cường các điều kiện bảo đảm chất lượng để từng bước nâng cao chất lượng đào tạo chính quy", Thứ trưởng cho hay.

Một trong những nhiệm vụ quan trọng của năm học tới là tổ chức quản lý chặt chẽ quá trình đào tạo, đặc biệt tăng cường công tác quản lý giảng dạy, quản lý học tập, siết chặt quy chế thi, kiểm tra và đánh giá, xây dựng ngân hàng câu hỏi thi để tách khâu dạy và khâu thi.

Phát biểu tại hội nghị, ông Đặng Kim Vui (Hiệu trưởng ĐH Thái Nguyên) cho rằng Bộ cần kiểm tra, đánh giá để đảm bảo công khai minh bạch, tránh tình trạng một giáo sư có thể đăng ký giảng dạy ở nhiều trường, vừa là con số ảo, vừa không đảm bảo chất lượng.

Nhiều đại biểu góp ý, Bộ cần sớm hoàn thành luật giáo dục đại học để các trường lấy đó làm căn cứ phát triển. Phó hiệu trưởng ĐH An Giang Võ Văn Thắng bày tỏ, trong thời gian qua việc đổi mới giáo dục còn nhiều lúng túng và chưa hiệu quả. Ông cho rằng cần phải xác định rõ giáo dục có nên phát triển theo cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước khi tiến hành xã hội hóa giáo dục hay không. Nếu có thì phải được quy định rõ ràng trong luật giáo dục.

"Bộ cũng cần hướng đến việc xây dựng tính tự chủ cho các trường, tăng cường sự quản lý của Bộ thông qua các chế tài. Việc tổng kết quá trình hoạt động cũng không để đó mà phải xử lý những nơi làm chưa tốt, vi phạm quy chế", ông Thắng đề nghị.

Tham dự hội nghị, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Nguyễn Đắc Vinh đồng ý với đóng góp Bộ Giáo dục cần sớm hoàn thiện luật giáo dục đại học. Anh cũng cho rằng, Bộ nên tăng cường kiểm định chất lượng giáo dục và có chế tài với những trường không đảm bảo chất lượng.

"Hiện nay, nhưng vấn đề nghiêm túc trong thi cử đang "nóng". Thi không tốt, điểm đầu vào thấp, tìm mọi cách hút thí sinh thì chất lượng không thể đảm bảo", anh Vinh nói.

Phát biểu chỉ đạo, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, không thể để cho giáo dục đại học phát triển theo cơ chế thị trường bởi đại học không phải là doanh nghiệp. Nếu nói về sự chi phối thì quy luật sư phạm có ảnh hưởng đầu tiên đến giáo dục đại học. Đó là trung thực, kỷ cương và đổi mới phải bám vào đơn vị sư phạm trong đó người thầy phải là tấm gương về đạo đức, sáng tạo.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, trong thời gian tới, các đại học, cao đẳng phải công khai chất lượng đào tạo để xã hội giám sát, lựa chọn. Quyền tự chủ sẽ dần được giao cho các trường, tuy nhiên phải theo các chuẩn mực nhất định.

"Chỉ tiêu tuyển sinh sẽ giảm vì nhu cầu quốc gia sẽ được chuyển sang nhu cầu của từng trường. Chỉ tiêu tuyển phải bám vào nhu cầu ngành nghề, đảm bảo đào tạo ra phải có việc làm", Phó Thủ tướng nói. Ông nhấn mạnh, hội đồng trường sẽ được thành lập, phát huy cơ chế giám sát từ bên trong nhà trường, đảm bảo công khai, minh bạch và hiệu quả.

(Theo VnExpress)


Giới Thiệu STU
Tin Nổi Bật