Mã Trường

Mã Trường
photo-236

Tin Tức Các Báo

Tạo động lực để khuyến khích nghiên cứu khoa học

Cập nhật 15/01/2011 - 10:06:34 AM (GMT+7)
Trong đào tạo đại học, giảng dạy và nghiên cứu khoa học (NCKH) là hai nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Nhưng thực tế hiện nay, giảng viên các trường đại học chỉ chú trọng giảng dạy mà chưa chú trọng NCKH hoặc có nghiên cứu nhưng chưa cụ thể...

Theo PGS, TS Tạ Ðức Thịnh, Vụ trưởng Khoa học Công nghệ và Môi trường, Bộ Giáo dục và Ðào tạo (GD và ÐT): Từ năm 2006 - 2009, các cơ sở giáo dục đại học trực thuộc Bộ GD và ÐT được đầu tư kinh phí từ nguồn ngân sách sự nghiệp KH và CN tăng trung bình 8%/năm (trong đó kinh phí đầu tư cho các nhiệm vụ KH và CN cấp Nhà nước tăng trung bình 25%). Theo con số thống kê của 34 trường đại học trên cả nước, từ năm 2006-2009 có 248 đề tài cấp Nhà nước, cấp bộ và cơ sở với tổng kinh phí thực hiện là hơn 136 tỷ đồng. Tuy nhiên, chỉ có 28,4% số giảng viên tham gia hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, trong đó, bình quân tỷ lệ giảng viên tham gia NCKH ở nhiệm vụ cấp Nhà nước chỉ chiếm từ 0,55% đến 4,6% số giảng viên của trường...

Tại Trường đại học Nông - Lâm TP Hồ Chí Minh có đội ngũ giảng viên hơn 650 người, trong đó đội ngũ cán bộ Khoa học và Công nghệ (KH và CN) tuyển mới từ năm 2007-2009 là 158 người. Tuy nhiên, theo PGS, TS Bùi Văn Miên, tỷ lệ giảng viên tham gia NCKH của trường còn chưa đạt quy định theo nhiệm vụ. Nhiều giảng viên thích đi dạy hơn NCKH, vì nếu dạy chính khóa ở trường cao nhất là 50 nghìn đồng/giờ, trong khi nhiều trường ngoài công lập trả 80 đến 120 nghìn đồng/giờ. Một thực tế khác là, chỉ những giảng viên có điều kiện và định hướng làm hồ sơ GS, PGS thì mới 'ham' NCKH. Còn ở Trường đại học Khoa học (Ðại học Huế) thì trong giới khoa học tồn tại một tình trạng 'thương mại hóa' NCKH mà người làm NCKH chạy theo đơn đặt  hàng, theo thị trường mà các đề tài thiếu chuyên sâu, nông cạn, thiếu hiệu quả.

Một trong những nguyên nhân khiến giảng viên còn 'thờ ơ' với nhiệm vụ NCKH do quy mô đào tạo của các trường đại học tăng lên quá cao, cho nên phần lớn giảng viên bị quá tải giờ giảng, thời gian dành cho NCKH không nhiều. Mặt khác, chất lượng đội ngũ cán bộ khoa học chưa đồng đều, thiếu chuyên gia đầu đàn trong nhiều lĩnh vực và chưa đủ sức đảm nhiệm các nhiệm vụ nghiên cứu có tầm cỡ quốc tế... Một số chuyên gia giáo dục cho rằng, nguồn thu nhập chính yếu của các giảng viên đại học hiện chủ yếu đến từ việc giảng dạy. NCKH vừa tốn nhiều thời gian, công sức, trong khi thu nhập lại ít ỏi. Nhiều giảng viên dạy vượt từ 200% đến 300% số giờ quy định và đi dạy thêm ở trường tư, cho nên 'quên' NCKH là điều dễ hiểu.

Ðáng chú ý, theo TS Lê Thị Tuyết Hạnh (Học viện Quản lý giáo dục), nhiệm vụ NCKH hiện còn tình trạng 'chỗ thiếu vẫn thiếu, chỗ thừa vẫn thừa'. Tại Ðại  học Quốc gia Hà Nội, một số năm gần đây vẫn phải hoàn lại từ hàng trăm triệu đến hàng tỷ đồng kinh phí NCKH vì không có người đăng ký đề tài hoặc đề tài NCKH không đạt yêu cầu. Mặt khác, các đề tài NCKH thường được phân bổ từ trên xuống dưới theo hình thức đổ đồng cho các đơn vị. Việc ấn định, đăng ký trước đề tài hằng năm và thời hạn hoàn thành đề tài theo hình thức quản lý khoa học trong truyền thống cũng dẫn đến căn bệnh 'thành tích' và có nhiều đề tài NCKH kém chất lượng. Theo PGS, TS Nguyễn Mạnh Quân (Trường đại học Kinh tế quốc dân), trong mười năm qua, trung bình mỗi GS, PGS nước ta chỉ công bố được 0,58 bài báo khoa học. Ở một khía cạnh khác, 'rào cản' NCKH ở giảng viên đại học hiện nay là thủ tục hồ sơ xin tài trợ NCKH  quá rườm rà, mất nhiều thời gian và công sức. Nhất là đối với những dự án cấp Nhà nước, hồ sơ phải có chín loại giấy tờ khác nhau và ba phụ lục gồm nhiều chi tiết, lặp đi, lặp lại. Ðể hoàn tất hồ sơ phải cung cấp nhiều chi tiết cùng với việc xin chữ ký của ba vụ thuộc hai Bộ là Bộ GD và ÐT, Bộ KH và CN.

Thực tế việc đào tạo ở các trường đại học đã đặt ra yêu cầu cần có những giải pháp hữu hiệu kích thích giảng viên tham gia NCKH. Tại Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Ðại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh), có quy mô đào tạo hơn 32 nghìn sinh viên, học viên với đội ngũ giảng viên gồm 29 GS, PGS và 137 TSKH và TS. Trao đổi kinh nghiệm về việc khuyến khích giảng viên tham gia nghiên cứu khoa học, TS Trần Hoàng Hảo, Phó Trưởng phòng sau đại học và NCKH cho biết: Trường đã ban hành nhiều cơ chế nhằm tăng cường NCKH trong đội ngũ giảng viên như: Giảng viên có ít nhất 30% định mức thời gian làm việc theo chức danh cho hoạt động NCKH. Quỹ thời gian hoạt động NCKH được quy đổi ra giờ chuẩn. Giảng viên sau hai năm không tham gia đủ 30% định mức thời gian NCKH thì không được hướng dẫn thạc sĩ và nghiên cứu sinh. Nếu có bài báo đăng trên tạp chí khoa học trong nước được nhà trường hỗ trợ hai triệu đồng; tạp chí chuyên ngành khoa học quốc tế ngoài việc hỗ trợ ba triệu đồng nhà trường còn thưởng thêm ba triệu đồng... Vì vậy, đề tài NCKH thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn được nhiều giảng viên tích cực tham gia như: Nghiên cứu những đặc điểm kinh tế - xã hội vùng trọng điểm phía nam; nghiên cứu vấn đề tâm sinh lý và những yếu tố ảnh hưởng đến sự hình thành nhân cách của lứa tuổi thanh, thiếu niên; vai trò đồng bào dân tộc Khmer ở đồng bằng sông Cửu Long; khảo sát hoạt động văn hóa dân gian của các dân tộc Việt, Hoa, Khmer...

Nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng, để kích thích giảng viên NCKH cần tạo cơ chế linh hoạt không máy móc, gò bó chỉ với hình thức đăng ký trước và hoàn thành theo thời hạn cố định, phân bổ đề tài, kinh phí theo lối 'bình quân' trong quản lý kinh phí, đề tài NCKH. Các trường đại học cần hình thành Hội đồng khoa học chuyên ngành nhằm đánh giá đúng điểm mạnh, điểm yếu của các đề tài NCKH. Không nên tồn tại các hội đồng khoa học bao gồm các nhà khoa học không cùng chuyên môn. Nhất là không nên có những hội đồng khoa học mà người có học vị thấp hơn lại chấm cho người học vị cao hơn và khác chuyên môn.

Hiện nay, cả nước có khoảng 61 nghìn giảng viên đại học, việc khuyến khích tất cả tham gia nghiên cứu khoa học là điều không thể và không nên vì việc đầu tư 'cào bằng' mười triệu đồng cho một nghiên cứu như hiện nay rõ ràng là tính toán thiếu thực tế. Theo TS Lê Thị Tuyết Hạnh, vấn đề không phải là rót nhiều kinh phí cho đề tài mà là quản lý, sử dụng như thế nào. Nếu phụ thuộc nhiều vào bản đăng ký đề tài chính thức và cách thức quản lý khoa học máy móc thì sẽ khó có được những ý tưởng, những đề tài đáng giá trong giảng viên đại học. Theo PGS, TS Tạ Ðức Thịnh, cần đổi mới và hoàn thiện quy trình xây dựng kế hoạch KH và CN, tạo môi trường thuận lợi để các nhà khoa học, giảng viên các trường đại học đề xuất nhiệm vụ NCKH. Công khai hóa các chương trình NCKH các cấp, tạo điều kiện để giảng viên có thể tiếp cận đến các đề tài nghiên cứu. Ðặc biệt, đề tài NCKH cần được xây dựng trên cơ sở đặt hàng từ phía tổ chức, cá nhân sử dụng và hưởng lợi kết quả của đề tài. Vì vậy, các trường đại học cần có sự phối hợp với các doanh nghiệp, tổ chức để có được những đề tài thực tiễn và có tính ứng dụng cao, phù hợp với thực tiễn nhu cầu xã hội trong xu thế hội nhập.

(Theo nhandan.com.vn)


Giới Thiệu STU
Tin Nổi Bật