Mã Trường

Mã Trường
photo-236

Tin Tức Các Báo

Bộ chưa giao quyền tự chủ tuyển sinh cho các trường!

Cập nhật 21/12/2010 - 08:56:43 AM (GMT+7)
(Dân trí) - Trước nhiều ý kiến dư luận về Bộ GD-ĐT giao quyền tự chủ tuyển sinh cho 6 trường ĐH trọng điểm, dự kiến sẽ thực hiện trong năm 2011, trả lời báo chí, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga khẳng định: Bộ chưa giao quyền tự chủ tuyển sinh cho các trường!

  Thông tin tự chủ tuyển sinh chỉ là hiểu nhầm!

Vừa qua, Bộ đã có chủ trương là giao quyền tự chủ cho một số trường đại học trọng điểm để thực hiện trong mùa tuyển sinh tới, sau khi có ý kiến từ phía các trường được giao quyền tự chủ, Bộ lại ra công văn là tuyển sinh 2011 vẫn giữ ổn định như năm trước. Vậy thực hư của thông tin này như thế nào thưa Thứ trưởng?

Thực hiện Nghị quyết của Quốc hội tiếp tục cải tiến công tác thi cử theo hướng gọn nhẹ, hiệu quả, thiết thực và Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về đổi mới quản lý giáo dục đại học giai đoạn 2010 - 2012, Bộ GD-ĐT đang nghiên cứu các giải pháp cải tiến công tác tuyển sinh ĐH, CĐ làm sao cho hiệu quả.

Hiện nay bước đầu Bộ GD-ĐT đang nghiên cứu và giao cho hai đại học quốc gia và một số đại học trọng điểm cùng với Bộ nghiên cứu giải pháp này nhưng mới là bước đầu chứ chưa có kết luận gì về phương thức tuyển sinh.

Thông tin giao quyền tự chủ cho 6 trường đại học, đó là hiểu nhầm hoàn toàn. Đây là Bộ giao cho hai ĐH Quốc gia và 4 ĐH trọng điểm để cùng Bộ nghiên cứu phương thức tuyển sinh chứ không phải giao tuyển sinh cho 6 trường đó. 6 trường xây dựng với 6 phương thức tuyển sinh khác nhau, Bộ sẽ xem xét phương án nào khả thi nhất và Bộ đưa ra thảo luận toàn xã hội, thảo luận những bên liên quan và sau đó chốt lại phương án như vậy cho những năm sau. Chứ không phải giao cho 6 trường thực hiện.


Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga.

Xin Thứ trưởng nói rõ hơn về phương thức tuyển sinh năm 2011?

Phương thức tuyển sinh năm 2011 cơ bản giống hình thức “3 chung” chúng ta làm mấy năm vừa qua. Cho tới nay hình thức “3 chung” có nhiều tiến bộ và được xã hội đồng tình. Chúng ta có thể thay đổi một số ít về kĩ thuật thôi, về cơ bản phương thức không có gì thay đổi.

Trong 6 trường mà Bộ dự kiến cho tự chủ tuyển sinh thì 4 trường nói sẽ chưa thực hiện được ngay và chỉ có 2 trường là đồng ý thực hiện trong 2011. Vậy với 2 trường mà họ tự tin là có đủ điều kiện như yêu cầu của Bộ, liệu Bộ có cho họ thực hiện tuyển sinh ngay trong năm tới không?

Trong 6 trường Bộ gợi ý giao quyền tự chủ tuyển sinh và cùng Bộ nghiên cứu giải pháp nâng cao chất lượng tuyển sinh. Tuy nhiên, để thực hiện được tự chủ tuyển sinh, Bộ yêu cầu 6 trường này phải đưa phương án của họ để Hội đồng của Bộ xem xét vì vấn đề này cần nghiên cứu một cách cẩn trọng, thật chi tiết mọi khía cạnh rồi mới công bố trước xã hội.

Việc cải tiến thi cử chỉ là một phần thôi còn chúng ta phải đổi mới nâng cao chất lượng dạy và học bậc phổ thông và ĐH, CĐ chứ không phải chúng ta đơn thuần nói về thi cử. Cải tiến thi cử phải đi kèm với việc cải thiện và nâng cao chất lượng dạy và học cho các cấp.

Tuy nhiên, phương án tuyển sinh các trường đưa lên chưa rõ ràng, chưa nêu nêu cụ thể các vấn đề cải tiến thi cử. Cải tiến thi cử làm sao cho các thí sinh không bị thiệt thòi và vẫn đảm bảo công bằng nhất. Vì vậy các việc liên quan đến vấn đề đề thi, thời điểm thi, các quy chế về xét tuyển thi riêng đó, Bộ yêu cầu phải có quy định rất ngặt nghèo, phải bàn rất cẩn trọng chứ không phải nói mà làm ngay được.

Nếu 6 trường này hoàn thành xong phương án được Bộ duyệt thì các trường có thể triển khai trong năm 2012 không?

Hiện nay các trường vẫn chưa hoàn thành các phương án cụ thể nên cũng không biết phương án của họ có thực hiện được hay không. Phương án ở đây không chỉ đơn thuần là anh ra đề thi, anh gọi thí sinh đến dự tuyển mà cần phải chú ý đến các vấn đề xã hội như dẹp bỏ được học thi, luyện thi tràn lan ở các trung tâm, vấn đề chuyển thí sinh từ trường này qua trường kia… Họ đưa lên, Bộ sẽ nghiên cứu nhưng không thể làm ngay được. Chỉ khi nào Bộ thực sự yên tâm với phương án đó thì mới có thể triển khai.

Đến giờ thì Bộ vẫn chưa thể yên tâm với phương án của một trường nào. Hội đồng tuyển sinh của Bộ sẽ có kiểm tra đánh giá tất cả các phương án các trường đưa lên. Không phải nói là giao cho các trường mà các trường ào ào làm được đâu.

Thưa Thứ trưởng vậy đến bao giờ các trường được thực hiện tự chủ tuyển sinh?

Theo Chỉ thị 296 của Thủ tướng Chính phủ là việc cải tiến quản lý đại học từ năm 2010-2012, trong khoảng này thì Bộ đang mong muốn có sự thay đổi về công tác quản lý, trao thêm quyền tự chủ cho các trường trong đó có quyền tự chủ về tuyển sinh và đào đạo.

Vậy tự chủ tuyển sinh có được triển khai đại trà không thưa Thứ trưởng?

Cái đó chưa thể khẳng định được bởi vì giao quyền tự chủ cho các trường không phải là đồng loạt mà những trường nào có đủ năng lực để quản lý mà Bộ cảm thấy yên tâm là quản lý tốt, làm thay công việc của Bộ thì mới giao. Chứ không phải giao đồng loạt các trường vì năng lực quản lý, đội ngũ, cơ sở vật chất, con người khác nhau, chúng ta không thể làm đồng loạt được.

Sẽ có cải tiến trong tuyển sinh 2011?

Nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng, giao quyền tự chủ tuyển sinh cho các trường sẽ làm nảy sinh tiêu cực như 10 năm trước, cụ thể là lò luyện thi nở rộ, học thêm, dạy thêm?

Đó là bài toán Bộ đặt ra cho các trường khi mà giao cho nghiên cứu đề án tự chủ tuyển sinh. Làm sao mà các trường ra đề thi, tổ chức tuyển sinh không gây chuyện gia tăng học thêm, dạy thêm như trước đây. Không có chuyện sinh viên khó khăn khi đi tìm thầy các trường đó. Cái đó, trường phải đảm bảo. Trường đưa lên phương án khả thi thì trường phải nói rõ giải pháp không lặp lại dạy thêm, học thêm. Đó là điểm rất khó khăn chứ không phải giao cho Bộ "phớt lờ" tất cả, Bộ phải nghiên cứu tất cả những chuyện đó, trường nào giải thích được tất cả các khâu, từ ra đề thi không lặp lại dạy thêm học thêm tràn lan, không trung tâm luyện thi trong trường, trường phải đề xuất trong phương án tuyển sinh của mình.

Bộ muốn làm công tác tuyển sinh có tổng thể và bài bản, chứ không sửa chỗ này một chút, chỗ kia một chút. Vì vậy, Bộ làm hết sức cẩn trọng.

Tất cả đang trong quá trình nghiên cứu, Bộ muốn thật tốt thì phải nghiên cứu hết sức bài bản và lâu dài, chi tiết, cụ thể từng nhóm trường một để họ đưa ra phương án. Có thể người này ra ý kiến này, người kia ra ý kiến kia nhưng đó không phải là ý kiến của Bộ. Ý kiến của Bộ là ý kiến cuối cùng khi xem xét tất cả các khía cạnh. Không chỉ một vài thông tin, trường này nói thế này thế kia làm học sinh hoang mang. Bộ làm cái gì chín chắn mới công bố ra. Tất cả những thông tin ảnh hưởng đến thí sinh Bộ luôn phát ngôn chính thống và công khai.

Liệu phương án tuyển sinh “3 chung” đã bộc lộ hạn chế cần phải thay đổi?

Hoàn toàn không phải như vậy. Phương án “3 chung” 10 năm nay đã được thực hiện và ngày càng thể hiện tính ưu điểm. Hiện tại xã hội cũng đã bắt đầu yên tâm với phương án tuyển sinh này, nó có rất nhiều lợi thế. Chúng ta đang ngày càng làm cho kỳ thi đại học trở nên đơn giản hơn vì vậy tôi nghĩ vẫn nên có một đề thi chung của Bộ cho các trường để xếp loại học sinh trên 1 nền kiến thức. Nếu để từng trường tự tổ chức tuyển sinh độc lập thì sẽ tạo ra rất nhiều các đợt tuyển sinh trong suốt mùa hè. Như hiện nay mới chỉ có 2 đợt tuyển sinh mà chúng ta đã “kêu trời” lên rồi mà nếu có nhiều đợt tuyển sinh thì sẽ như thế nào.

Sử dụng phương án “3 chung” cũng giảm tải cho các trường trong việc ra đề thi. Các trường cũng yên tâm với chất lượng đề thi của Bộ vì nó phủ kín được kiến thức phổ thông. Các trường có thể dùng kết quả đó để xét tuyển, chuyển trường cho thí sinh cũng rất thuận lợi.

Tuy nhiên có những hạn chế về kỹ thuật thì chúng ta cần cải tiến trong năm 2011 còn về nguyên tắc chung thì vẫn như nguyên như vậy.

Cho tới thời điểm này, Bộ vẫn chưa có chủ trương gì về vấn đề cải tiến tuyển sinh 2011. Vì vậy nên trong năm 2011 chúng ta vẫn cơ bản thi theo phương án tuyển sinh cũ.

Chủ trương ghép kỳ thi tốt nghiệp THPT và ĐH làm một và vấn đề giao cho các trường nghiên cứu trong phương án tuyển sinh thì có điều gì liên quan đến nhau thưa thứ trưởng?

Bài toán tuyển sinh là một bài toán tổng thể gồm rất nhiều phương án tuyển sinh khác nhau. Tất cả các mô hình tuyển sinh trên thế giới chúng ta đều có rồi, không có gì mới mẻ với chúng ta cả.

Phương án nhập các kỳ thi tốt nghiệp THPT vào kỳ thi ĐH, phương án “3 chung”, cũng chỉ là một trong những phương án tuyển sinh. Vấn đề là chúng ta phải chọn phương án nào phù hợp nhất. Khi chọn được phương án phù hợp nhất, Bộ sẽ đưa ra toàn thể xã hội để dư luận bàn bạc, góp ý kiến... Phương án được thống nhất phải là phương án đẹp nhất, tối ưu nhất. Phương án ấy không chỉ giải quyết một bài toán đơn thuần mà phải là một bài toán tổng thể. Vì vậy Bộ cần phải có một thời gian nghiên cứu, chuẩn bị hết sức kỹ càng.

Xin cám ơn Thứ trưởng!

(Theo Dân Trí)


Giới Thiệu STU
Tin Nổi Bật