Mã Trường

Mã Trường
photo-236

Tin Tức Các Báo

Mất cân đối ngành nghề: Đâu là lối thoát?

Cập nhật 15/12/2010 - 09:01:57 AM (GMT+7)
Sự mất cân đối trong lựa chọn ngành nghề của thí sinh càng được thể hiện một cách rõ nét trong những năm trở lại đây. Trong khi công tác hướng nghiệp còn yếu kém thì lời hứa xây dựng một trung tâm dự báo nguồn nhân lực quốc gia vẫn còn trên giấy.

Với việc 5 năm trở lại đây, nhóm ngành Kinh tế - Tài chính luôn được phần lớn thí sinh đầu đơn dự thi. Hệ quả của thực trạng đáng lo ngại trên là nguồn nhân lực nhóm ngành kinh tế đang dần về phía bão hòa, sinh viên ngành này khi ra trường để tìm được việc đúng với ngành học khó khăn hơn.

Trong khi đó, một số trường đào tạo nhóm ngành khoa học tự nhiên, xã hội, kỹ thuật… đã được nhiều doanh nghiệp chủ động đến “bắt tay”, đưa ra các điều kiện ưu đãi như tạo điều kiện cho sinh viên thực tập được hưởng lương. Thậm chí “đặt hàng” với số lượng lớn nhưng nhà trường không đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp do “khát” sinh viên.

Thực tế cho thấy, muốn giảm nghịch lý nói trên trước tiên là làm tốt công tác hướng nghiệp ở bậc phổ thông, đồng thời, các trung tâm dự báo nguồn nhân lực quốc gia, kết hợp với các bộ ngành để hoạch định kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực cho cả nước và từng vùng miền nên nhanh chóng được thành lập.

 

Hướng nghiệp trong nhà trường: Bất cập!

Theo đánh giá của giới chuyên môn thì người làm công tác hướng nghiệp tốt nhất đó chính là giáo viên ở trường. Mỗi trường THPT cần có một ban (hay ít nhất một giáo viên) chuyên trách hướng nghiệp cho học sinh (HS). Từ đó có thể thành lập một mạng lưới giáo viên làm công tác này tại các trường THPT để liên tục cập nhật, trao đổi, chia sẻ thông tin ngành nghề,… cũng như phối hợp cùng gia đình giúp HS có lựa chọn đúng đắn.

Song hiện nay công tác giáo dục hướng nghiệp (GDHN) trong nhà trường đang bị bỏ trống hoặc có cũng chỉ làm qua loa. Hầu hết các trường THPT hiện nay, mối quan hàng đầu là làm thế nào để HS học khá giỏi, chăm ngoan và đỗ tốt nghiệp ngày càng cao, còn chuyện sau tốt nghiệp THPT các em làm gì, học gì chưa được chú ý nhiều, và không phải trường nào cũng quan tâm đúng mức.

Trong khi đó, nhận thức của HS và cha mẹ HS về việc chọn nghề còn rất phiến diện. Tâm lý chọn nghề nói chung của HS mang tính may rủi, thiếu thông tin chọn nghề theo sự áp đặt của người lớn, theo thời thượng, chọn nghề ở bậc đại học, chọn các nghề “hot”, nghề dễ kiếm tiền... mà quên mất một điều: không biết các ngành nghề đã chọn có phù hợp với năng lực, hứng thú, điều kiện bản thân hay không.

Nhiều lãnh đạo ở các trường THPT đều cho rằng, từ nhận thức về chương trình GDHN còn “mờ nhạt” nên dẫn đến phương pháp tổ chức các hoạt động GDHN thiếu tính sáng tạo thậm chí còn bị hiểu sai lệch. Chẳng hạn như, ở các trường THPT chỉ khi đến kỳ học sinh chuẩn bị làm hồ sơ thi vào các trường chuyên nghiệp, các trường mới công bố các thông tin hướng nghiệp trên báo chí, trên Internet ở bảng thông báo để học sinh tham khảo, sau đó hướng dẫn các em ghi hồ sơ tuyển sinh, và cho đó là cách làm của tư vấn hướng nghiệp.

 

Đâu là giải pháp?

Mục đích cuối cùng của tư vấn hướng nghiệp là giúp HS nhận thức được một người không chỉ phù hợp với một nghề mà phù hợp với một nhóm nghề. Để làm được điều này thì mỗi giáo viên chủ nhiệm phải hình thành được các kỹ năng tự hướng nghiệp cho HS và hướng dẫn các em tự hướng nghiệp cho chính mình.

Hiện nay chúng ta chưa có trường ĐH, CĐ nào đào tạo giáo viên về công tác hướng nghiệp, cho nên đây là công tác kiêm nhiệm của các thầy cô giáo, đặc biệt là đội ngũ giáo viên chủ nhiệm. Chính vì thế để làm tốt được công tác này đòi hỏi các giáo viên phải tự học để trang bị cho mình các tri thức và kỹ năng hướng nghiệp như kỹ năng trò chuyện, kỹ năng thấu cảm, kỹ năng xử lý tình huống, kỹ năng quyết định vấn đề... để đưa ra lời khuyên hợp lý.

Công tác tư vấn hướng nghiệp liên quan đến khá nhiều vấn đề tâm sinh lý học sinh, cho nên người làm công tác tư vấn hướng nghiệp phải trang bị cho mình các kiến thức về tâm lý học lứa tuổi và các phẩm chất cơ bản của một nhà tâm lý. Tính cách phải cởi mở, thân mật, biết quan tâm đến người khác, đam mê với công việc… kết hợp với các phẩm chất sư phạm vốn có của một nhà giáo. Ngoài ra, giáo viên hướng cần phải dẫn HS quy trình tự hướng nghiệp, các kỹ năng chẩn đoán xu hướng, khí chất, tính cách, năng lực nghề của HS; hướng dẫn HS thu thập và xử lý thông tin về yêu cầu của nghề, về thị trường lao động ...

Bên cạnh đó, với sự phát triển của Internet, bản thân HS phải là những người chủ động tìm hiểu các thông tin hướng nghiệp từ các trường ĐH, CĐ. Tuy nhiên để có định hướng đúng thì bản thân các trường ĐH, CĐ phải xây dựng những thông tin ngành nghề một cách chi tiết mà trong đó yếu tố để học tốt ngành đào tạo cần phải được chú trọng.

Hướng nghiệp là một bài toán không quá khó nhưng nếu không có sự đầu tư và quan tâm đúng mức thì chắc chắn việc mất cân đối ngành nghề khó có thể được giải quyết. Nếu sự chênh lệnh này vẫn tiếp tục diễn ra thì nguy cơ “khủng hoảng” nguồn nhân lực trong tương lai là điều khó tránh khỏi.

(Theo Dân Trí)


Giới Thiệu STU
Tin Nổi Bật