Mã Trường

Mã Trường
photo-236

Tin Tức Các Báo

Công nghiệp phần mềm của Việt Nam: Tụt hậu!

Cập nhật 04/11/2010 - 11:19:18 AM (GMT+7)
Có quá nhiều mục tiêu của công nghiệp phần mềm (CNPM) Việt Nam khó đạt được trong năm 2010 này; thậm chí còn có nguy cơ tụt hậu xa.

Mục tiêu xa vời

Từ lâu, CNPM được VN xác định như một mũi nhọn chiến lược trong phát triển kinh tế - xã hội. Chính vì thế, VN đầu tư nhiều và kỳ vọng lớn lao vào mũi nhọn này. Theo đó, mục tiêu là đến năm 2010, CNPM đạt được các mục tiêu cơ bản sau: Tốc độ tăng trưởng trung bình đạt khoảng 35% - 40%/năm; tổng doanh thu từ PM và dịch vụ PM đạt trên 800 triệu USD/năm; tổng số nhân lực phát triển PM và dịch vụ PM đạt khoảng 55.000 đến 60.000 người; xây dựng được trên 10 DN PM có quy mô nhân lực trên 1.000 người và 200 DN PM có quy mô nhân lực trên 100 người; thuộc nhóm các nước dẫn đầu về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài trong lĩnh vực PM...

Trên thực tế, năm 2009 ngành CNPM của VN đã được cho là đạt mốc doanh thu hơn 800 triệu USD - tức là sớm hơn 1 năm so với kế hoạch. Thế nhưng, hầu hết các mục tiêu còn lại đều chưa đạt. Cá biệt, theo khảo sát của Hiệp hội PM VN (Vinasa) mới đây thì có tới 40% trong tổng số 145 DN được hỏi không biết đến chương trình lớn của ngành là Chương trình phát triển CNPM VN đến năm 2010.

Theo các chuyên gia, một trong những nguyên nhân là chính sách phát triển CNPM còn rất hạn chế, nhiều chính sách, dự án triển khai quá chậm, đặc biệt là có sự chồng chéo. Trong khi đó, đại diện DNPM thì cho rằng cùng với sự chậm trễ, chồng chéo này thì ngay cả những dự án và chính sách nhằm thúc đẩy phát triển CNTT đã được ban hành, nhưng DNPM hầu như chưa được thụ hưởng gì. Đặc biệt, các mục tiêu nhân lực và đào tạo nhân lực, mục tiêu thu hút đầu tư... là bất khả thi. Thậm chí ngay cả đến tận bây giờ, VN vẫn thiếu quy hoạch và tính khả thi cho việc đào tạo nhân lực CNPM theo chuẩn quốc tế.

Kỳ vọng và tiếp tục... kỳ vọng?

Trong năm 2010 này, VN sẽ tổng kết việc 10 năm thực hiện Chỉ thị 58 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh ứng dụng và phát triển CNTT phục vụ sự nghiệp CNH-HĐH đất nước. Đặc biệt, Chính phủ cũng đã phê duyệt Đề án “Đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về CNTT và truyền thông” (đề án). Có thể nói, một số mục tiêu của Chỉ thị 58 đến nay là khó đạt được. Trong khi đó, các mục tiêu của đề án vẫn tiếp tục chỉ là kỳ vọng.

Một trong những rào cản mà mục tiêu về CNPM khó đạt được là do “thừa quyết tâm nhưng thiếu thực thi”. Theo ông Nguyễn Hữu Lệ - đại diện DNPM - thì nhiều chiến lược 5 - 10 năm đề ra, nhưng không có kế hoạch thực hiện cụ thể, thiếu giám sát và thiếu cơ quan chịu trách nhiệm.

Chính vì thế đến nay, ít có chiến lược nào thành công. Ví dụ điển hình là hàng loạt dự án, vay vốn hàng trăm triệu USD của WB đến nay vẫn chậm triển khai, hay như kế hoạch hỗ trợ các DN áp dụng quy trình quản lý chất lượng theo các chuẩn quốc tế CMMI, CMM, ISO mãi đến tháng 4.2010 mới manh nha thực hiện.

Đại diện các DN cho rằng, cơ quan quản lý cần lắng nghe tiếng nói DN, bởi DN là lực lượng chính góp phần cho thành công của chiến lược, chính sách. Đặc biệt, DN cần tham gia ngay từ đầu trong các trụ cột phát triển chính sách, nhân lực và đào tạo nhân lực, đầu tư phát triển hạ tầng và sản xuất, kinh doanh sản phẩm. Theo chỉ đạo của Bộ TTTT, trong thời gian tới sẽ xây dựng và triển khai dự án nâng cao năng lực hoạt động và sức cạnh tranh cho các DNPM, xây dựng và triển khai dự án hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực bậc cao cho các DN này. Ngoài ra, Viện CNPM và nội dung số sẽ phải xây dựng, triển khai dự án phát triển một số sản phẩm PM trọng điểm; chủ trì, phối hợp trình việc thành lập quỹ phát triển CNPM...

(Theo báo Lao Động)


Giới Thiệu STU
Tin Nổi Bật