Mã Trường

Mã Trường
photo-236

Tin Tức STU

Đảng uỷ Trường Đại học Công Nghệ Sài Gòn hành trình về những “Địa chỉ đỏ”

Cập nhật 28/07/2022 - 05:01:56 PM (GMT+7)

Giữa tháng 6/2022 Đảng uỷ STU đã tổ chức chương trình Về nguồn “ Hành trình theo chân Bác” tại các tỉnh miền Trung cho Cán bộ cấp uỷ và Bí thư, Phó Bí thư Chi bộ nhằm tuyên truyền nâng cao nhận thức cho Cấp uỷ, Chi bộ và góp phần phát huy lòng tự hào về truyền thống của dân tộc “Uống nước nhớ nguồn”, ghi nhớ sự hy sinh cao cả và tinh thần chiến đấu, hy sinh anh dũng của các anh hùng liệt sĩ vì độc lập và tự do của dân tộc.

Hành trình Đoàn đã đến đến thăm quê Nội của Hồ Chí Minh – Làng Sen và quê quê ngoại của Hồ Chí Minh – Làng Hoàng Trù tại Nghệ An. Đây là mảnh đất xứng danh mảnh đất “địa linh nhân kiệt”, là nơi sinh biết bao nhiêu bậc hiền tài có đóng góp to lớn cho non sông, đất nước. Trong đó có người lãnh tụ vĩ đại kính yêu của dân tộc Việt Nam, chính là chủ tịch Hồ Chí Minh. Xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An, quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh là khu di tích về quê hương, gia đình và thời niên thiếu của Chủ tịch Hồ Chí Minh, gồm nhiều điểm di tích: nơi sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh ở quê ngoại là làng Hoàng Trù, xã Kim Liên, Nam Đàn, Nghệ An; nơi Người đã sống những năm 1901-1906 ở quê nội làng Kim Liên; khu mộ bà Hoàng Thị Loan. Về tham quan khu di tích làng Sen quê Bác, đoàn đã cảm nhận được một cách đầy đủ về làng quê Việt Nam xưa đồng thời chứng kiến những kỷ vật hết sức thiêng liêng gắn bó một thời của Bác – người cha già kính yêu của dân tộc Việt Nam.

Làng Hoàng Trù - quê ngoại của chủ tịch Hồ Chí Minh

Làng Sen quê Nội của chủ tịch Hồ Chí Minh

 

Hành trình tiếp theo đoàn STU tham quan khu di tích lịch sử và phần mộ 13 nữ nữ thanh niên xung phong Truông Bồn. Truông Bồn - Nghệ An nằm ở tuyến đường chiến lược 15A đi qua địa phận xã Mỹ Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An. Nơi đây được ví như “tọa độ lửa” có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng trong cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam bởi địa hình hiểm trở, nhiều dãy núi dọc 2 bên đường như: núi Voi, Cột Cờ, Mồng Gà… và trở thành nơi ẩn náu kín đáo, an toàn.  Là một địa danh huyền thoại, gắn liền với những năm tháng chiến đấu ác liệt mà hào hùng của quân và dân Việt Nam. Nổi bật nhất là khu mộ 13 anh hùng liệt sĩ thanh niên xung phong. Khu mộ nép mình bên rừng thông già - trước đây vốn là hầm trú ẩn của thanh niên xung phong. Trước khu mộ là địa điểm giặc Mỹ đánh phá ác liệt và cũng là nơi 13 người anh hùng đã ngã xuống hy sinh trong trận bom sáng 31/10/1968. Tại đây, 1.240 người con ưu tú thuộc các lực lượng công an, quân đội, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến đã ngã xuống và mãi mãi nằm lại trong lòng đất mẹ. Truông Bồn - khúc tráng ca bất tử đã đi vào lịch sử như một huyền thoại về mảnh đất thiêng liêng, là dấu son cho cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước và trở thành niềm tự hào của dân tộc Việt Nam. Nơi đây mãi mãi là “địa chỉ đỏ” về giáo dục truyền thống yêu nước nồng nàn, ý chí cách mạng kiên cường của những thế hệ đi trước.

Khu di tích Truông Bồn

 

Ngày thứ 2 của hành trình đoàn đã đến tham quan Phượng Hoàng Trung Đô là kinh thành do vua Quang Trung xây dựng bên dòng sông Lam và núi Dũng Quyết; nay thuộc thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An. Thành được xây vào năm 1788. Tại đây vua Quang Trung đã tập trung 10 vạn quân trước khi tiến ra Bắc để giành lại thành Thăng Long lúc bấy giờ đang bị quân Thanh xâm chiếm. Ngôi thành này dự định được xây dựng để thay thế kinh đô Phú Xuân, được đặt tên theo ý nghĩa chim Phượng hoàng, một loài chim trong truyền thuyết. Trung Đô còn có ý nghĩa là kinh đô nằm giữa vùng lãnh thổ do Quang Trung kiểm soát, cách Phú Xuân khoảng 300 km, cách Đông Kinh Kẻ Chợ cũng khoảng 300 km.

 

Tiếp theo đoàn ghé viếng khu lưu niệm Đại thi hào Nguyễn Du và phần mộ của Đại thi hào Nguyễn Du. Khu lưu niệm Đại thi hào Nguyễn Du thuộc làng Tiên Điền (huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh), nơi lưu giữ cuộc đời, sự nghiệp và những chứng tích về dòng họ Nguyễn Tiên Điền. tại đây, đoàn đã được chiêm ngưỡng 150 bức tranh Truyện Kiều, 40 bức tranh sơn dầu khổ lớn, 500 ấn phẩm Truyện Kiều qua các thời kỳ và di sản văn chương của Đại thi hào Nguyễn Du để lại. Đồng thời đoàn đến và thắp hương trước mộ phần của Đại thi hào Nguyễn Du để tỏ lòng tôn kính đối với vị "Danh nhân văn hóa thế giới" của Việt Nam.

 

Buổi chiều cùng ngày Đoàn tiếp tục hành trình vào Hà Tĩnh. Đến Khu di tích Ngã Ba Đồng Lộc, đoàn làm lễ dâng hương tưởng niệm 10 nữ anh hùng thanh niên xung phong. Ngã ba Đồng Lộc là vị trí chiến lược, nơi đây được ví như là yết hầu, là mạch máu giao thông nối liền hậu phương lớn miền Bắc với tiền tuyến lớn miền Nam. Từ tháng 4 đến tháng 10 năm 1968, Ngã ba Đồng Lộc phải gánh chịu gần 50.000 quả bom các loại, bình quân mỗi 1m2 đất nơi đây phải gánh chịu trên 3 quả bom, mặt đất bị biến dạng, đất đá bị cày đi xới lại, hố bom chồng lên hố bom, Ngã ba Đồng Lộc nổ tung lên, không có một bóng cây, ngọn cỏ nào có thể mọc nổi. Tại chiến trường Ngã ba Đồng Lộc đã có nhiều lực lượng: Bộ đội, Thanh niên xung phong, công nhân giao thông, công an, dân quân du kích…số người chiến đấu và phục vụ chiến đấu thời điểm đông nhất lên tới 16.000 người, làm nhiệm vụ chiến đấu tránh trả máy bay địch, cảnh giới, giải tỏa giao thông, san lấp hố bom, phá bom nổ chậm, làm cọc tiêu dẫn đường chỉ lối, đảm bảo an toàn cho người và hàng hóa chi viện vào chiến trường miền Nam. Đến nơi đây xem sa bàn chiến thuật về những năm tháng chiến tranh ác liệt, nghe thuyết minh đoàn đã cảm nhận sâu sắc sự ác liệt của chiến tranh cũng như sự mất mát to lớn của dân tộc ta. Trong đó phải kể đến sự hy sinh anh dũng của tiểu đội 10 cô gái TNXP thuộc Tiểu đội 4, Đại đội 552, Tổng đội 55. Trưa ngày 24 tháng 7 năm 1968, một ngày như mọi ngày, 10 chị ra đường làm nhiệm vụ. Đến 16 giờ, trận bom thứ 15 trong ngày dội xuống Đồng Lộc, 1 quả bom đã nổ gần căn hầm chữ A, nơi 10 chị đang tránh bom, làm sập hầm và tất cả 10 chị đã hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ. Người trẻ tuổi nhất là 17 tuổi, ba người chị lớn tuổi nhất cùng 24 tuổi Giờ đây chiến tranh đã lùi xa, cuộc sống đã hồi sinh ngay trên tọa độ chết năm xưa, thời gian có thể khiến cho người ta quên đi bao nhiêu Ngã ba trong cuộc đời nhưng khó có ai một lần đi qua mà có thể quên được Ngã ba Đồng Lộc. Sự hy sinh anh dũng của 10 cô gái TNXP Ngã ba Đồng Lộc cùng với hàng trăm, hàng ngàn các anh hùng liệt sĩ khác sẽ còn vang vọng mãi đến mai sau

 

Ngày thứ 3 của chuyến hành trình, đoàn STU đã đến Quảng Bình, đến Cẩm Xuyên, dừng chân tham quan công trình thủy lợi nổi tiếng Hồ Kẻ Gỗ - Hồ nước dài gần 30 km, gồm 1 đập chính và 10 đập phụ với sức chứa hơn 300 triệu m³ nước. Viếng đền thờ Tổng bí thư Lê Duẩn. Tiếp tục hành trình đi Quảng Bình, Đoàn dừng chân tham quan và dâng hương tưởng niệm tại khu Mộ Đại Tướng Võ Nguyên Giáp – vị tướng huyền thoại của đất nước, vị đại tướng đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam, vị tướng lĩnh đã chỉ huy và tạo nên chiến thắng lẫy lừng trên trận địa Địa Biên Phủ lừng lẫy. Buổi chiều cùng ngày đoàn đã đến tham quan thành cổ Quảng Bình, tượng đài Mẹ Suốt.

 

Hành trình của đoàn STU vào ngày thứ 4 đã đến viếng Nghĩa trang liệt sỹ Trường Sơn, tỉnh Quảng Trị. Đây là nơi tưởng niệm, tôn vinh những người con thân yêu của tổ quốc đã anh dũng hy sinh xương máu của mình vì sự nghiệp giải phóng dân tộc. Nghĩa trang liệt sỹ Trường Sơn là nơi quy tụ 10.333 phần mộ của các liệt sỹ; là nơi an nghỉ đời đời của các chiến sĩ đã hy sinh trên tuyến đường mòn Hồ Chí Minh trong thời kì chống Mỹ cứu nước. Đây là một công trình đền ơn đáp nghĩa đồ sộ nhất, quy mô nhất có tính nghệ thuật cao, thể hiện lòng thương nhớ sâu sắc, niềm biết ơn và sự tôn vinh thầm kín của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta đối với những người con yêu quý trên mọi miền đất nước đã không tiếc máu xương cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng và thống nhất đất nước. Đoàn đã làm lễ dâng hương và thắp hương tại các mộ phần các anh hùng liệt sĩ.

TS. Trương Quang Mùi - Bí thư Đảng ủy - Chủ tịch HĐQT dâng hương tại nghĩa trang liệt sỹ Trường Sơn

 

Kết thúc hành trình về nguồn, đoàn STU đã đến đặt vòng hoa, dâng hương, tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ tại Thành cổ Quảng trị. Thành cổ Quảng Trị được coi như "người lính đi đầu" trong chiến dịch Xuân-Hè 1972. Nơi đây, trên một diện tích chưa đầy 4 km2 đã phải hứng chịu 328.000 tấn bom, 1.230.328 viên đạn pháo các loại và hơn 2000 lượt máy bay oanh kích với sức công phá tổng cộng gấp 7 lần quả bom nguyên tử mà người Mỹ đã ném xuống Hirôsima (Nhật Bản) trong chiến tranh thế giới thứ hai. Số quân Mỹ -Ngụy ở Quảng Trị vào thời điểm cao nhất gấp 3 lần số dân của tỉnh.. 
Cuộc chiến 81 ngày đêm tại Thành Cổ quả là cuộc chiến 81 ngày đêm giữ đất, giữ thành, giữ niềm tin và đã có khoảng 1,8 vạn cán bộ, chiến sĩ đã anh dũng hy sinh. Một cuộc chiến quá sức tưởng tuởng tượng của tội ác và sự chịu đựng. Điều này, không những được cả thế giới biết đến mà còn làm chấn động dư luận và lương tri loài người. 
Tại Thành cổ Quảng trị hôm nay, mỗi một người trong đoàn STU không ai không khỏi bùi ngùi, xúc động khi đến viếng các anh hùng liệt sĩ, ai cũng cảm thấy mình nhỏ bé trước sự hy sinh, mất mất lớn lao ấy. Sự hy sinh sự mất mát lớn lao của anh hùng liệt sĩ  đã làm nên độc lập, tự do, hạnh phúc cho cả đất nước, cho dân tộc ngày hôm nay. 


 

Hành trình về với những” địa chỉ đỏ” đo Đảng uỷ STU tổ chức là đợt sinh hoạt chính trị mang lại ý nghĩa sâu sắc, là dịp để những mỗi đồng chí đảng viên, mỗi người dân Việt Nam, đặc biệt là thế hệ trẻ hiểu hơn về lịch sử đấu tranh  và bảo vệ Tổ quốc của của dân tộc, thế hệ trẻ thể hiện lòng lòng biết ơn vô hạn, kính cẩn tưởng nhớ các bậc cách mạng tiền bối, các anh hùng liệt sĩ, đồng chí, đồng bào đã hy sinh vì nền độc lập, tự do của dân tộc, vì sự thống nhất của Tổ quốc.

Văn phòng Đảng ủy STU


Giới Thiệu STU
Tin Nổi Bật