Mã Trường

Mã Trường
photo-236

Tin Tức Các Báo

Phương án thi THPT quốc gia 2016: Địa phương vẫn muốn 2 loại cụm thi

Cập nhật 21/12/2015 - 09:50:23 AM (GMT+7)

Hầu hết các sở GD-ĐT đều đề xuất kỳ thi THPT quốc gia năm 2016 nên giữ ổn định như năm 2015, chỉ điều chỉnh về thời gian và cách ra đề thi.

Hôm qua 16.12, Bộ GD-ĐT tổ chức hội nghị trực tuyến với 63 sở GD-ĐT tỉnh thành phố trên cả nước để xin ý kiến góp ý về phương án tổ chức thi năm 2016.
Linh hoạt trong tổ chức cụm thi
Bộ muốn lấy ý kiến các đại biểu về việc có nên tổ chức 2 loại cụm thi, một do Sở chủ trì (dành cho những thí sinh chỉ dự thi để xét tốt nghiệp THPT) và hai là cụm thi do các trường ĐH chủ trì (dành cho những thí sinh dự thi vừa xét tốt nghiệp THPT vừa dự tuyển ĐH, CĐ). Đa số ý kiến của các đại biểu đều cho rằng vẫn nên có 2 loại cụm thi nhưng đề nghị thay đổi cách thức tổ chức.
Bà Nguyễn Thị Minh Giang, Giám đốc Sở GD-ĐT Kiên Giang, đề xuất: "Cụm thi do các trường ĐH chủ trì nên xác định lại nơi tổ chức. Có thể linh hoạt 2 tỉnh trở lên và cụm thi nên đặt ở trung tâm của 2 tỉnh sẽ thuận lợi hơn. Còn cụm thi do địa phương chủ trì nên rải ra về tận các huyện để thí sinh không phải đi lại quá xa”.
Bà Phạm Thị Hằng, Giám đốc Sở GD-ĐT Thanh Hóa, cũng đồng ý về 2 loại cụm thi nhưng đề xuất Bộ nên quy định số lượng giáo viên phổ thông tham gia vào chấm thi ở cả 2 cụm thi.
Còn ông Trần Xuân Hương, Giám đốc Sở GD-ĐT Yên Bái, cho rằng các cụm trường ĐH nên huy động thêm cả giáo viên ở các trường phổ thông để tăng tính khách quan hơn. Ở cụm thi địa phương, huy động cán bộ, giảng viên các trường ĐH nhưng linh hoạt theo số lượng phòng thi chứ không phải điểm thi nào cũng cần tới 3 người như năm vừa rồi. “Tôi đề nghị Bộ nên tin tưởng cụm thi địa phương, anh em sẽ làm hết sức mình”, ông Hương nói.
Trong khi đó ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, cho rằng cụm thi do địa phương chủ trì chỉ nên áp dụng ở những tỉnh khó khăn, còn những vùng có điều kiện thì chỉ nên có cụm thi do ĐH chủ trì, đỡ tốn kém.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết Bộ vẫn giữ 2 cụm thi như năm trước nhưng sẽ xem xét điều chỉnh theo các đề xuất của địa phương.
Chưa đồng thuận về thời gian thi
Có nhiều ý kiến khác nhau về việc nên tổ chức kỳ thi trong 4 ngày như năm 2015 hay rút ngắn hơn. Không ít ý kiến đề nghị giữ nguyên 4 ngày. Ông Nguyễn Thanh Giang, Giám đốc Sở GD-ĐT Bà Rịa-Vũng Tàu, cho rằng dù tổ chức thi 4 ngày có vất vả và tốn kém hơn nhưng sẽ đảm bảo quyền lựa chọn tối đa cho học sinh (HS). Còn lãnh đạo Sở GD-ĐT Quảng Bình đề nghị vẫn thi 4 môn bắt buộc và nếu chỉ xét tốt nghiệp THPT thì cụm thi địa phương chỉ gói gọn trong vòng 2 ngày rưỡi.
Trong khi đó, lãnh đạo Sở GD-ĐT Bắc Ninh đề nghị chỉ nên thi bắt buộc 3 môn là toán, văn và ngoại ngữ. Vị lãnh đạo này nói: “Vì sợ HS học lệch nên chúng ta chọn 4 môn thi. Nhưng nói thật thi 4 môn chắc gì HS đã không học lệch. Như thế, cụm thi địa phương sẽ rất gọn nhẹ, chỉ 2 ngày là xong. Còn việc học lệch thì đã cho tính điểm học lớp 12 vào xét tốt nghiệp thì không sợ HS học lệch”.
Trước đề xuất rút ngắn số ngày thi, ông Nguyễn Vinh Hiển, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT cảnh báo sẽ hạn chế tính tự chọn của HS.
Về thời gian tổ chức kỳ thi, đa số ý kiến đều không đồng ý kỳ thi diễn ra vào tháng 7 như năm vừa qua, nhiều ý kiến đề xuất nên tổ chức sớm hơn, vào trung tuần tháng 6. Cũng có đề nghị nên tổ chức vào tháng 8.
Cần phân hóa hơn trong đề thi
Bà Phạm Thị Hằng, Giám đốc Sở GD-ĐT Thanh Hóa, đề nghị phân hóa rõ hơn trong đề thi. Còn Giám đốc Sở GD-ĐT Cần Thơ, nêu ý kiến cần thay đổi về cơ cấu đề thi. Đề thi “2 trong 1” nên có 2 phần cho 2 đối tượng dự thi. Cả 2 phần đều có điểm tuyệt đối riêng nếu cứ chấm chung như vừa qua và 60% là kiến thức cơ bản thì HS có học lực trung bình, chưa làm bài đã mất 40% điểm vì phần nâng cao, dẫn tới kết quả tốt nghiệp thấp. Có ý kiến đề nghị cần phân loại rõ đề thi dành để xét tốt nghiệp THPT và phần đề xét tuyển sinh ĐH.
Ông Nguyễn Vinh Hiển, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, cho rằng chưa thấy các trường ĐH đề xuất việc này và đề thi đã đảm bảo sự phân hóa. Về đề thi ngoại ngữ, một số ý kiến cho rằng nên bỏ phần thi tự luận. Tuy nhiên, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cho biết toàn ngành đang cố gắng dạy học ngoại ngữ theo hướng rèn cả 4 kỹ năng cho HS nên đề thi quốc gia đã đưa vào phần thi tự luận.
Thay đổi về thang điểm và điểm ưu tiên ?
Tại hội nghị, thang điểm 20 thay cho thang điểm 10 lại được một số đại biểu nêu ra và đề nghị cần thực hiện trong năm 2016. Lãnh đạo Sở GD-ĐT Bà Rịa-Vũng Tàu và Bắc Ninh đều đề nghị cần thực hiện thang điểm 20 để thuận lợi hơn cho việc xét tuyển của các trường ĐH.
Nhiều ý kiến góp ý nên giảm dần mức độ điểm ưu tiên. Bà Nguyễn Thị Minh Giang phát biểu: “Điểm ưu tiên đối với việc xét tốt nghiệp THPT thì cũng bình thường nhưng đối với việc xét tuyển ĐH thì rõ ràng có những bất hợp lý. Sinh viên ra trường không có việc làm rất nhiều, nên xem xét ưu tiên ở ngành nghề nào thôi”. Lãnh đạo Sở GD-ĐT Quảng Bình thì đề xuất cụ thể thay đổi theo hướng phải giảm khoảng 20-25% số điểm ưu tiên để đảm bảo chất lượng đầu vào của các trường ĐH.
Xung quanh vấn đề này, ông Nguyễn Vinh Hiển, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT hứa sẽ tiếp thu và điều chỉnh những bất hợp lý.
Phân quyền việc quản lý và sử dụng dữ liệu thi
Phần mềm quản lý thi cũng là nhược điểm của kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 nên đồng loạt các đại biểu đề nghị cần phải khắc phục trong năm 2016. 
Các ý kiến đề nghị Bộ cần phân cấp, phân quyền mạnh mẽ hơn việc quản lý và sử dụng dữ liệu thi thay vì Bộ quản lý toàn bộ dẫn tới những khó khăn cho cơ sở trong rất nhiều khâu, từ chỉnh sửa sai sót, thay đổi nguyện vọng, đến nhận kết quả thi, xét tuyển... 
Ông Nguyễn Thanh Tiệp, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Long An, cho biết nhiều khi chỉ một thay đổi nhỏ về thông tin mà Sở không thể điều chỉnh được, phải nhờ tới Cục Khảo thí. “Trong khi có những thời điểm nóng liên hệ rất khó. Cứ 30 phút Sở gọi lên Cục một lần mà gọi từ sáng tới chiều!”, ông Tiệp nói.

(Theo Báo Giáo dục Tp. HCM)


Giới Thiệu STU
Tin Nổi Bật