Mã Trường

Mã Trường
photo-236

Tin Tức Các Báo

Nguy cơ nhiều trường ĐH đóng cửa

Cập nhật 01/10/2015 - 10:33:56 AM (GMT+7)

Vừa theo phương thức riêng vừa sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia nhưng đã qua 3 đợt xét tuyển, nhiều trường ĐH, CĐ kể cả trường công lập vẫn không tuyển được sinh viên và đứng trước nguy cơ đóng cửa.

Nhiều trường ĐH, CĐ vẫn đang tiếp tục xét tuyển với hy vọng tìm được người học mới duy trì sự tồn tại của trường - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Nhiều trường ĐH, CĐ vẫn đang tiếp tục xét tuyển với hy vọng tìm được người học

mới duy trì sự tồn tại của trường

Miệt mài xét tuyển
Trong khi nhiều trường ĐH đã khai giảng từ vài tuần nay thì một số trường khác vẫn tiếp tục miệt mài xét tuyển. “Căn cứ vào năng lực đào tạo, trường dự kiến năm nay tuyển 5.000 chỉ tiêu. Tuy nhiên, sau khi tuyển đợt 1 và đợt 2 có 1.907 em nhập học. Đợt 3 có 124 em nộp hồ sơ, may ra khoảng một nửa số này nhập học. Như vậy chúng tôi vẫn còn thiếu khoảng 3.000 chỉ tiêu”, GS Vũ Văn Hóa, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh doanh và công nghệ Hà Nội, cho biết.
Hàng loạt trường ĐH khác cũng gặp khó khăn tương tự, như: Dân lập Phương Đông, Dân lập Hải Phòng, Công nghiệp Việt Hung, Hoa Lư Ninh Bình, Công nghệ Đông Á, Công nghiệp dệt may Hà Nội, các trường thành viên của ĐH Thái Nguyên… Cán bộ quản lý Trường ĐH Sao Đỏ (Hải Dương) cho biết trường mới tuyển được khoảng 1.000 thí sinh (TS) trong khi chỉ tiêu là 3.800 (bậc ĐH). GS-TS Trần Hữu Nghị, Hiệu trưởng Trường ĐH Dân lập Hải Phòng, than thở: “Trường sẽ mở cửa tuyển sinh đến 30.9, nhưng cũng chẳng biết liệu rồi có tuyển đủ chỉ tiêu không”.
Trường ĐH Nguyễn Tất Thành thông báo xét tuyển đến 1.500 chỉ tiêu bổ sung nhưng nhận được chưa đến 100 hồ sơ. Trong khi đó, theo đại diện nhà trường, số lượng TS trúng tuyển các đợt trước đến nhập học cũng chưa đầy đủ.
“Thực trạng khó khăn trong tuyển sinh có từ nhiều năm qua, nhưng năm nay thì càng khó hơn. Trước đây chủ yếu là các trường ngoài công lập kêu, năm nay đã nhiều trường công lập phải lên tiếng”, GS Vũ Văn Hóa nhận xét.
Xóa ngành học, đóng cửa trường
Thạc sĩ Trần Mạnh Thành, Phó hiệu trưởng Trường CĐ Bách Việt, nhìn nhận: “Với tình hình tuyển sinh chỉ đạt trên dưới 50% chỉ tiêu như thế này, một số trường ĐH, CĐ ngoài công lập sẽ có nguy cơ đóng cửa ngành, thậm chí đóng cửa trường nếu như không có đủ tiềm lực để duy trì. Khi tuyển không được, bắt buộc phải cắt giảm chi tiêu (gồm các khoản như đầu tư, giảng viên cơ hữu…) do kinh phí chủ yếu từ nguồn học phí”.
Đóng cửa trường thì còn nói có nguy cơ chứ việc xóa ngành học trong một trường đã cận kề trước mắt.
“Ngành nông học của trường từ 2 - 3 năm nay rất khó tuyển nhưng trường vẫn cố giữ. Không hiểu rồi năm nay trường có duy trì ngành này được không khi hiện số nhập học chỉ trên dưới chục em”, GS Trần Hữu Nghị cho biết.
Trường ĐH Dân lập Phương Đông có những ngành nhiều khả năng phải đóng khi sinh viên theo học vốn đã ít, năm nay lại chỉ tuyển được khoảng 10 người. GS Vũ Văn Hóa than thở: “Trường hiện có 1.114 giảng viên cơ hữu, tương lai của họ sẽ ra sao nếu cứ tiếp diễn tình cảnh tuyển chưa được 50% chỉ tiêu như hiện nay?”.
Biểu đồ: Tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa
Biểu đồ: Tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa
“Các trường cứ hỏi nhau, TS đang nấp ở đâu ? “
Theo lý giải của GS Vũ Văn Hóa, nhiều trường tuyển sinh được mới là “lạ” khi mà bức tranh giáo dục ĐH hiện đang lạm phát về quy mô tuyển sinh cũng như số lượng trường ĐH, CĐ. “Các trường cứ hỏi nhau TS đang nấp ở đâu mà không đến? Câu trả lời đầu tiên của tôi là TS không nấp đâu cả mà đã vào hết trong các trường. Nhưng do chúng ta có quá nhiều trường (cả nước có trên 400 trường bình quân mỗi tỉnh/thành có gần 7 trường), thành thử có bao nhiêu TS cũng rải không xuể”.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, từ năm học 2006 - 2007 đến năm học 2013 - 2014, số lượng học sinh (HS) THPT giảm dần. Cụ thể, năm học 2006 - 2007 có lượng HS cao nhất là 3,075 triệu, sau đó giảm dần đều. Đến các năm gần đây, giảm đến khoảng 500.000 HS. Chẳng hạn, năm học 2012 - 2013 lượng HS là 2,675 triệu, năm học 2013 - 2014 là 2,532 triệu.
Số HS tốt nghiệp THPT 3 năm trở lại đây cũng ngày càng giảm. Năm 2013, cả nước có 946.064 HS thi tốt nghiệp THPT, năm 2014 có 910.000 và năm 2015 chỉ còn 871.935.
Số TS đăng ký dự thi ĐH, CĐ hằng năm cũng giảm. Năm 2011 đến 2015 từ gần 1,7 triệu TS dự thi xuống còn 1 triệu. Vì thế, hệ số K (tỷ lệ chọi) tính theo số TS dự thi và chỉ tiêu giảm mạnh, từ 10,24 (năm 2001) xuống chỉ còn 2,14 (năm 2014). Chẳng hạn năm 2013 có 1.298.522 TS đăng ký dự thi, năm 2014 còn 1.190.546. Năm 2015 giảm còn 1.004.487, trong đó khoảng 279.000 TS chỉ xét tốt nghiệp chứ không sử dụng kết quả để xét tuyển các trường ĐH, CĐ. Còn lại khoảng 725.000 TS vừa xét tốt nghiệp vừa xét tuyển ĐH. Sau khi Bộ GD-ĐT công bố ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào thì theo thống kê của Bộ có 531.182 TS có ít nhất một tổ hợp môn tổng điểm từ 15 điểm trở lên (đủ điều kiện xét tuyển).
Nguồn tuyển thì giảm mà chỉ tiêu ĐH, CĐ lại tăng lên hằng năm. Theo số liệu của Cục Công nghệ thông tin Bộ GD-ĐT, chỉ tiêu của các trường hằng năm tăng lên nhanh chóng, từ 165.570 (năm 2001) lên 640.000 (năm 2014). Thống kê của Bộ cho thấy trong 10 năm chỉ tiêu phình lên gấp 3 - 4 lần kể cả ĐH lẫn CĐ. Chẳng hạn năm 2005, nguồn tuyển nhiều gấp 6,5 lần so với chỉ tiêu ĐH thì năm nay con số này chỉ còn 1,52. Năm 2013 chỉ tiêu ĐH là 329.896, năm 2014 là 370.000 và năm nay là 439.000 vừa xét theo kỳ thi THPT quốc gia vừa xét phương thức riêng.
Số lượng trường ĐH, CĐ
Số lượng trường ĐH, CĐ 
Tuy số HS và TS giảm dần nhưng số lượng trường ĐH, CĐ lại tăng nhanh chóng. Theo Tổng cục Thống kê, trong vòng 10 năm, từ năm 2003 (năm bắt đầu tuyển sinh 3 chung) có 214 trường thì đến năm 2013, số lượng trường là 427, tăng lên đến 213 trường. Đến đầu năm 2014, tiếp tục có thêm 14 trường được thành lập.
Theo thống kê của Bộ, từ năm 2007 - 2013, cả nước có 133 trường được thành lập thì có tới 108 trường do nâng cấp. Trong tháng 3.2014, Bộ có công văn thông báo dừng tiếp nhận hồ sơ đề nghị nâng cấp và thành lập trường mới nhưng vẫn xem xét, báo cáo và đề xuất Thủ tướng Chính phủ phương án xử lý đối với những hồ sơ nâng cấp và thành lập mới các trường ĐH, CĐ đã gửi về Bộ trước thời điểm ban hành công văn này.
Chẳng hạn, tỉnh Đồng Nai có số dân chỉ bằng một quận ở TP.HCM. Tuy nhiên, trong vòng vài năm trở lại đây hàng loạt trường ĐH, CĐ ở đây đã được nâng cấp, dẫn đến chuyện chỉ riêng tỉnh này đã có 5 trường ĐH, 3 trường CĐ. Vừa xa trung tâm, vừa bị chia sẻ TS, các trường ĐH, CĐ tại đây đều không tuyển đủ chỉ tiêu.
Sự bất cân đối này cùng với thực trạng chất lượng giữa các trường quá chênh lệch nên dù có nhiều thay đổi trong việc thi và xét tuyển vào ĐH, CĐ nhưng năm nào cũng có nhiều trường không tuyển được. Tình trạng này lại đặc biệt nghiêm trọng trong năm nay. Chính vì vậy đã có những ý kiến đề nghị xem xét, tái cấu trúc, sáp nhập các trường ĐH, CĐ. 
Ý KIẾN
Điều tra, dự báo nhân lực cho thật tốt
Một là các trường tư cần cải thiện, nâng cao chất lượng đào tạo. Hai là việc tuyển sinh cũng cần phải có cải tiến. Nên để các trường tự quyết phương án tuyển sinh. Có những trường thi tuyển, có những trường tổ chức thi thành cụm với nhau, có trường không thi chỉ xét tuyển vào trường. Hiện nay vẫn phải dựa vào kết quả thi THPT quốc gia để xét tuyển.
Về lâu dài, cần có công tác điều tra cơ bản, dự báo nhân lực cho thật tốt. Kết quả cần được công khai cho dân biết để TS có đường hướng chọn lựa ngành nghề. Còn Bộ quyết định giảm chỉ tiêu khối này, khối kia, không dựa trên điều tra thì chỉ là cảm tính, nhiều khi còn hạn chế quyền tự chủ của các trường.
Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết
Quá nhiều chương trình liên kết ở trường công
Hầu hết các trường công lập đều có chương trình ngoài chính quy, liên kết quốc tế thu hút không ít TS. Trong tổng số 350 trường ĐH, CĐ công lập nếu tính trung bình mỗi trường có một chương trình ngoài chính quy, liên kết quốc tế chỉ với 200 chỉ tiêu thì đã “ngốn” hơn một nửa số lượng TS đủ điều kiện xét tuyển.
Mất cân đối cán cân công - tư
Dù các trường ngoài công lập cần xác định phải nỗ lực để “cạnh tranh” nhưng cốt lõi của vấn đề phát triển giáo dục ĐH hiện nay nằm ở sự thiếu hợp lý trong điều hành vĩ mô. Với tỷ lệ 87 (công) - 13 (tư), cán cân quy mô trường công và trường tư hiện nay quá mất cân đối. Vì quá mất cân đối về quy mô nên bên này (công) chỉ cần “nhúc nhích, cựa quậy” một chút cũng đủ khiến bên kia (tư) sóng sánh, chao đảo, thậm chí có thể “chìm”. Nghĩa là chỉ cần mỗi trường công tăng chỉ tiêu lên vài ba phần trăm thôi là cũng đủ để chiếm gần hết chỗ còn lại trong nguồn tuyển, phần mà về lý thuyết là để dành cho trường tư.
Tiến sĩ Lê Trường Tùng
(Chủ tịch HĐQT Trường ĐH FPT)
Chỉ cần trường công đừng tuyển quá chỉ tiêu
Rất nhiều trường công lấy điểm chuẩn ngang “sàn” nên vét hết cả TS của trường tư. Chưa cần các trường công giảm chỉ tiêu mà chỉ cần họ không được tuyển quá chỉ tiêu đã công bố thì việc tuyển sinh của chúng tôi cũng đã dễ thở hơn.
Giáo sư Trần Hữu Nghị
(Hiệu trưởng Trường ĐH Dân lập Hải Phòng)
(Theo Báo Thanh Niên)

Giới Thiệu STU
Tin Nổi Bật