Mã Trường

Mã Trường
photo-236

Tin Tức Các Báo

Tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2014: Nhiều điểm mới!

Cập nhật 23/06/2014 - 09:10:30 AM (GMT+7)

Chưa đầy 10 ngày nữa thí sinh bắt đầu tham gia đợt 1 kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính qui năm 2014. PV báo GD&TĐ đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga xung quanh những đổi mới trong công tác tổ chức thi, đề thi, phương thức xét tuyển... của kỳ thi năm nay.

Tất cả đã sẵn sàng!

Thứ trưởng có thể cho biết thông tin về công tác chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính qui năm 2014?

Năm nay có thêm qui định về tuyển sinh riêng nhưng qui chế tuyển sinh sửa đổi và tất cả các văn bản hướng dẫn đều đã được ban hành và gửi đến các hội đồng thi từ rất sớm để các cơ sở chủ động triển khai.  

Thứ trưởng Bùi Văn Ga   

- Mọi công tác chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính qui năm nay đã hoàn tất. 

Vừa rồi Bộ đã cử các đoàn công tác đến làm việc với các cụm thi và UBND các Tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có cụm thi để kiểm tra công tác chuẩn bị. Tất cả đều đã sẵn sàng. 

Các địa phương đã tích cực huy động các sở, ngành và các tổ chức đoàn thể tham gia hỗ trợ các hội đồng thi, đảm bảo kỳ thi an toàn và thành công. Ban đề thi của Bộ đã bắt đầu làm việc từ tuần trước, đảm bảo giao đề thi cho các cơ sở in sao đúng hạn.

"Cận cảnh" tuyển sinh riêng và đổi mới cách xác định điểm sàn

Kỳ thi năm nay có những điểm mới nào thí sinh và các nhà trường cần lưu ý, thưa Thứ trưởng?

- Những điểm mới trong công tác tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính qui năm 2014 đã được Bộ đưa ra tham khảo ý kiến dư luận rộng rãi. Sau khi có được sự đồng thuận, Bộ đã đưa vào qui chế tuyển sinh sửa đổi. 

Cụ thể đó là qui định về các trường tuyển sinh riêng, điều chỉnh ưu tiên đối tượng và khu vực, đổi mới cách xác định điểm sàn. 

Những đổi mới này nằm trong lộ trình đổi mới tuyển sinh theo hướng gọn nhẹ, hiệu quả và công bằng, tạo điều kiện cho các trường chủ động trong tuyển chọn thí sinh có năng lực phù hợp, đồng thời tạo điều kiện cho thí sinh có nhiều cơ hội chọn trường, ngành và cả lựa chọn phương thức thi phù hợp với năng lực bản thân.

Thứ trưởng có thể nói rõ hơn về quy chế tuyển sinh riêng và cách xác định điểm sàn của kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm nay? Đã có con số thống kê về số lượng hồ sơ thí sinh nộp vào các trường tuyển sinh riêng chưa, thưa Thứ trưởng?

Theo báo cáo sơ bộ của các trường, số lượng hồ sơ tuyển sinh riêng vượt khá xa so với chỉ tiêu dự kiến như Trường Đại học Vinh, Đại học Đà Nẵng, Trường Đại học Đồng Tháp, Trường Đại học Đông Á...   

- Theo qui chế tuyển sinh, để thực hiện tuyển sinh riêng các trường phải xây dựng đề án. Những đề án nào được Bộ xác nhận phù hợp thì được triển khai.

 Năm nay có 62 trường Đại học, Cao đẳng có đề án phù hợp với qui chế và đã thông báo tuyển sinh riêng. Đây là năm đầu tiên thực hiện tuyển sinh riêng nên các trường đều kết hợp giữa tuyển sinh theo kỳ thi chung của Bộ và tuyển sinh riêng theo đề án của trường. 

Một số trường dành chỉ tiêu tuyển sinh riêng cho các ngành khó tuyển nhưng xã hội đang rất cần như các ngành về nông - lâm - thủy sản... 

Trong đề án tuyển sinh riêng của các trường đều có qui định về ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào. Thường các trường xét kết quả học tập và tốt nghiệp phổ thông có điểm trung bình từ 6 trở lên đối với đại học và 5,5 trở lên đối với cao đẳng. 

Về điểm sàn, thay vì có một điểm sàn duy nhất như trước đây, năm nay Bộ sẽ công bố nhiều mức xét tuyển cơ bản, đồng thời đưa ra nguyên tắc xác định điểm xét tuyển có nhân hệ số 2 đối với môn thi chính. 

Qui định nhiều mức xét tuyển cơ bản giúp các trường tùy theo khả năng thu hút thí sinh của mình lựa chọn mức phù hợp để khẳng định uy tín chất lượng của mình trong xã hội. Điều này nằm trong chiến lược lâu dài xây dựng thương hiệu của các nhà trường. 

Các trường có thể chấp nhận thiếu chỉ tiêu một chút nhưng chọn mức xét tuyển cơ bản cao hơn để khẳng định uy tín, đảm bảo sinh viên ra trường tìm được việc làm, từ đó thu hút ngày càng nhiều sinh viên giỏi đến học trong những năm sau. 

Việc qui định nhân hệ số 2 đối với môn thi chính giúp cho các trường chọn được thí sinh có năng lực phù hợp vào học các ngành đang đào tạo tại trường.

Hiện nay các trường đã công bố môn thi chính được nhân hệ số. Các môn thi năng khiếu, các môn ngoại ngữ, các môn cơ bản cần thiết cho một số ngành... đã được các trường lựa chọn làm môn thi chính.

 Những thí sinh các năng lực tốt, có sở trường môn thi chính sẽ có nhiều cơ hội trúng tuyển hơn vào các ngành có chọn môn thi chính. Trước đây các trường cũng nhân hệ số môn thi chính nhưng chỉ được thực hiện đối với những thí sinh đã đạt được kết quả trên điểm sàn. 

Theo qui định mới, những thí sinh có kết quả thi 3 môn thấp hơn ngưỡng xét tuyển cơ bản nhưng có môn thi chính đạt điểm cao vẫn có khả năng trúng tuyển.

Năm nay, thí sinh có ý thức chọn ngành nghề tốt hơn

Thứ trưởng đánh giá thế nào về số thí sinh đăng ký dự thi vào các trường ĐH, CĐ năm nay? Những con số tăng - giảm đó có nói lên điều gì không?

Tổng số hồ sơ đăng ký dự thi năm nay giảm. Một số trường có lượng hồ sơ đăng ký dự thi giảm mạnh, nhưng cũng có nhiều trường có số lượng hồ sơ tăng lên đáng kể. 

Tuy số hồ sơ đăng ký dự thi giảm nhưng số lượng thí sinh thực sự dự thi không giảm so với mọi năm. Số học sinh tốt nghiệp phổ thông năm nay cũng như số thí sinh thi tự do cũng tương đương với năm ngoái. 

Số lượng hồ sơ giảm chủ yếu là hồ sơ ảo. Những năm trước mỗi thí sinh nộp vài ba bộ hồ sơ còn năm nay mỗi thí sinh nộp từ 1 - 2 bộ hồ sơ. 

Điều này cho thấy thí sinh đã có ý thức chọn ngành nghề tốt hơn, đã định hướng ngay từ đầu việc lựa chọn của mình. Đây là dấu hiệu đáng mừng. 

Khi có nhiều thí sinh bản lĩnh và quyết tâm cao theo học ngành nghề đã lựa chọn thì chất lượng đào tạo của các nhà trường chắc chắn sẽ được cải thiện.

Chỉ tiêu tuyển sinh của các trường ĐH, CĐ khoảng 550.000. Đối với kỳ thi chung, khi xác định ngưỡng chất lượng đầu vào Bộ luôn cân nhắc để đảm bảo các trường không thiếu nguồn tuyển. 

Ngoài ra năm nay một số trường tuyển sinh riêng dựa vào xét kết quả học tập và tốt nghiệp phổ thông cũng sẽ góp phần làm tăng thêm nguồn tuyển nói chung.

Việc phân bố hồ sơ tuyển sinh giữa các khối thi: Hồ sơ đăng ký dự thi vào các khối thi A, B, D đều giảm. Riêng khối C năm nay có lượng hồ sơ đăng ký dự thi tăng khoảng 1% so với năm ngoái. 

Điều này cho thấy thí sinh đã có quan tâm đến khối ngành xã hội, nhân văn. Số lượng hồ sơ đăng ký dự thi vào khối ngành thuộc lĩnh vực kinh tế, quản lý, tài chính, ngân hàng... năm nay cũng tăng so với năm trước mặc dù đã có nhiều cảnh báo về sự dư thừa nhân lực trong lĩnh vực này. 

Sự gia tăng này có thể giải thích do năm ngoái điểm trúng tuyển vào ngành thấp sau nhiều năm điểm trúng tuyển đều rất cao khiến thí sinh nghĩ đến khả năng trúng tuyển cao hơn trong năm nay.

 Là người có kinh nghiệm chỉ đạo thi tuyển sinh đại học, cao đẳng trong nhiều năm, Thứ trưởng có lời khuyên gì đối với thí sinh chuẩn bị vào đợt thi?

- Ngày thi đã đến gần, để có kết quả thi tốt, trong khoảng thời gian ngắn còn lại trước khi thi thí sinh nên tự mình hệ thống, đúc kết lại kiến thức đã học. 

Mỗi người có kinh nghiệm và phương pháp học hiệu quả riêng vì vậy các em nên tự xây dựng kế hoạch ôn tập, không nên đi học thêm tốn nhiều thời gian và ảnh hưởng đến sức khỏe. 

Trước khi đi thi các em nên giữ tâm trạng nhẹ nhàng, tự tin vào năng lực bản thân mình. Khi làm bài thi, các em nỗ lực tối đa làm phần dễ trước, làm phần khó sau, làm được càng nhiều càng tốt vì kỳ thi có tính cạnh tranh càng cao thì ranh giới giữa đậu và rớt càng rất mong manh. 

Khi đã cố gắng tối đa rồi thì các em hãy bằng lòng với kết quả mình đạt được dù đậu hay rớt. Để vào đời các em có nhiều con đường. ĐH, CĐ là một con đường đi nhưng không phải là duy nhất.

Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!

"Bật mí" đề thi ĐH, CĐ năm 2014

 

Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết: Đề thi kiểu mở, đề thi không đánh đố, không bắt buộc thí sinh học thuộc lòng một cách máy móc, đề thi hướng đến kiểm tra năng lực, khả năng ứng dụng kiến thức đã học vào thực tiễn cuộc sống... đã được xã hội và thí sinh đồng tình sẽ tiếp tục được phát huy trong kỳ thi tuyển sinh năm nay.

 

Tuy nhiên, khác với kỳ thi tốt nghiệp phổ thông, kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ có tính cạnh tranh cao nên đề thi phải có tính phân loại tốt. 

 

Trong đề thi này luôn có những phần dễ để hầu hết các thí sinh đều có thể làm được, phần trung bình, phần khó và phần rất khó chỉ những thí sinh thật giỏi mới có thể làm được.

 

Đề thi tuyển sinh ĐH, CĐ và đề thi tốt nghiệp phổ thông sẽ tiệm cận dần với mục tiêu kiểm tra năng lực hướng tới một kỳ thi quốc gia sử dụng cho cho cả hai mục đích.

(Theo GD&TĐ)


Giới Thiệu STU
Tin Nổi Bật