Mã Trường

Mã Trường
photo-236

Tin Tức Các Báo

Giảm thời gian, tăng độ khó?

Cập nhật 08/04/2014 - 10:27:00 AM (GMT+7)

Khi Bộ GD-ĐT quyết định giảm thời gian hai môn thi bắt buộc là toán và ngữ văn trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay từ 150 phút xuống còn 120 phút/môn, rất nhiều giáo viên và học sinh lo lắng liệu nội dung đề thi có điều chỉnh không, điều chỉnh thế nào?

PGS.TS ĐỖ NGỌC THỐNG, phó vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, thường trực Ban chỉ đạo đổi mới chương trình - sách giáo khoa sau năm 2015 (Bộ GD-ĐT), đưa ra quan niệm về đánh giá - kiểm tra ngữ văn theo yêu cầu phát triển năng lực và đề xuất cấu trúc đề thi mới bằng một ví dụ cụ thể. Trao đổi với Tuổi Trẻ, PGS.TS Đỗ Ngọc Thống cho biết:

- Đây chỉ là đề xuất của cá nhân tôi để trao đổi, rộng đường dư luận và giáo viên, học sinh có thể tham khảo. Dự kiến trung tuần tháng 4-2014, Bộ GD-ĐT sẽ tổ chức hội thảo tại Hà Nội để trao đổi về nội dung đổi mới dạy học, thi cử theo hướng phát triển năng lực. Tại đây, Bộ GD-ĐT sẽ thu nhận ý kiến về việc đổi mới cấu trúc đề thi môn văn. Nếu đồng thuận, có thể áp dụng để ra đề thi môn văn ngay trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay.

Không làm khó thí sinh

* Nhưng nếu chờ đến giữa tháng 4 thì nghĩa là chỉ còn một tháng rưỡi nữa học sinh phải bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT. Vậy có quá gấp không nếu như Bộ GD-ĐT quyết định ra đề theo cấu trúc này?

- Theo suy nghĩ của cá nhân tôi thì không có gì quá khó khăn, mới mẻ tới mức phải lo cập rập ở khâu chuẩn bị. Trong cấu trúc đề thi trước đây cũng có phần nghị luận văn học, nghị luận xã hội. Chỉ là cách ra đề sẽ theo hướng mở hơn, khuyến khích học sinh phát huy năng lực, sáng tạo. Điểm mới rõ nhất trong cấu trúc mới này là ở câu đầu tiên, kiểm tra năng lực đọc hiểu và kiến thức về tiếng Việt. Những kiến thức, kỹ năng này học sinh đều đã được học rồi. Nên tôi không nghĩ việc đổi mới này làm khó cho học sinh. Hơn nữa, trong nhiệm vụ năm học 2013-2014 đối với giáo dục THPT và trong hướng dẫn ôn tập thi tốt nghiệp THPT mà Bộ GD-ĐT vừa ban hành cũng đã định hướng cho thầy, cô giáo phải tổ chức ôn thi cho học sinh thế nào, nhấn mạnh việc hướng dẫn học sinh ôn tập theo hướng vận dụng kiến thức, sáng tạo, cách làm những câu hỏi mở...

* Nhưng theo cấu trúc mà ông đề xuất, trong câu 1 có tới ba câu hỏi nhỏ, trong đó có câu yêu cầu học sinh đọc hiểu, tóm lược văn bản và đặt tên cho đoạn văn bản đó. Yêu cầu này không chỉ mới mà có phần nâng mức khó so với cấu trúc cũ và còn mới mẻ đối với cách dạy học hiện nay. Bộ GD-ĐT giảm thời gian thi nhưng đề xuất này lại tăng cái mới, tăng độ khó, liệu có mâu thuẫn không?

- Người ra đề thi sẽ tính toán để liều lượng đề thi phù hợp với thời gian làm bài, đối tượng học sinh và chương trình học. Tuy nhiên, nói cụ thể vào cấu trúc mới này, tôi không nghĩ đó là yêu cầu khó, ngốn nhiều thời gian của học sinh. Vì tuy có ba câu hỏi nhỏ nhưng học sinh không cần chép đề, chỉ cần nêu câu trả lời một cách ngắn gọn, 4-5 phút là có thể hoàn thành. Kiến thức về tiếng Việt được tích hợp luôn trong văn bản đọc hiểu. Yêu cầu tóm tắt đoạn văn bản cũng không phải viết dài mà chỉ cần viết một dòng thôi và đã học rồi. Việc đặt tên cho văn bản cũng sẽ rất ngắn gọn, không có gì bất ngờ hay đánh đố gì cả và có đáp án mở để học sinh có thể có câu trả lời đúng nhất hoặc gần đúng... đều được điểm, trừ khi đặt tiêu đề không liên quan gì đến nội dung trích đoạn.

Tăng điểm câu nghị luận xã hội

* Như ông nói, hướng đổi mới đề thi theo cấu trúc này sẽ tiệm cận với chương trình mới sau năm 2015, vậy ở phần nghị luận xã hội, nghị luận văn học sẽ đổi mới thế nào để đảm bảo yêu cầu đó? Đâu sẽ là câu hỏi có tính phân hóa học sinh?

- Các năm trước, đề thi văn đã được ra theo hướng mở, có thể thấy rõ nhất ở câu nghị luận xã hội. Trong cấu trúc tôi đề xuất, dạng câu hỏi này vẫn được giữ. Đây sẽ là câu hỏi đề cập tới nhiều vấn đề đời sống, cơ hội cho học sinh bộc lộ suy nghĩ chủ quan nhiều nhất. So với cấu trúc cũ, điểm cho câu nghị luận xã hội cũng được tăng lên. Câu hỏi về nghị luận văn học sẽ là câu có tính phân hóa.

Sau này nếu như kỳ thi có thể kết hợp xét tốt nghiệp và tuyển sinh ĐH-CĐ thì trong phần này sẽ có những câu đảm bảo yêu cầu “tốt nghiệp” có những câu khó để phân hóa cho việc xét tuyển ĐH-CĐ. Ví dụ sẽ có thể có những câu hỏi đưa ra một nhận định và học sinh phải liên hệ, xâu chuỗi kiến thức ở nhiều tác phẩm để lý giải, phân tích vấn đề đó, hoặc so sánh giữa các tác phẩm đã học, phân tích một văn bản, đoạn trích mới mà học sinh chưa được học.

* Nói như ông thì việc đổi mới trong câu nghị luận văn học sẽ đòi hỏi cao hơn so với cách dạy - học hiện nay, học sinh phải có khả năng xâu chuỗi kiến thức, so sánh hoặc tiếp cận với một tác phẩm hoàn toàn mới. Theo ông, đổi mới này có thể áp dụng luôn trong năm nay?

- Thật ra với yêu cầu của Chương trình năm 2000 đã có thể thực hiện được ngay yêu cầu này. Tuy nhiên trong thực tế hình thức này vẫn còn gây cho học sinh nhiều lúng túng. Năm nay, kỳ thi tốt nghiệp THPT vẫn là kỳ thi riêng, độc lập với kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ. Với mục đích công nhận hoàn thành chương trình THPT thì cho dù cấu trúc mới này được lãnh đạo bộ duyệt, một số yêu cầu khó ở câu nghị luận văn học sẽ chưa áp dụng ngay và yêu cầu sẽ vừa sức, phù hợp với mục đích của kỳ thi. Nhưng việc nghiên cứu đổi mới cách ra đề thi thì phải làm từ bây giờ, với tất cả các môn học, trong đó ngữ văn sẽ là môn được làm trước.

Phân hóa năng lực học sinh

Tới đây việc dạy học ở phổ thông sẽ chuyển theo hướng phát triển năng lực, chứ không dạy cho học sinh học tác phẩm nào chỉ biết tác phẩm ấy. Nếu học sinh có năng lực, kỹ năng, tức biết cách phân tích, cảm nhận thì hoàn toàn có thể vận dụng cách thức ấy để giải quyết yêu cầu của đề thi với một tác phẩm văn học mới. Việc này cũng giúp hạn chế dạy đọc - chép, thuộc văn mẫu... Như vậy mới phân hóa được năng lực của học sinh.

Cấu trúc đề thi môn văn do PGS.TS Đỗ Ngọc Thống đề xuất

Đề thi tốt nghiệp môn ngữ văn (120 phút, không kể thời gian phát đề)

1) Đọc và trả lời các câu hỏi sau (6/20 điểm)

a) Đây là một đoạn văn nháp, trong đó còn mắc phải một số lỗi về ngữ pháp, chính tả, dùng từ, logic... Anh, chị hãy chỉ ra những sai sót đó. (2 điểm)

Đoạn văn nháp: “... cái nhìn của Nguyễn Tuân, sông Đà hiện lên là một sinh thể có linh hồn với những tính cách đối địch: vừa hung bạo, vừa dữ rằn. Đây là lối nhân cách hóa những đặc điểm vốn có của giòng sông thiên nhiên mà chực quan có thể nhìn thấy”.

b) Đoạn văn sau nói về vấn đề gì? Hãy đặt tên cho đoạn trích. (2 điểm)

“Ở người lớn tuổi ít vận động cơ bắp, nếu chế độ ăn giàu chất colesteron (thịt, trứng, sữa...) sẽ có nhiều nguy cơ bị bệnh xơ vữa động mạch. Ở bệnh này, colesteron ngấm vào thành mạch kèm theo các ion canxi làm cho mạch bị hẹp lại, không còn nhẵn như trước, xơ cứng và vữa ra.

Động mạch xơ vữa làm cho sự vận chuyển máu trong mạch khó khăn, tiểu cầu dễ bị vỡ và hình thành cục máu đông gây tắc mạch. Động mạch xơ vữa còn dễ bị vỡ gây các tai biến trầm trọng như xuất huyết dạ dày, xuất huyết não, thậm chí gây chết người”.

(Sinh học - lớp 8. NXB Giáo Dục 2007)


c) Chỉ ra các biện pháp nghệ thuật đặc sắc và tác dụng của chúng trong đoạn thơ sau (2 điểm):

“Chúng đem bom ngàn cân
Dội lên trang giấy trắng
Mỏng như một ánh trăng ngần
Hiền như lá mọc mùa xuân”


(Trang giấy học trò - Chính Hữu)


2. Cho tình huống sau: Giả sử trong những ngày tháng 5 lịch sử, tại mảnh đất Điện Biên hôm nay anh, chị được gặp một người anh hùng trong chiến dịch Điện Biên năm xưa... Anh, chị và người ấy sẽ nói với nhau chuyện gì? Đi thăm những nơi nào? Hãy ghi lại điều đó và phát biểu những suy nghĩ, cảm xúc của mình sau cuộc gặp gỡ ấy. (7/20 điểm)

3. Viết về một nhân vật trong tác phẩm văn học đã để lại cho anh, chị nhiều ấn tượng sâu đậm. (7/20 điểm)

Hoặc: Viết một bài văn trả lời câu hỏi: Cuộc sống sẽ như thế nào nếu thiếu thơ ca? (7/20 điểm)

Hoặc: Ngôn ngữ thơ VN rất giàu nhạc tính. Anh, chị hãy viết bài văn làm sáng tỏ nhận định đó qua một đoạn thơ tự chọn. (7/20 điểm)

(Theo Báo Tuổi Trẻ)


Giới Thiệu STU
Tin Nổi Bật