Trò rối vì chưa biết nên chọn môn thi nào để “an toàn” trong khi nhiều trường lúng túng với công tác tổ chức ôn tập. Đó là tình trạng chung của nhiều trường THPT một tuần trước thời điểm đăng ký môn thi tốt nghiệp (từ ngày 17-3 đến 17-4).
Quyền nằm trong tay học sinh nhưng nhiều trường THPT vẫn chỉ đạo giáo viên chủ nhiệm phải “tư vấn, phân tích tình hình” để hướng học sinh lựa chọn môn thi thích hợp.
Từ tư vấn đến vận động
Một hiệu trưởng trường THPT tại Hà Nội chia sẻ: “Nếu việc chọn môn thi để học sinh quyết định hoàn toàn, không chỉ việc tổ chức thi mà việc ôn thi cho học sinh cũng nảy sinh những tình huống khó khăn. Ví dụ như có môn học quá ít học sinh đăng ký vẫn phải tổ chức lớp ôn tập riêng. Việc tổ chức ôn thi đối với tám môn học ở một trường có khoảng 500 học sinh trở lên thì việc bố trí phòng học, giáo viên phụ trách cũng là vấn đề phức tạp. Chưa kể tới việc phải phân loại trình độ, phụ đạo học sinh yếu, kém”.
Bởi thế việc thăm dò, tư vấn vận động học sinh là cách một số trường hiện nay đang làm.
“Nếu học sinh đã chắc chắn sở trường của mình ở môn nào thì nhà trường cần tôn trọng và tạo điều kiện tổ chức ôn tập. Nhưng trong tình hình hiện nay, tôi chỉ lo con mình chọn môn không có nhiều thí sinh chọn thì cháu sẽ thiệt thòi vì trường không thể tổ chức ôn thi chu đáo Chị Lan (một phụ huynh ở Hà Nội có con năm nay thi tốt nghiệp THPT) |
“Thầy chủ nhiệm của chúng em tư vấn nên chọn môn lý, hóa, mặc dù chúng em học ban D. Thầy nói môn lý, hóa thi trong thời gian ngắn, hình thức thi trắc nghiệm dễ đạt điểm 5 trở lên... Với phân tích của thầy, nhiều bạn đã đăng ký thi địa lý thấy hoang mang, thay đổi ý định chọn môn này” - N.H., một học sinh học Trường THPT Việt Đức, cho biết.
Tại Trường THPT Kim Liên, một số học sinh cho biết thầy cô chủ nhiệm dành cả tiết học để giải thích về lợi thế của mỗi môn thi tự chọn và khuyên học sinh “nên lựa chọn tập trung vào một số môn”.
Theo một giáo viên Trường Thăng Long - Hà Nội, việc tư vấn là cần thiết vì nhiều học sinh không có đầy đủ thông tin và đăng ký môn thi một cách cảm tính. “Nhiều học sinh ban đầu nghe nói thi ngoại ngữ có phần bài luận thì lo lắng không chọn môn này, mặc dù đây là môn nằm trong khối các em thi đại học, nhưng sau khi được thầy cô trấn an về việc bài luận không quá khó và hoàn toàn ra theo kiến thức cơ bản đã học thì các em yên tâm chọn môn này” - giáo viên này nói.
Tránh chọn môn thi theo phong trào
Tại TP.HCM, đa số trường THPT đã triển khai cho học sinh chọn lựa môn thi tốt nghiệp nhưng chưa thu lại kết quả. Thậm chí tại một số trường, mặc dù đã gút lại kết quả chọn môn thi nhưng vẫn cho học sinh được thay đổi.
Cô Phạm Thị Thúy Vĩnh, hiệu trưởng Trường tiểu học THCS - THPT Ngô Thời Nhiệm, kể: “Trường tôi định hướng cho học sinh về khối thi tuyển sinh đại học ngay từ đầu năm nên hầu hết các em chọn môn thi tốt nghiệp trùng với môn thi tuyển sinh đại học. Trong đó, đa số em chọn các môn thuộc khoa học tự nhiên, chỉ vài chục em chọn thi sử, địa. Mới đây, một số em lại xin chuyển đổi từ môn sử, địa sang lý, hóa. Nhà trường cũng tôn trọng quyết định này vì các em cho rằng mình có lợi thế về lý, hóa hơn”.
Trường THPT Thủ Đức trước đây đã cho học sinh thử chọn môn thi và thu được kết quả bất ngờ: 200/650 học sinh chọn thi môn sử và hơn 180 học sinh chọn thi môn địa.
Thầy Nguyễn Hữu Diệu, hiệu trưởng Trường THPT Thủ Đức, thông tin: “Hiện trường đang cho các em chính thức chọn môn thi cùng sự tư vấn, định hướng của giáo viên. Việc chọn môn thi sẽ căn cứ vào học lực của học sinh ở lớp 12 và khối thi tuyển sinh đại học. Để tránh tình trạng chọn môn thi theo phong trào, nhất là với đối tượng học sinh trung bình, trung bình - yếu, nhà trường tư vấn học sinh nên chọn môn thi mà mình thấy tự tin nhất. Bởi với đối tượng này, mục tiêu đầu tiên của các em là phải đậu tốt nghiệp THPT trước đã”.
Chờ ngã ngũ mới ôn thi
“Với phương án thi tốt nghiệp năm nay, các trường sẽ rất khó khăn khi tổ chức ôn thi cho học sinh. Vì trong một lớp chắc chắn sẽ có nhiều sự lựa chọn môn thi khác nhau. Tôi dự kiến sắp tới cho học sinh đăng ký các môn tự chọn, đăng ký khối thi đại học trước rồi mới lên kế hoạch tổ chức ôn thi. Nhiều khi sắp xếp rồi mà vẫn có học sinh đổi môn, nhầm môn... rắc rối lắm!” - một hiệu trưởng cho biết.
Thầy Tùng Lâm, hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội), chia sẻ: “Các môn thi bắt buộc là văn, toán nhà trường đã bắt đầu triển khai tăng tiết ôn tập cho học sinh từ sau tết. Sau khi học sinh chọn xong hai môn thi tự chọn, trường sẽ căn cứ vào kết quả đăng ký để tổ chức các lớp ôn tập khác nhau”.
Thầy Phan Thanh Tùng, hiệu trưởng Trường THPT Trần Nhân Tông (Hà Nội), cũng cho biết hiện chưa chốt được số lượng học sinh đăng ký môn thi tự chọn như thế nào nên ngoài việc chỉ đạo các tổ bộ môn thực hiện dạy đủ chương trình, không cắt xén nội dung của các môn học, trường đã có hướng chuẩn bị tổ chức ôn tập theo tinh thần học sinh yếu môn nào thì ôn tập môn đó theo nguyện vọng đăng ký môn thi. Lịch ôn thi và việc tổ chức lớp ôn thi cũng phải dựa vào tình hình thực tế để điều chỉnh.
Theo cô Thúy Anh - hiệu trưởng Trường THPT Yên Hòa (Hà Nội), việc tổ chức ôn tập sẽ phức tạp hơn. Khác với các năm trước, ban giám hiệu quán triệt tới giáo viên bộ môn là môn học nào trong số tám môn cũng phải đảm nhiệm trách nhiệm ôn thi. Tuy nhiên theo một vài giáo viên Hà Nội thì “Cứ chờ ngã ngũ mới có phương án tổ chức ôn tập”.
Học sinh lớp 12 Trường THPT Kim Liên (Hà Nội) cho biết hiện một số giáo viên bộ môn của trường đã phát cho học sinh tài liệu ôn tập được biên soạn sẵn theo câu hỏi, nhưng các em vẫn chưa có kế hoạch cho ôn tập. “Yên tâm là có ba môn thi tốt nghiệp trùng với các môn thi đại học nên môn thứ tư chờ bao giờ chốt thời hạn đăng ký môn thi mới có kế hoạch ôn tập” - một học sinh Trường THPT Trần Phú nói. Cũng có những học sinh vì còn chưa quyết định chính thức được sẽ chọn môn thi nào nên đương nhiên chưa tính tới việc ôn thi.
VĨNH HÀ
Coi chừng thuận lợi thành bất lợi Theo các giáo viên chủ nhiệm lớp 12 ở TP.HCM, việc Bộ GD-ĐT cho học sinh chọn lựa môn thi là một sự thuận lợi, nhưng nếu học sinh không cẩn thận sẽ trở thành bất lợi. “Nhiều học sinh ở Hóc Môn (TP.HCM) truyền tai nhau rằng thi lý, hóa sẽ dễ kiếm điểm hơn do thi theo hình thức trắc nghiệm. Bài học hai môn này không nhiều, nếu bí quá cứ đánh đại biết đâu lại trúng. Thế nên nhiều em học sử, địa tốt hơn nhưng lại đăng ký thi lý, hóa. Đây là quan niệm sai lầm. Vật lý, hóa học tuy không phải học bài nhiều như sử, địa nhưng học sinh vẫn phải nắm vững các công thức, vẫn phải thuộc lý thuyết mới giải bài tập và đưa ra đáp án chính xác được. Các em nên chọn môn thi theo năng lực thực chất của mình chứ không nên dao động và nghe theo bạn bè” - một giáo viên chủ nhiệm ở Hóc Môn đưa ra lời khuyên. H.HƯƠNG |
(Theo Tuổi Trẻ)