Mã Trường

Mã Trường
photo-236

Tin Tức Các Báo

Cải tiến thi tốt nghiệp THPT: Đề thi tăng cường câu hỏi mở

Cập nhật 08/01/2014 - 09:39:04 AM (GMT+7)

Đề thi tốt nghiệp THPT năm nay, Bộ GD-ĐT chủ trương vẫn giữ hai phần (chung và riêng) như năm trước, tuy nhiên cũng có những điều chỉnh nhằm chuyển dần theo hướng kiểm tra năng lực học sinh - PGS.TS Mai Văn Trinh, cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục Bộ GD-ĐT, khẳng định.

Trao đổi với Tuổi Trẻ về định hướng ra đề thi năm nay, ông Mai Văn Trinh cho biết: Thực hiện đổi mới mục tiêu giáo dục tất yếu sẽ dẫn đến đổi mới về đề thi theo hướng đánh giá năng lực của học sinh. Tuy nhiên, do học sinh chưa được tiếp cận chương trình giáo dục phổ thông theo quan điểm đổi mới, nên về cơ bản đề thi vẫn bám sát chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình - sách giáo khoa hiện hành.

* Như vậy, đề thi sẽ tăng thêm những câu hỏi yêu cầu vận dụng kiến thức, kỹ năng nhằm phát huy khả năng sáng tạo của học sinh?

- Để từng bước tiếp cận với đánh giá năng lực của người học, trong đề thi tự luận năm nay sẽ tăng cường các câu hỏi nhằm phát huy khả năng vận dụng kiến thức tổng hợp của học sinh vào giải quyết các vấn đề thực tiễn, khắc phục tình trạng học sinh giải quyết vấn đề một cách máy móc theo khuôn mẫu có sẵn, hạn chế việc ra các câu hỏi yêu cầu học sinh phải nhớ máy móc các con số và sự kiện, nhất là với các môn khoa học xã hội.

Với các đề thi theo hình thức trắc nghiệm, sẽ tăng tỉ lệ các câu hỏi yêu cầu ở mức độ vận dụng kiến thức tổng hợp, giảm thiểu khả năng đoán mò của thí sinh.

* Năm nay Bộ GD-ĐT có tăng cường định hướng ra đề thi theo hướng mở không? Ngoài môn ngữ văn, những môn thi nào có khả năng và điều kiện ra theo hướng mở hoặc gắn với thông tin thời sự? Bộ GD-ĐT có chỉ đạo gì mới trong việc chấm thi những câu hỏi mở?

- Không riêng môn ngữ văn, các môn đều có thể ra đề theo hướng mở, gắn với các thông tin thời sự nhưng các môn khoa học xã hội và nhân văn thì có ưu thế hơn về mặt này. Dù là đề mở nhưng vẫn phải có đáp án, trong đáp án cần xác định những yêu cầu cơ bản mà thí sinh cần đạt được. Tuy nhiên, đây là đáp án mở.

Vì là câu hỏi mở nên thí sinh không bị ép buộc vào cách trả lời theo khuôn mẫu có sẵn, trái lại các em được trình bày vấn đề theo quan điểm cá nhân với khả năng sáng tạo và lập luận phong phú của mỗi thí sinh, phụ thuộc vào mức độ hiểu biết và năng lực từng em. Đó cũng là yêu cầu đặt ra đối với thí sinh; những bài thi xuất sắc sẽ được cho điểm cao, những bài thật xuất sắc sẽ đạt điểm tối đa.

* Theo quan điểm của Bộ GD-ĐT cách thức, nội dung thi môn ngoại ngữ trong các kỳ thi tốt nghiệp trước chưa đáp ứng yêu cầu kiểm tra năng lực toàn diện môn ngoại ngữ của học sinh. Vậy trong kỳ thi tốt nghiệp THPT tới, Bộ GD-ĐT có cải tiến gì về nội dung thi môn này để giải quyết một phần bất cập trên không?

- Trong những năm qua môn ngoại ngữ được thi theo hình thức trắc nghiệm thông qua một bài thi với thời gian làm bài 60 phút. Cách thức thi như vậy chưa đáp ứng được yêu cầu tác động nâng cao chất lượng dạy và học vì chưa đánh giá đủ các kỹ năng giao tiếp bằng ngoại ngữ. Trước mắt, trong năm tới đề thi ngoại ngữ sẽ gồm hai phần là trắc nghiệm (như trước) và có thêm phần bài luận. Bộ sẽ xem xét tăng thêm thời gian làm bài thích hợp.

* Thời gian tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay có thay đổi so với mốc thời gian đã công bố đầu năm học không, thưa ông?

- Với sự chủ động, tính toán kỹ càng, chuẩn bị đầy đủ những điều kiện và quyết định có trách nhiệm với gần 1 triệu học sinh lớp 12 chuẩn bị thi tốt nghiệp, sẽ không cần thiết phải thay đổi so với mốc thời gian đã công bố đầu năm học.

* Để bắt kịp với những đổi mới trong phương thức tổ chức thi và công nhận tốt nghiệp, theo cục trưởng, nội dung đề thi các năm tiếp theo có thay đổi gì lớn không? Học sinh lớp 10, 11 hiện nay cần bắt đầu chuẩn bị những gì cho thay đổi của các kỳ thi kế tiếp?

- Những điều chỉnh phương án thi tốt nghiệp THPT nếu được quyết định lần này sẽ được duy trì ổn định đến khi bắt đầu tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT theo chương trình - sách giáo khoa mới. Nếu phương án được các trường và dư luận xã hội ủng hộ, bộ sẽ áp dụng ngay từ kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2014. Do đó học sinh lớp 10, 11 hiện nay cần tìm hiểu phương thức thi tốt nghiệp THPT mới để có những chuẩn bị cần thiết. Trong khi nỗ lực học tập các môn có trong chương trình để đạt được yêu cầu phổ thông theo chuẩn thì các em cần xác định đúng năng lực, sở trường của mình để phát huy thế mạnh của bản thân theo hướng tiếp cận nghề nghiệp trong tương lai.

Mặc dù chương trình - sách giáo khoa hiện hành chưa đạt được mức độ tích hợp cao nhưng vẫn có thể sử dụng các câu hỏi yêu cầu học sinh phải vận dụng kiến thức tổng hợp của từng môn hoặc ra các đề thi yêu cầu vận dụng kiến thức liên môn ở mức độ nhất định và học sinh có thể đáp ứng được. Những năm gần đây đề thi đã chú ý tiếp cận hướng đổi mới này để điều chỉnh cách dạy, cách học, nâng cao chất lượng giáo dục. Đây cũng là bước chuẩn bị cần thiết, tạo điều kiện để các em từng bước nâng cao năng lực vận dụng kiến thức tổng hợp, liên môn vào giải quyết các vấn đề của thực tiễn.

Nắm bắt các vấn đề của đời sống xã hội

Để có thể trả lời tốt các câu hỏi mở, ngoài những kiến thức trong khuôn khổ sách giáo khoa đã được trang bị ở bậc THPT, các em cần tích lũy thêm những kiến thức về hiểu biết xã hội, vận dụng kiến thức đã học vào thực tiễn, cố gắng nắm bắt các vấn đề của đời sống xã hội qua các kênh thông tin khác nhau, rèn luyện năng lực tư duy độc lập, năng lực diễn đạt các suy nghĩ của bản thân... Đó chính là những năng lực cần có của những người trưởng thành.

Với môn ngoại ngữ, các em cũng cần rèn luyện năng lực viết bài luận để đáp ứng được yêu cầu của đề thi theo hướng mở.

PGS.TS Mai Văn Trinh

4 điểm được, 2 điểm chưa được

Đó là đánh giá của TS Hồ Thiệu Hùng, nguyên giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, về dự thảo đổi mới thi tốt nghiệp THPT của Bộ GD-ĐT.

Thứ nhất, xu hướng dân chủ hóa, lấy người học làm trung tâm đã thể hiện rất rõ qua việc để học sinh được lựa chọn hai môn thi theo sở trường và nguyện vọng vào ban thích hợp khi thi đại học. Nhờ biện pháp này mà học sinh có thể học ôn sâu môn mình sẽ lựa chọn khi thi vào đại học, đỡ phải nhọc công ôn một môn mà ngay sau kỳ thi tốt nghiệp mình phải vội vàng “xóa” khỏi bộ nhớ để học môn thi đại học. Vì lẽ đó học sinh chắc chắn sẽ vui mừng vì được học “lệch” theo định hướng tích cực. Đồng thời sau tháng 3, các trường cũng khó lòng cắt xén chương trình bất kỳ môn nào có thi đại học, trừ khi phải xếp lại các lớp học theo ban.

Thứ hai, quan niệm về giáo dục toàn diện đã được nhận thức khác đi. Bộ GD-ĐT đồng ý việc “học lệch chính đáng” nếu học sinh bảo đảm một mặt bằng kiến thức và kỹ năng bình thường rồi lựa chọn môn phù hợp để học sâu hơn. Thay vì tăng thêm môn thi theo đòi hỏi giáo dục toàn diện “học gì thi nấy”, bộ đã uyển chuyển và linh hoạt đưa kết quả học tập trong năm làm 50% căn cứ để xét tốt nghiệp, 50% còn lại là điểm thi tốt nghiệp bốn (hoặc năm) môn. Quy định trên khiến học sinh học đủ các môn, bớt học lơ là các môn không thi đại học.

Thứ ba, dù áp dụng phương án 1 hay 2 ngay trong năm nay thì học sinh không gặp khó khăn nào đáng kể mà ngược lại còn mừng.

Thứ tư, phương án thi mới tiết kiệm được thời gian, giảm bớt căng thẳng cho học sinh, giảm bớt tốn kém trong di chuyển của dân và trong tổ chức thi.

Nếu trong đề án đổi mới thi tốt nghiệp THPT năm nay có vấn đề chưa hợp lý thì đó chính là quy định mở rộng diện miễn thi tốt nghiệp lên đến ngưỡng 20% số học sinh lớp 12. Con số 20% này được hình thành qua thống kê các kỳ thi tốt nghiệp thường có trên 20% tốt nghiệp loại khá và giỏi. Vì số này dư sức đậu nên theo bộ cho miễn thi là hợp lý và tiết kiệm được đáng kể. Dù biết là tỉ lệ tốt nghiệp loại khá và giỏi này hoàn toàn không phân bố đều theo từng tỉnh nhưng bộ lại chiếu cố cho tỉnh nào cũng được xét miễn thi không quá 20% học sinh. Đây là bất hợp lý thứ nhất.

Bất hợp lý thứ hai là việc cụ thể hóa ba tiêu chí trên để lập danh sách miễn thi được bộ giao cho các sở, các trường chịu trách nhiệm. Mà ba tiêu chí do bộ đưa ra là khá chung chung: kết quả học tập rèn luyện của học sinh trong ba năm học THPT; kết quả các kỳ thi học sinh giỏi các cấp; các kỳ thi khoa học - kỹ thuật, trí tuệ dành cho học sinh THPT được tổ chức ở cấp quốc gia và quốc tế. Người có kinh nghiệm quản lý giáo dục ở VN hiện nay đều có thể thấy đây chính là lỗ hổng lớn để tiêu cực, tùy tiện len vào, làm biến dạng tính công bằng trong một kỳ thi. Có thể thấy trước tình trạng những tỉnh có tỉ lệ miễn thi sát với con số 20% nhất sẽ không chỉ gồm các tỉnh có chất lượng dạy và học cao nhất, bởi tội gì mà tỉnh mình không tận dụng chỉ tiêu và tính chưa rõ ràng của ba tiêu chí để “thương học sinh”. Sẽ có chuyện “chạy” để được miễn thi.

Quyết định đúng đắn

Có thể thấy dù muốn đưa ngoại ngữ thành môn thi bắt buộc nhưng Bộ GD-ĐT đã nhận thấy những hạn chế cơ bản của việc dạy ngoại ngữ hiện nay nên tạm thời chuyển ngoại ngữ thành môn thi khuyến khích. Đây là một quyết định đúng đắn. Hai phương án khác nhau không nhiều (môn ngoại ngữ trong phương án 1 là khuyến khích, trong phương án 2 là bắt buộc) và đều có những cơ sở chung rất tiến bộ.

(Theo Báo Tuổi Trẻ)


Giới Thiệu STU
Tin Nổi Bật