Mã Trường

Mã Trường
photo-209

Nghiên Cứu Khoa Học

Nhiều lựa chọn công nghệ cho điện hạt nhân Việt Nam

Cập nhật 31/10/2012 - 09:18:14 AM (GMT+7)

Tại Triển lãm quốc tế Điện hạt nhân lần thứ 5 được tổ chức tại Hà Nội, các công ty điện hạt nhân đến từ các nước Canada, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Nga, Nhật Bản, Pháp đã giới thiệu những công nghệ sản xuất điện hạt nhân tiên tiến, phòng chống thiên tai, ứng phó sự cố...

Nhiều công nghệ

Nhật Bản được xem là một trong những cường quốc về điện hạt nhân. Ông Junichi Iwasaki, Cục Năng lượng và tài nguyên Nhật Bản cho biết, trong những năm 1980 và 1990 có thể nói là thời kỳ mùa đông toàn cầu về năng lượng hạt nhân nhưng Nhật Bản vẫn tiếp tục xây dựng các nhà máy điện hạt nhân và tự hào về năng lực xây dựng “đúng tiến độ, đúng ngân sách”. Hiện nay, có ba nhà cung cấp năng lượng hạt nhân đang nắm giữ công nghệ lò nước nhẹ cải tiến (LWR) thế hệ III+. Trong đó, Hitachi và Toshiba là hai nhà cung cấp chính lò phản ứng nước sôi cải tiến (ABWR) còn Mitsubishi Heavy Industries là nhà cung cấp chính lò phản ứng nước áp lực cải tiến (APWR). Lò phản ứng nước nhẹ thế hệ III+ được xem là hiện đại nhất hiện nay với độ an toàn cao nhất.

Ngay sau sự cố nhà máy điện hạt nhân Fukushima hồi tháng 3/2011, Nhật Bản đã xây dựng và thực hiện 30 biện pháp trong Pháp quy hạt nhân mới để vận hành các nhà máy điện hạt nhân với nội dung ngăn ngừa mất chứng năng do lỗi thông thường, ngăn ngừa tai nạn nghiêm trọng và ngăn chặn việc thoát phóng xạ. “Các biện pháp bắt buộc các nhà máy điện hạt nhân phải chịu được các trận động đất lên tới 1260 Gal và sóng thần cao tới 11,4 mét trên mực nước biển nhờ có việc đảm bảo nguồn điện và nước làm mát” - ông Junichi Iwasaki nói.

Tại triển lãm, Pháp cũng giới thiệu công nghệ lò phản ứng áp lực nước (REP) Atmea-1 thế hệ III+ có công suất 1100 MWe. Theo ông Bernard Bigot, Chủ tịch Ủy ban quốc gia về năng lượng nguyên tử và Năng lượng thay thế của Pháp (CEA), thế hệ lò mới này tích hợp các tiến bộ công nghệ mới nhất, hạn chế tối đa phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính, ít gây ảnh hưởng tới sức khỏe cộng đồng và môi trường, bảo vệ chống lại máy bay dân sự rơi, chống động đất và lụt lội, đảm bảo tuân thủ các tiêu chí an toàn khắt khe nhất theo các yêu cầu của Cơ quan an toàn hạt nhân quốc tế. “Các kết quả kiểm nghiệm độ an toàn cho thấy, các lò phản ứng Atmea-1 đã không bị ảnh hưởng bởi các trận động đất, sóng thần có cường độ tương tự thậm chí cao hơn trận động đất, sóng thần tại Nhật Bản hồi tháng 3/1011” - ông Bernard Bigot cho hay.

Người dân tìm hiểu mô hình các lò hạt nhân tiên tiến của Nhật Bản.


Lò phản ứng nước áp lực cải tiến APR 1400 do nhà sản xuất và cung cấp điện lớn nhất Hàn Quốc KHNP giới thiệu cũng có nhiều ưu điểm vượt trội trong việc nâng cao độ an toàn, giảm tần suất phá hủy vùng hoạt động lò phản ứng và hỏng nhà lò, tăng cường khả năng chống động đất cường độ cao, giảm thiểu tai nạn nghiêm trọng… Hay lò phản ứng ESBWR của công ty GE Hitachi (Mỹ) được thiết kế an toàn dựa trên đánh giá về tần suất phá hủy. Thậm chí, hệ thống an toàn thụ động giữ mát lò phản ứng được hơn 7 ngày mà không cần nguồn điện AC hoặc thao tác của nhân viên vận hành mà không một thiết kế nào khác có được khả năng này.

Sẽ lựa chọn công nghệ an toàn nhất

Ông Phan Minh Tuấn, Phó trưởng Ban Quản lý dự án điện hạt nhân Ninh Thuận cho biết, sau sự cố nhà máy điện hạt nhân Fukushima, Việt Nam vẫn đang có những bước tiến mới trong tiến trình xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên chưa có gì thay đổi mà vẫn theo lộ trình đã được Quốc hội phê duyệt. Tuy nhiên, bên cạnh việc kiên định với việc phát triển năng lượng hạt nhân, Việt Nam vẫn đang tìm kiếm những nguồn năng lượng mới, năng lượng tái tạo nhằm đảm bảo an ninh năng lượng và bảo vệ môi trường.

Phát biểu tại Triển lãm, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Việt Thanh cho biết, dự án điện hạt nhân Ninh Thuận là dự án điện hạt nhân đầu tiên của Việt Nam nên cần thực hiện hết sức chặt chẽ. Việc chuẩn bị đầu tư và đầu tư phát triển các dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và Ninh Thuận 2 phải đảm bảo được 3 yêu cầu cơ bản là đảm bảo an toàn, anh ninh cao nhất; thực hiện đúng quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam về đầu tư xây dựng và phù hợp với tài liệu hướng dẫn của cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế và dự án phải có hiệu quả kinh tế.

“Dựa trên năng lực tư vấn của các tổ chức, công ty nước ngoài, kinh nghiệm triển khai các dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân của một số nước đặc biệt là khả năng đảm bảo độ an toàn và hoàn thiện các biện pháp phòng chống thiên tai và ứng phó sự cố hạt nhân, Việt Nam sẽ có những thông tin bổ ích về công nghệ và an toàn, phục vụ cho dự án điện hạt nhân Ninh Thuận” - Thứ trưởng Trần Việt Thanh nhấn mạnh.

(Theo Báo Dân Trí)

Các Nội Dung Liên Quan