Mã Trường

Mã Trường
photo-209

Nghiên Cứu Khoa Học

Nhà khoa học chờ tiền, tiền chờ nhà khoa học

Cập nhật 24/09/2012 - 09:17:15 AM (GMT+7)

Trong khi Bộ trưởng Bộ Khoa học và công nghệ (KHCN) Nguyễn Quân phản ảnh tình trạng các nhà khoa học mỏi cổ chờ tiền, từ khi trình bày ý tưởng đến khi được cầm tiền để nghiên cứu phải mất hai năm, thì Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Thị Minh khẳng định tiền vẫn nằm ở các kho bạc chờ nhà khoa học.

 

Đây là nghịch lý vừa được mổ xẻ tại phiên giải trình về “Cơ chế tài chính và huy động các nguồn lực đầu tư nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động KHCN” ngày 22-9 do Ủy ban KHCN và môi trường của Quốc hội tổ chức.

“Kinh tế thị trường nhưng tư duy bao cấp”

Theo Bộ trưởng Nguyễn Quân, với mức chi 2% tổng chi ngân sách cho KHCN thì VN thuộc nhóm quốc gia có tỉ lệ chi cao, thậm chí cao hơn cả các nước có nền khoa học phát triển. “Tuy nhiên, bất cập lớn nhất là nguồn chi cho KHCN của nước ta chủ yếu do ngân sách nhà nước, trong khi các nước khác đầu tư ngoài ngân sách rất lớn, thường gấp 3-5 lần, thậm chí có nước gấp 10 lần nguồn đầu tư từ ngân sách nhà nước” - ông Quân cho hay.

Tiền ít, nhưng khi phân bổ về địa phương thì “gần một nửa bị chi sai mục đích, số còn lại chi dàn trải, hiệu quả không cao”. Đã thế, theo Bộ trưởng Quân, điều mà các nhà khoa học thấy nhức nhối nhất là cơ chế chi tiền: Ở các quốc gia khác, khi các nhà khoa học đề xuất hoặc có ý tưởng nghiên cứu vào lúc nào thì sẽ được nhận tiền lúc đó; còn ở ta thường hai năm sau khi đề xuất mới nhận được kinh phí. “Cơ chế như vậy làm nản lòng các nhà khoa học. Nghiên cứu khoa học mà cứ phải dự trù như các dự án khác, nghĩa là chỉ được sáng tạo trong những nội dung đã được giới hạn, đăng ký trước thì làm gì có sáng tạo” - GS Đặng Hữu, nguyên bộ trưởng Bộ KHCN, bình luận.

Đại biểu Hoàng Thị Tố Nga chất vấn: “Phải chăng KHCN của VN không cất cánh được là do cách chúng ta đối xử với chất xám? Học sinh giỏi không muốn thi vào các ngành khoa học cơ bản, nhà khoa học giỏi bỏ cơ sở nghiên cứu đi làm việc cho doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài”. Đại biểu Bùi Thị An truy trách nhiệm rằng: “Lỗi tại ai, vĩ mô hay vi mô? Tại sao cứ để các nhà khoa học vừa bắt đầu nghiên cứu lại phải chụm đầu để lo hóa đơn, hợp thức hóa để thanh toán?”.

“Lỗi tư duy. Chúng ta đã sống trong thời buổi kinh tế thị trường nhưng tư duy quản lý thời bao cấp. Chúng ta vẫn lập kế hoạch, chờ cấp tiền, đến khi có tiền thì có thể đề tài đã lỗi thời, mà KHCN trên thế giới phát triển như vũ bão. Lỗi thứ hai là lỗi cơ chế chính sách chưa khuyến khích giới khoa học và doanh nghiệp đầu tư cho KHCN. Thứ ba là một phần lỗi thuộc về các nhà khoa học vẫn có tâm lý trông chờ nhà nước” - Bộ trưởng Quân thẳng thắn.

Bộ trưởng Bộ Khoa học và công nghệ Nguyễn Quân trả lời câu hỏi của các đại biểu tại phiên giải trình về “Cơ chế tài chính và huy động các nguồn lực đầu tư nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động khoa học và công nghệ”

 

“Tiền luôn sẵn ở kho bạc”

Giải trình tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Thị Minh khẳng định: “Hằng năm chúng tôi luôn dành đủ 2% tổng chi ngân sách và tiền luôn nằm ở kho bạc chờ các nhà khoa học. Nếu có đề tài, có nhiệm vụ KHCN được phê duyệt thì ra kho bạc lấy tiền. Cái khó ở đây là làm sao để tiêu được đồng tiền đó. Vướng mắc ở chỗ nhà khoa học có ý tưởng, nhưng chúng tôi không thể cấp tiền cho ý tưởng mà phải có đề án, có nhiệm vụ rõ ràng. Như vậy các đề tài, nhiệm vụ khoa học cần được phê duyệt sớm, chứ như Bộ trưởng Nguyễn Quân nói là mất hai năm thì có lẽ do quy trình tuyển chọn, thẩm định, phê duyệt đề tài. Năm 2012 cũng vẫn đang còn 400 tỉ đồng nằm chờ”.

Cái khó, theo Bộ trưởng Quân, là hiện nay cứ đến ngày 31-7 hằng năm bộ phải tập hợp các đề tài, nhiệm vụ KHCN để gửi Bộ Tài chính dự trù ngân sách, mỗi năm chỉ phê duyệt một lần. Có nghĩa là những đề xuất sau ngày này phải chờ thêm một năm nữa. “Cơ chế chi của chúng ta không giống nước nào. Tất cả các nước đều dùng cơ chế quỹ KHCN, những đề xuất hợp lý là được cấp tiền ngay, tiền tiêu chưa hết sẽ được tự động chuyển nguồn sang năm sau, không phải theo năm tài chính. Chúng ta thì chi theo dự toán nên các nhà khoa học muốn rút tiền phải nộp đầy đủ chứng từ, trong khi nghiên cứu đề tài là một quá trình chứ không phải sau mỗi công đoạn nào đấy là có đủ chứng từ được” - ông Quân nói.

Ông Quân đề xuất thay đổi chính sách chi cho KHCN: những nhà khoa học hàng đầu và các nhà khoa học trẻ tài năng phải được nhận lương cao; thí điểm cơ chế khoán chi đến sản phẩm cuối cùng, Nhà nước sẽ mua sản phẩm KHCN, điều này sẽ khắc phục được tình trạng nhà khoa học phải lo hóa đơn để hợp thức các khoản thanh toán; các nhà khoa học phải sống bằng kết quả nghiên cứu, chứ không phải như hiện nay là nhiều nhà khoa học sống bằng đề tài.

Đồng ý với ông Quân, bà Minh cho rằng nên chi tiền theo nhiệm vụ khoa học và có chính sách lương riêng cho giới khoa học, những người giỏi phải được nhận mức lương cao gấp nhiều lần trung bình. Tuy nhiên, bà Minh cũng bình luận rằng để sự nghiệp KHCN phát triển thì nhất thiết phải huy động nguồn lực xã hội, đặc biệt là doanh nghiệp như thông lệ quốc tế. “Các nước thì ngân sách chi 1, xã hội và doanh nghiệp chi 3-5 lần; còn ở ta ngân sách chi 1, nguồn lực ngoài ngân sách chỉ chi 0,3. Tôi cho rằng nếu người ta nhận 1 đồng từ ngân sách và phải bỏ thêm vào 3-4 đồng nữa để nghiên cứu thì việc lựa chọn đề tài, ý tưởng sẽ phải cân nhắc hơn, hiệu quả hơn” - bà Minh nói.

 

Bảo vệ môi trường: giới khoa học bị đứng ngoài cuộc

Theo số liệu được công bố tại hội thảo “Hài hòa mục tiêu phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường ở Việt Nam” mới đây, trong tổng số 451 tỉ đồng ngân sách sự nghiệp môi trường chi cho các bộ và các cơ quan trung ương khác năm 2010, có đến 90,12% được chuyển vào tài khoản của các bộ. Con số này của năm 2012 thậm chí còn lên đến 93,38%. Phần ít ỏi còn lại được phân bổ cho các đoàn thể chính trị, các viện - trường đại học quốc gia và Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam - VUSTA.

Ông Ngô Thuần Khiết - phó trưởng ban khoa học, công nghệ và môi trường (VUSTA) - cho rằng: “Bảo vệ môi trường là sự nghiệp của toàn dân, nhưng tư duy quản lý vẫn coi là việc riêng của Chính phủ, thể hiện qua việc phân bổ ngân sách sự nghiệp cho môi trường. Giới khoa học bị đứng ngoài cuộc, bị coi rẻ. Chừng nào còn giữ tư duy này thì chừng đó chúng ta cũng chỉ có thể ngồi đây mà phê phán với nhau”.

Theo ông Khiết, Chính phủ cũng cần nhìn nhận lại vai trò của các nhà khoa học, bởi đây mới là những người đóng vai trò chính trong công tác bảo vệ môi trường. “Phải chăng chỉ cần phát động phong trào thanh niên, phụ nữ, nông dân, cựu chiến binh tham gia là ô nhiễm môi trường được xử lý, hệ sinh thái được phục hồi, đa dạng sinh học được phát triển? Và các nhà khoa học thì làm không tốt bằng?” - ông Khiết nói.

 (Theo Báo Tuổi Trẻ)

Các Nội Dung Liên Quan