Mã Trường

Mã Trường
photo-209

Tin Đào Tạo

STU tổ chức Hội thảo "Nhu cầu nhân lực các ngành công nghệ - Vì sao nên chọn học ngành công nghệ?"

Cập nhật 03/08/2012 - 10:45:00 PM (GMT+7)

Ngày 30/7/2012, Trường Đại học Công nghệ Sài Gòn phối hợp với Ban quản lý khu công nghệ cao Tp. HCM tổ chức buổi hội thảo với chủ đề “Nhu cầu nhân lực các ngành công nghệ - Vì sao nên chọn học ngành công nghệ?”. Đến tham dự hội thảo gồm các khách mời là GS. Phạm Phụ - Chuyên gia cao cấp về giáo dục, TS. Vũ Đức Tiến – Phó Phòng THCN Sở Giáo dục & Đào tạo TP.HCM, TS. Nguyễn Đức Nghĩa – Phó Giám đốc Đại học quốc gia TP.HCM, Phó Chủ nhiệm chương trình Giáo dục, Đào tạo, Thể dục thể thao (Sở KHCN TP.HCM), PGS.TS. Nguyễn Thiện Tống – Chuyên gia giáo dục, TS. Dương Minh Tâm – Phó Ban quản lý Khu công nghệ cao TP.HCM, Ông Trần Anh Tuấn – Phó Giám đốc thường trực Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP.HCM, PGS.TS. Hoàng Đình Chiến – Đại học Bách Khoa TP.HCM, TS. Nguyễn Tiến Dũng – Trưởng Phòng Đào tạo Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, GS.TSKH Bùi Song Cầu – Hiệu trưởng Trường Đại học Cửu Long, các nhà báo…cùng với Hội đồng quản trị, Ban Giám hiệu nhà trường và các trưởng khoa, phòng, ban. Chương trình được truyền hình trực tiếp trên website Trường Đại học Công nghệ Sài Gòn tại địa chỉ: www.stu.edu.vn 

Tham gia buổi hội thảo, các chuyên gia về giáo dục có những bài tham luận, trao đổi ý kiến rất sâu sắc và đầy ý nghĩa, cụ thể:
GS.TS. Đào Văn Lượng: Bài tham luận: Nhu cầu nhân lực các ngành công nghệ.
  GS. TS. Đào Văn Lượng nhấn mạnh rằng: Nguyên nhân dẫn đến xu thế các thí sinh lựa chọn ngành kinh tế nhiều hơn ngành công nghệ là:
-    Thời gian qua nhu cầu nhân lực những ngành QTKD và Tài chính ngân hàng tăng lên do sự ra đời của nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ;  
-    Khao khát muốn làm chủ doanh nghiệp của thế hệ trẻ và gia đình; 
-    Công tác điều tra và dự báo của nhà nước yếu hoặc không có; Công tác tuyên truyền hướng nghiệp của các cấp rất yếu hoặc hầu như không có; 
-    Đầu tư để xây dựng các cơ sở đào tạo công nghệ đủ trang thiết bị là rất lớn nên các trường ngoài công lập ít chọn; mặt khác lại không có sự hỗ trợ của nhà nước; nên hầu hết cơ sở đào tạo công nghệ NCL chưa đạt chuẩn, sự thu hút người học yếu.


GS.TS. Đào Văn Lượng - Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ Sài Gòn mở đầu chương trình với bài tham luận của mình

Hội đồng Quản trị tham gia chương trình hội thảo

GS. Phạm Phụ: Bài tham luận: Vấn đề về chính sách giáo dục ngành kỹ thuật.
Thông qua buổi hội thảo, GS. Phạm Phụ rất hoan nghênh khi STU kết hợp với Khu công nghệ cao TP.HCM đã tổ chức buổi hội thảo bàn về nhu cầu nhân lực các ngành công nghệ, đây là chủ đề đang rất cần được qun tâm của xã hội và đất nước.
TS. Nguyễn Đức Nghĩa: Bài tham luận: Định hướng ngành nghề tuyển sinh.
Hiện nay, đa số các em lựa chọn ngành nghề theo gia đình quyết định, theo bạn bè…
Các trường Đại học, Cao đẳng ngày càng “mọc lên như nấm”, làm cho các em phân tán và không định hướng cho mình được.
Một phần nữa cũng do chất lượng đào tạo, ngay cả trường Đại học Quốc gia TP.HCM cũng chưa đạt tầm một đại học nghiên cứu.
Số sinh viên đang học các ngành tự nhiên thấp, nhưng thấp tới mức nguy cơ cao chưa thì không ai dám nói.
Kết thúc bài tham luận, TS. Nguyễn Đức Nghĩa phát biểu: Chúng ta nên khuyến cáo đào tạo theo các ngành chủ lực của thành phố, phát triển xu thế chuyển đổi cơ cấu các ngành đào tạo theo hướng công nghệ.


TS. Nguyễn Đức Nghĩa - Phó Giám đốc Đại học Quốc gia TP.HCM phát biểu bài tham luận

TS. Dương Minh Tâm: Bài tham luận: Nhu cầu nhân lực công nghệ và chính sách từ Nhà nước.
TS. Dương Minh Tâm đưa ra biểu đồ dẫn chứng nhu cầu nhân lực các ngành công nghệ của TP.HCM là rất lớn. Kỳ vọng của lãnh đạo thành phố là đến năm 2020 nước ta hoàn toàn trở thành một nước công nghệ hóa, hiện đại hóa.
Tuy nhiên, nguồn nhân lực của chúng ta hiện nay chất lượng đào tạo không cao. Hiện trạng về nhân lực ở khu công nghệ cao TP.HCM thì lao động phổ thông chiếm đến 60%, chúng ta chủ yếu là gia công về lắp ráp và kiểm định sản phẩm. Trong khu công nghệ cao, phần lớn lắp ráp là công nhân, kỹ sư thì bảo trì.
Phía doanh nghiệp luôn luôn và rất cần những kỹ sư giỏi, mà hiện nay nước ta chưa đáp ứng được.


TS. Dương Minh Tâm - Phó Ban quản lý Khu công nghệ cao TP.HCM phát biểu bài tham luận

PGS.TS. Nguyễn Thiện Tống: Bài tham luận: Lòng say mê khoa học kỹ thuật.
Hiện nay, các bạn thí sinh chủ yếu chọn các ngành dễ đậu, ngành dễ xin việc, chứ không chọn ngành theo đam mê và là công việc theo suốt cuộc đời.
Ở nước ta, tuyển sinh rất máy móc, giáo dục cứng nhắc, học cái hiện có chứ không khuyến khích sáng tạo, tự do.
Vấn đề là làm thế nào để phát triển lòng say mê khoa học kỹ thuật của học sinh sinh viên.
-    Lòng đam mê nghiên cứu khoa học kỹ thuật. Công việc nghiên cứu khoa học vừa mang tính sáng tạo vừa đem lại những thành quả trí tuệ rất hữu ích, cho cả cộng đồng, cho cả xã hội. Trong nhiều trường hợp những phát minh khoa học vĩ đại còn mang lại tiến bộ cho nhân loại trên toàn thế giới.
-    Đại học phải là môi trường phát triển lòng đam mê khoa học kỹ thuật của sinh viên.
-    Những nhà nghiên cứu khoa học kỹ thuật trẻ.
-    Một môi trường đại học thuận lợi cho việc phát triển lòng say mê khoa học kỹ thuật.
Kết luận bài tham luận thầy nhấn mạnh: Chuẩn bị nhân lực cho việc hiện đại hóa đất nước nên cần có những môn học cho sinh viên tự nghiên cứu, nên đề cao khoa học kỹ thuật trong trường học và là ngôi sao của học sinh sinh viên. Hoạt động đam mê công nghệ các trường nên thúc đẩy lòng say mê khoa học công nghệ của tuổi trẻ.
Do đó chúng ta cần thay đổi cách tuyển sinh, cho phép việc chuyển đổi ngành học dễ dàng, và trên hết chúng ta cần xây dựng một môi trường đại học thuận lợi cho việc phát triển lòng say mê khoa học kỹ thuật. 
Ông Trần Anh Tuấn: Bài tham luận: Nhu cầu nguồn nhân lực công nghệ tại TP.HCM.
-    Chúng ta hiện nay đang thiếu hay không thiếu ngành công nghệ? Công tác cân đối cung cầu lao động, các giải pháp kết nối, thúc đẩy là của Nhà nước. Nghịch lý của sự thiếu thừa lao động, mất cân đối về cơ cấu đào tạo và sử dụng lao động. Chúng ta đang thừa nhưng cũng đang thiếu. Doanh nghiệp khi cần thì gọi, gọi rồi lại chê.
-    Phù hợp nghề: Hiện nay học sinh thiếu thông tin về các ngành nghề, vì vậy phải có hệ thống tính toán và hướng nghiệp bài bản. Đồng thời, công tác hướng nghiệp đối với học sinh, hiện nay chỉ tập trung vào nhóm ngành kinh tế sẽ tạo nguy cơ mất cân đối nguồn nhân lực trong xã hội. Nếu không chú trọng lĩnh vực then chốt, sẽ không thu hút được người giỏi vào những ngành công nghệ cao.
-    Chúng ta đang ở trong tình trạng là ngành nghề thu hút ít nhưng đào tạo nhiều, ngành nghề cần nhưng lại đào tạo ít.
-    Chính sách sử dụng: đây là vấn đề quan trọng nhất, vì bản thân thị trường lao động chưa thể cân đối.
-    Nghịch lý cung cầu: sinh viên học sai nghề dẫn đến thừa lao động. Hiện nay chúng ta thiếu về số lượng nhưng cũng thiếu về chất lượng dẫn đến tình huống trình độ cao cấp không tìm được việc làm, thất nghiệp. 
Vì vậy, Nhà nước phải nâng cao, thúc đẩy các ngành công nghệ hơn nữa, sử dụng lao động công nghệ một cách hiệu quả và tạo điều kiện cho người lao động có ý thức mở rộng kiến thức nghề nghiệp, nâng cao năng lực, tư duy khoa học, độc lập, lao động sáng tạo, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, áp dụng công nghệ mới để không ngừng phát triển kỹ năng nghề nghiệp.
Chương trình hội thảo kết thúc vào lúc 11h30 với bài phát biểu tổng kết hội nghị của GS.TS. Đào Văn Lượng – Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ Sài Gòn. Trong đó, kết luận: Vai trò mang tính quyết định là Nhà nước, những cơ quan dự báo về nguồn nhân lực cần có chính sách cụ thể cũng như định hướng nguồn nhân lực cụ thể để tác động người học chọn các ngành công nghệ, khuyến khích các trường đào tạo công nghệ để có nguồn nhân lực đúng chất và đủ lượng phục vụ cho mục tiêu “công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước”. Vai trò của các doanh nghiệp sử dụng nhân lực cần có trách nhiệm với cơ sở đào tạo: hỗ trợ đầu tư theo ngành nghề, chế độ lương bổng khuyến khích cho kỹ sư, tạo điều kiện cho sinh viên thực tập.

                                                                                                                                                                                                                            Mỹ Lệ