Mã Trường

Mã Trường
photo-209

Sinh Viên nghiên cứu Khoa học

Những sáng tạo vì cộng đồng

Cập nhật 06/10/2015 - 01:00:00 AM (GMT+7)

Techmart 2015 đã trở thành điểm đến thú vị của hàng ngàn người dân thủ đô những ngày đầu tháng 10 này.

Máy hút thổi bắp của Công ty TNHH MTV sản xuất máy cơ khí nông nghiệp Tây Đô (Đồng Tháp)

Không chỉ là sự kiện được chú ý bởi các nhà khoa học, giảng viên, sinh viên, giới doanh nghiệp, Techmart còn thu hút sự quan tâm của đông đảo người tiêu dùng.

Lý do thật đơn giản: phần lớn sản phẩm, giải pháp được trưng bày, giới thiệu và tiếp thị tại đây đã thật sự bước ra khỏi phòng thí nghiệm, nhà xưởng đến với cuộc sống đời thường, trở thành những sản phẩm đáp ứng nhu cầu của đời sống và sản xuất.

Từ phòng thí nghiệm đến đời sống

Thầy trò bộ môn kỹ thuật y sinh (Trường ĐH Quốc tế, ĐH Quốc gia TP.HCM) mang đến một loạt sản phẩm nghiên cứu có tiềm năng ứng dụng vào lĩnh vực chăm sóc y tế như: thiết bị đo điện tim không dây, xe lăn điều khiển bằng mũ đội trên đầu dành cho người bị khuyết tật cả tay và chân...

Các sản phẩm này đều đã bước sang giai đoạn nghiên cứu hoàn thiện sản phẩm, chỉ cần thêm bước nghiên cứu đầu tư để có thể sản xuất hàng loạt.

Không ít khách tham quan thích thú với thiết bị làm giá đỗ sạch phiên bản tự động do TS Đỗ Ngọc Chung (Đại học Quốc gia Hà Nội) sáng chế. Máy đơn giản, chỉ cần ngâm đậu xanh, trải đậu lên trên mặt phên và ủ giá.

Thiết bị sẽ tự động điều chỉnh độ nén. Sau ba ngày, người dùng có giá để ăn, có thể làm giá đậu tương, các loại rau mầm khác.

Chị Hoàng Tú Lan (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) nhận xét thiết bị này rất dễ sử dụng, thuận tiện cho những người làm nghiệp dư, ít thời gian như chị và hoàn toàn có thể cung cấp đủ rau mầm sạch, giá đỗ sạch cho cả gia đình sử dụng.

Nhiều sản phẩm thông dụng phục vụ sinh hoạt hằng ngày từ các nhà sáng chế không chuyên cũng xuất hiện tại Techmart 2015, như máy rửa ly của nhà sáng chế Nguyễn Duy Linh (TP.HCM) có công suất rửa 1.000 chiếc ly/ngày, tương đương 12 lao động, phù hợp với nhà hàng, quán ăn, công sở, trường học; hay chiếc kéo có thể cắt tỉa trái cây trên cao của ông Lê Phước Lộc (Tiền Giang)...

Không chỉ có sản phẩm phục vụ đời sống dân sinh, các trường ĐH, viện nghiên cứu còn mang đến Techmart 2015 những sản phẩm công nghệ có giá trị, phục vụ các lĩnh vực quốc phòng, an ninh.

Máy bay không người lái Pelican VB - 01 do Viện Vật lý ứng dụng và thiết bị khoa học chế tạo có trần bay 3,5km, bán kính bay 50km trong thời gian 90 phút. Thiết bị được chế tạo bằng sợi cacbon, nhẹ, cứng, có giá trị khoảng 100.000 USD. Pelican VB - 01 đang được bay thử, có thể ứng dụng trong quan sát môi trường, rừng, hệ sinh thái, khu vực địa hình khó, quan sát kín, trinh sát quốc phòng...

Rất nhiều khách tham quan dừng chân ngắm mô hình tàu quân y K123 (HQ 561) - bệnh viện trên biển, phục vụ khám chữa bệnh cho quân dân quần đảo Trường Sa, do Viện Khoa học công nghệ tàu thủy đóng mới theo đơn đặt hàng của hải quân. Con tàu có lượng giãn nước 2.200 tấn, tốc độ tối đa 16 hải lý/h, chở tối đa 180 người, thời gian đi biển 40 ngày.

K123 được trang bị đầy đủ thiết bị y tế, phòng mổ, các phòng chức năng, 15 giường bệnh và đội ngũ y bác sĩ đầu ngành, hoàn toàn có thể trở thành một bệnh viện dã chiến trên biển, phục vụ chiến sĩ, nhân dân trên các đảo.

Sân chơi của những nông dân sáng tạo

Techmart 2015 không chỉ là sân chơi của các nhà khoa học, trường ĐH, viện nghiên cứu, những doanh nghiệp công nghệ đã thành danh. Các nhà sáng chế không chuyên, nhà khoa học - nông dân cũng được khẳng định vai trò của mình ở chợ công nghệ và thiết bị lớn nhất nước này.

Từ hàng tuần trước ngày khai mạc, người dân quanh khu vực Cung văn hóa Hữu nghị Hà Nội đã không khỏi thắc mắc khi thấy những chiếc xe tải cỡ lớn chở từng cỗ máy móc mà lần đầu tiên họ được thấy.

Những thắc mắc này đã có lời giải đáp cùng với phần trình diễn của những nhà sáng tạo nông dân trong ba ngày hội chợ.

Chiếc máy cuộn rơm của anh Phan Tấn (Đồng Tháp) được nghiên cứu trong nhiều năm, dựa trên nền tảng của máy gặt đập liên hợp. Máy chạy bằng xích cao su nên hoạt động được ở vùng đồng bằng sông Cửu Long và nhiều địa hình khác.

Bộ phận cuộn rơm nằm ở phía trước giúp người lái dễ thao tác, điều chỉnh cuộn rơm to nhỏ theo nhu cầu. Rơm cuộn xong được đưa vào thùng chứa ở phía sau. Mỗi ngày, chỉ với hai nhân công vận hành, máy có thể cuộn sạch rơm trên khoảng 4ha ruộng.

Ông Chu Văn Quỳnh (Bắc Giang) tự tin mang đến hội chợ chiếc máy tách hạt bắp biểu diễn cho khách tham quan. Chiếc máy rộng 30cm, dài 50cm, cao 60cm, nặng khoảng 8kg khi chưa có động cơ.

Người sử dụng chỉ cần đưa trái bắp bỏ vào máy, bỏ càng nhanh năng suất tách hạt càng cao. Máy điều chỉnh được cỡ bắp to hay nhỏ, tách sạch và không làm vỡ hạt, gãy lõi bắp.

Máy cấy lúa không dùng động cơ của nhà sáng chế Trần Đại Nghĩa (Thái Bình) hoạt động khá đơn giản, ai cũng có thể vận hành được.

Người nông dân chỉ cần một tay kéo cần lái, tay kia điều khiển giàn cấy, trung bình mỗi giờ cấy được một sào Bắc bộ (tương đương 360m2).

Anh Nghĩa cho biết chiếc máy không cần nhiên liệu, tiết kiệm cho nhà nông và thân thiện môi trường, có thể hoạt động ở mọi vùng miền, kể cả ruộng bậc thang.

Còn chiếc máy nông nghiệp đa năng “8 trong 1” của nông dân Tạ Đình Huy (Chương Mỹ, Hà Nội) có các chức năng: cày, bừa, phay, lên luống, bơm nước, làm cỏ, phun thuốc bảo vệ thực vật và rạch hàng để gieo hạt.

Độc đáo là thuyền du lịch chạy bằng năng lượng mặt trời - tác phẩm của Huỳnh Thiện Liêm, Huỳnh Văn Trăng, Thái Văn Hoàng, Nguyễn Văn Dũng (Đồng Tháp), những nông dân sinh ra và lớn lên ở miền quê nhiều kênh rạch và sẵn nắng gió.

Ông Huỳnh Thiện Liêm cho biết sản phẩm xuất phát từ ý tưởng chế ra chiếc thuyền chạy bằng pin năng lượng mặt trời, không dùng nhiên liệu, không gây ô nhiễm môi trường.

Mỗi người trong nhóm phụ trách một khâu kỹ thuật để làm nên chiếc thuyền. Thân thuyền dài 1,4m, rộng 1,3m, cao 40m gồm hai tấm pin năng lượng mặt trời, động cơ, hai bình ăcquy để nạp năng lượng.

“Thuyền chạy với tốc độ 20 km/h. Khi trời có nắng là thuyền sẽ chạy, không cần đợi nạp năng lượng. Khi tắt nắng, thuyền dùng năng lượng tích lũy trong bình ăcquy, thời gian lên tới 3 giờ” - ông Liêm hướng dẫn.

Hơn 30 nông dân sáng tạo, các nhà sáng tạo bán chuyên nghiệp, trong đó có những người phải vượt hàng ngàn kilômet, chuyên chở máy móc, thiết bị sản phẩm của mình đến Techmart nhằm góp phần mang đến phiên chợ khoa học công nghệ này một diện mạo mới - với những sản phẩm do những người “tay ngang” làm, để phục vụ đời sống của chính họ.

Chợ công nghệ và thiết bị lớn nhất 
từ trước đến nay

Chợ công nghệ và thiết bị quốc tế Việt Nam 2015 (Techmart 2015) diễn ra tại Hà Nội từ ngày 1 đến 4-10 do Bộ KH&CN phối hợp cùng Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) tổ chức.

Với chủ đề “Liên kết cùng hội nhập và phát triển bền vững”, Techmart 2015 thu hút hơn 750 đơn vị tham gia với 600 gian hàng, bao gồm các trường ĐH hàng đầu về công nghệ trong cả nước, trên 500 doanh nghiệp, các viện nghiên cứu, các sở KH&CN và một số doanh nghiệp nước ngoài...

Đặc biệt, Techmart 2015 có sự tham gia của 57 nhà sáng chế không chuyên, chủ yếu là nông dân, với những sản phẩm sáng tạo đã ứng dụng hiệu quả vào đời sống và sản xuất. Bộ KH&CN cho biết Techmart 2015 là chợ công nghệ và thiết bị lớn nhất từ trước đến nay.

Chỉ trong ngày đầu tiên của Techmart 2015 đã có hàng chục hợp đồng chuyển giao công nghệ được ký kết với tổng giá trị lên tới hơn 300 tỉ đồng.

(Theo Báo Tuổi Trẻ)