Mã Trường

Mã Trường
photo-229

Nghiên Cứu Khoa Học

Mạc Ngôn đoạt Nobel Văn chương 2012

Cập nhật 12/10/2012 - 09:45:25 AM (GMT+7)

Ngày 11.10, nhà văn Mạc Ngôn đã được xướng danh nhận giải Nobel Văn chương 2012 trị giá 1,2 triệu USD.

Với vinh dự này, Mạc Ngôn đã trở thành người Trung Quốc thứ ba nhận giải Nobel, sau Cao Hành Kiện (Nobel Văn chương 2000) và Lưu Hiểu Ba (Nobel Hòa bình 2010). Theo Ủy ban giải Nobel, “văn phong của Mạc Ngôn kết hợp chủ nghĩa hiện thực ảo với văn học dân gian, lịch sử và hiện đại”. Các tác phẩm tiêu biểu của ông như Đàn hương hình, Báu vật của đời, Sống đọa thác đày, Cao lương đỏ, Ếch… luôn được miêu tả đầy dữ dội, kịch tính, dấy nên những ám ảnh kéo dài về thân phận của một kiếp người trong một quãng dài lịch sử, thậm chí từng bị báo giới Trung Quốc đánh giá là quá táo bạo, cực đoan.

Nhà văn Mạc Ngôn đang xem Thanh Niên Tuần San

Nhà văn Mạc Ngôn đang xem Thanh Niên Tuần San


Qua nhiều lần trao đổi với PV Thanh Niên trước kia, nhà văn Mạc Ngôn cũng thừa nhận rằng bản thân ông là mẩu người ưa tìm về nguồn cội. Vì vậy hầu hết các nhân vật, các câu chuyện trong tác phẩm của ông đều ít nhiều mang hơi hướng về những con người, sự kiện, địa danh… tại vùng Cao Mật, tỉnh Sơn Đông quê hương ông.

Viết văn như lao động phổ thông

Vốn bỏ dở tiểu học giữa chừng do Cách mạng văn hóa, phải tham gia lao động nhiều năm ở nông thôn, luôn bị đói khát và cô đơn, lại trải qua nhiều nghề như: giáo viên chính trị, cán bộ tuyên truyền, chiến sĩ..., Mạc Ngôn vẫn giữ nếp làm việc hăng say khi chuyển sang sáng tác. Bản thân ông cũng thừa nhận rằng “tôi viết văn như những người lao động phổ thông, sáng tác ban ngày thôi, ban đêm nghỉ ngơi. Mà thật ra cũng không được nghỉ ngơi đâu. Khi ngủ toàn nằm mơ do đầu óc nghĩ ngợi nhiều quá”. Luôn đặt cho mình các kế hoạch sáng tác liên tục, Mạc Ngôn cho biết, ông thường mất nhiều thời gian suy nghĩ đề tài, sắp xếp mạch nhánh cho câu chuyện trong đầu và tìm tư liệu, chẳng hạn như để viết cuốn Ếch, ông phải mất tới 4 năm chuẩn bị. Khi tư liệu, cấu tứ đã xong xuôi, ông mới đặt bút viết. Những lúc rỗi rãi, mà cũng thừa nhận là rất ít thời gian rỗi, Mạc Ngôn lại tranh thủ đọc sách hoặc đi tới những vùng mà ông định sử dụng làm chất liệu để quan sát kỹ trước khi viết. Ngoài viết văn, ông còn tham gia viết chuyên mục trên báo và một số lời giới thiệu cho các nhà văn Trung Quốc trẻ có triển vọng. Khác với nhiều nhà văn khác, Mạc Ngôn rất khiêm tốn và kiệm lời. Điều này thể hiện rõ từ bút danh Mạc Ngôn của ông, có nghĩa là “không nói”.

Hết bị thờ ơ

Mặc dù các tác phẩm của Mạc Ngôn từng gây cơn sốt ở Việt Nam ngay từ nhiều năm trước thì tên tuổi của ông lại không hề gây được hiệu ứng tương tự ở chính nước mình. Tác phẩm của ông từng bị khá nhiều độc giả, nhà phê bình nước ông đả kích, từng nhận nhiều chỉ trích xã hội trái chiều. Thậm chí trước khi trao giải Nobel được xướng lên, rất nhiều nhà văn, tờ báo Trung Quốc, trong đó có tờ China Daily còn bày tỏ sự ngờ vực về việc ông sẽ đoạt giải. Nhà văn Trung Quốc 8X Trương Nhất Nhất còn hùng hồn tuyên bố “sẽ cởi quần áo chạy quanh Tương Giang hoặc Trường Thành” nếu Mạc Ngôn đoạt giải.

Tuy nhiên, với đúng tinh thần bút danh Mạc Ngôn, ông không phản hồi mà chỉ chuyên tâm vào sáng tác. Ông từng tâm sự với PV Báo Thanh Niên rằng: “Sáng tác là nguồn sống của tôi, mặc dù phần lớn chúng luôn khiến tôi mệt mỏi vì suy nghĩ và kiệt sức. Tôi cho rằng trong vòng 30 năm trở lại đây, văn học Trung Quốc đương đại đã đạt những thành tựu huy hoàng. Như tiểu thuyết của tôi chẳng hạn, cũng không thua kém gì các tiểu thuyết của phương Tây. Tôi cho rằng văn học của tôi đã trở thành một bộ phận của văn học thế giới. Tôi đã viết ra những tiểu thuyết mang đậm nét đặc sắc của văn hóa Trung Hoa, dù có một số nhà phê bình Trung Quốc chuyên trị đả kích tôi. Nhưng trái lại điều đó lại minh chứng được tầm quan trọng của tôi”.

Và thực tế đã đúng như vậy. Ngay sau khi giải thưởng được công bố, hàng loạt báo chí Trung Quốc đăng bài ca ngợi ông hết lời, ví von ông như “một cây đại thụ lớn”, rằng thành công của ông là tất yếu sau những nỗ lực sáng tác tài năng… Hàng loạt tin nhắn chúc mừng ông đã được gửi đăng tải trên trang ww.nobelprize.org, phần lớn là của các trường đại học, bạn bè và các độc giả ủng hộ ông…

Mạc Ngôn hóm hỉnh cho biết để mừng giải thưởng này, cả nhà ông sẽ quây quần ở nhà tự làm sủi cảo ăn, vì ông rất mê sủi cảo.

 

Không nghĩ mình đoạt giải

Trả lời truyền thông sau khi đoạt giải Nobel, nhà văn Mạc Ngôn nói: “Tôi rất kinh ngạc khi biết tin đoạt giải vì cứ nghĩ rằng Nobel rất xa vời với tôi. Tôi hy vọng nhiều độc giả được đọc các tác phẩm tiêu biểu của tôi hơn nữa. Từ khi còn rất nhỏ, tôi đã đọc rất nhiều sách, nhưng khi cầm bút, tôi luôn cảm thấy mình có nhiều điều để nói. Tôi chọn viết văn để diễn đạt lời nói của mình. Đó là cách thể hiện có sức mạnh nhất, tự do nhất. Và cũng có cả bao hàm cả ý nghĩ chứng minh chính mình. Tôi muốn thông qua viết văn để thay đổi cuộc đời mình”.

(Theo Báo Thanh Niên)

Các Nội Dung Liên Quan


Giới Thiệu STU
Tin Nổi Bật