Mục đích của liên thông là nâng cao trình độ người học nhưng trên thực tế thì hoàn toàn trái ngược. Hàng loạt trường mở các lớp liên thông ngoài cơ sở với mục tiêu tăng số lượng mà bỏ quên đi chất lượng. Sinh viên theo học chỉ nhằm tới đích “nâng cấp bằng”.
Học giả, bằng thật
Ghé thăm bất kì lớp liên thông nào được đào tạo ở ngoài cơ sở trường đều có chung một đặc điểm đó là “lộn nhộn”. Số sinh viên (SV) theo học vì mục tiêu nâng cao kiến thức chỉ là thiểu số còn phần lớn mang tính chất ứng phó nhằm học xong thì được cấp bằng.
Chất lượng đào tạo cũng như cấp bằng liên thông đang là dấu chấm hỏi lớn của ngành giáo dục
Trong vai một người đi học hộ, chúng tôi tiếp cận một lớp liên thông của trường ĐH Đ.L được đặt ở trong khu trung tâm Mỹ Đình. Mặc dù đã vào học được hơn 1 tiếng đồng hồ nhưng vẫn còn nhiều SV đứng ở ngoài chờ lúc giáo viên điểm danh thì vào cho có mặt.
Mặc dù trường Đ.L chưa được Bộ GD-ĐT cho phép đào tạo liên thông từ hệ nghề lên ĐH nhưng lớp học này bao gồm cả người tốt nghiệp hệ CĐ nghề lẫn chính quy nhằm mục đích “lách” khi cơ quan chức năng kiểm tra. Theo lời SV N. thì lớp học này bắt đầu hoạt động từ tháng 9, số lượng sinh viên mỗi lớp lên đến gần 100 người. Không chỉ ở đây mà trường Đ.L còn mở lớp đào tạo ở một số địa điểm khác. Người học có thể lựa chọn hình thức học liên tục buổi tối hoặc thứ 7 và chủ nhật (cả ngày).
“Thú thật bọn em đi làm giờ đi học thì làm sao mà vào được. Thấy SV như vậy nên thầy cô cũng chẳng thiết tha giảng bài mà chỉ yêu cầu mua tài liệu về tự đọc” - N. thành thật cho biết. Minh chứng cho điều mình vừa nói, N. chỉ tay ra phía SV đang lục đục ra nói: “Điểm danh xong là chuồn thôi anh ạ”.
Để tìm hiểu thêm, chúng tôi gặp Đ - tốt nghiệp CĐ nghề ở Nam Định hiện đang học liên thông ngành Kế toán của trường Đ.L ở khu Chùa Hà. Đ cho hay: “Em có thích đi học đâu bố mẹ bắt nên đành phải chấp nhận. Em cũng chẳng cần quan tâm khi tốt nghiệp thì được cấp bằng chính quy hay vừa học vừa làm miễn là bằng ĐH thôi”.
Còn K. quê ở Nghệ An thì hồn nhiên tâm sự: “Chẳng học gì mà em cũng trúng tuyển. Còn việc học chỉ là ứng phó chứ em đi làm cả ngày còn sức đâu mà tối đi học. Theo lời của nhà trường thì học xong được cấp bằng chính quy nên em phải cố thôi”.
Không chỉ trường Đ.L mà rất nhiều lớp liên thông của các đơn vị đào tạo khác như T.M, C.N… cũng ở tình trạng tương tự.
Quá trình tìm hiểu, chúng tôi còn phát hiện ra một điều là các trường CĐ nghề đều “mai mối” cho SV tốt nghiệp trường mình đến học liên thông của trường nào đó đã thỏa thuận từ trước. Tin tưởng thầy cô đã từng dạy mình nên những SV khi nộp hồ sơ dự thi cũng chẳng tìm hiểu thông tin một cách thấu đáo.
Cấp bằng: Lỗ hổng lớn?
Trong khi đó, quy chế về đào tạo liên thông của Bộ GD-ĐT nêu rõ: Chỉ có những SV học liên tục như chính khóa và tại cơ sở của trường mới được cấp bằng chính quy. Tuy nhiên phía sau đó thì không phải hoàn toàn như vậy.
M. quê Nghệ An học lớp liên thông của trường Đ.L được đặt ở trung tâm giáo dục thường xuyên địa phương nhưng kết quả trường này xác nhận SV này tốt nghiệp liên thông chính quy và đang trong thời gian chờ nhận bằng gốc. Chính vì những kẽ hở này mà phần lớn các SV đang học liên thông ở ngoài cơ sở các trường đều có niềm tin rằng tốt nghiệp sẽ được cấp bằng chính quy.
Theo tìm hiểu từ phía các trường ĐH, CĐ thì phôi bằng vẫn do Bộ GD-ĐT trực tiếp quản lý (trừ một số đơn vị được giao quyền in phôi bằng - PV). Tuy nhiên trên phôi bằng này không phân biệt đâu là phôi dành cho SV tốt nghiệp hệ chính quy hay hệ vừa học vừa làm. Nói cách khác là hoàn toàn giống nhau. Bộ GD-ĐT dựa trên báo cáo của trường về số lượng SV tốt nghiệp hàng năm ở các hệ đào tạo (chính quy, vừa học vừa làm, liên thông, từ xa) để cấp phôi.
Trong khi đó hiệu trưởng các trường sẽ là người trực tiếp xác nhận SV tốt nghiệp hình thức đào tạo nào trên phôi bằng được Bộ GD-ĐT cấp. Với việc thiếu sự giám sát chặt chẽ trong khâu quản lý nên nhiều trường sẵn sàng biến bằng của SV học theo hình thức vừa học vừa làm thành tốt nghiệp hệ chính quy.
Theo thầy L.V - lãnh đạo phòng đào tạo của trường ĐH N. thì nói về mặt logic thì đây là kẽ hở. Đối với những trường không coi trọng chất lượng thì có thể sẵn sàng "làm liều".
“Tuy nhiên mặt trái của nó là liên quan đến pháp luật do đó tôi nghĩ chẳng có trường nào dại dột làm điều đó. Họ có thể coi nhẹ kì thi đầu vào cũng như đào tạo liên thông nhưng khâu cấp bằng chắc hẳn phải tuân thủ theo quy định” - thầy L.V nói.
Còn ông Bùi Anh Tuấn - Vụ trưởng Vụ giáo dục ĐH thì lại cho rằng, việc giao chỉ tiêu cho các trường chỉ gói chung là đào tạo liên thông, chứ không rành rọt phân chia bao nhiêu chỉ tiêu từ CĐ chính quy, bao nhiêu từ CĐ nghề lên ĐH. Xu hướng là các trường phải tự chịu trách nhiệm về sản phẩm giáo dục của mình, người đứng đầu nhà trường phải chịu trách nhiệm khi để xảy ra sai sót. Bộ là cơ quan quản lý nhà nước, có trách nhiệm giám sát việc thực hiện của các trường.
Sự bất cập trong khâu trong cấp phép đến bàn giao phôi bằng đang là lỗ hổng khiến cho mục đích của việc học liên thông bị “bóp méo”. Trong khí đó Luật Giáo dục ĐH đã chính thức đề cập đến hình thức đào tạo này do đó không thể xóa bỏ. Tuy nhiên việc tiếp tục để cho tồn tại không đồng nghĩa là coi thường chất lượng. Để làm việc này, Bộ GD-ĐT đang dự thảo quy định liên thông mới nhưng liệu có “khắc phục” được những hiện trạng này hay không? Câu trả lời sẽ được chúng tôi phân tích trong bài kế tiếp.
Ngày 28/9 Bộ GD-ĐT đã có công văn yêu cầu các trường thực hiện đúng các quy định về đào tạo liên thông và liên kết; chú trọng tới các giải pháp đảm bảo chất lượng đào tạo. Bên cạnh đó, không tổ chức liên kết đào tạo liên thông để cấp bằng chính quy ngoài cơ sở đào tạo của trường. Các trường đào tạo liên thông từ trung cấp lên đại học, từ trung cấp nghề và cao đẳng nghề lên cao đẳng và đại học phải có quyết định giao nhiệm vụ của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT. |
(Theo Báo Dân Trí)