Mã Trường

Mã Trường
photo-229

Tin Tức Các Báo

Lổ hổng lớn nhất là giáo dục nhân cách!

Cập nhật 10/10/2012 - 10:57:29 AM (GMT+7)

Giáo dục Việt Nam muốn hay không muốn cũng phải hòa nhập với những giá trị phổ quát của nhân loại. Phải thay đổi lớn lao chứ không chỉ mang tính xử lý tình huống trong giáo dục

Ngày 9-10 tại Hà Nội, một lần nữa, các bậc trí thức, nhà khoa học tiếp tục lên tiếng trong tọa đàm “Hướng tới một nền giáo dục thực sự đổi mới” do tạp chí Tia Sáng (Bộ Khoa học - Công nghệ) tổ chức. Nhiều ý kiến đã đưa ra để đổi mới nền giáo dục một cách căn bản và toàn diện theo tinh thần khai phóng, hòa nhập quốc tế.

Đổi mới phải như xóa bỏ thời kỳ bao cấp

Theo GS Hoàng Tụy, khuyết điểm lớn nhất của giáo dục thời gian qua là vẫn giữ khư khư cách làm của mấy chục năm trước, khiến nền giáo dục Việt Nam ngày càng tụt hậu so với thế giới. Chính vì vậy, GS Hoàng Tụy cho rằng: “Muốn hay không cũng phải hội nhập hóa, phải đi con đường của người ta. Những giá trị phổ quát, những gì cả nhân loại đang làm thì mình phải theo, cho dù rất khó khăn khi phải đoạn tuyệt với nhiều quan niệm, cách sống và nếp nghĩ đã ăn sâu trong tâm khảm nhiều thế hệ”.

Trong khi đó, TS Mai Liêm Trực, nguyên thứ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông, phát biểu ông rất thất vọng trước đề án “Đổi mới giáo dục căn bản và toàn diện” do Bộ GD-ĐT và Ban Tuyên giáo Trung ương xây dựng để trình Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương 6 khóa XI. Ông Trực kỳ vọng sẽ có một cuộc cải cách thật sự  nhưng thực tế, đề án lại chưa thấy gì là đổi mới cơ bản, toàn diện. Theo ông Trực, phải đổi mới kiểu như công nhận cơ chế thị trường năm 1986, phải nhìn thẳng vào sự thật như đã nhìn vào sự thật thời kỳ bao cấp trước đây mới là đổi mới. Ông Trực cũng bức xúc rằng giáo dục là sự nghiệp toàn dân nhưng dự thảo nghị quyết lại không được đưa ra thảo luận rộng rãi. 
 
“Đưa cho người ta đồng lương chết đói, bắt người ta xoay xở đủ kiểu để sống, rồi lại bảo người ta tha hóa là một chính sách vô đạo đức”
 
GS HOÀNG TỤY

“Phải tạo ra sự đồng thuận cho nghị quyết thì triển khai mới thuận lợi” - ông Trực nhấn mạnh. Vì thế, ông Trực cũng hy vọng Hội nghị Trung ương 6 chưa thông qua nghị quyết về giáo dục để chờ đến một thời điểm thích hợp hơn, nếu không, đổi mới sẽ chỉ nửa vời.

Cấu trúc lại hệ thống giáo dục

TS Lê Trường Tùng, Hiệu trưởng Trường ĐH FPT, nhấn mạnh muốn hướng tới một nền giáo dục thật sự đổi mới, phải cấu trúc lại hệ thống giáo dục Việt Nam. Ông Tùng đưa ra phương án thay cấu trúc chắp vá hiện nay bằng một cấu trúc mới: tiểu học học 5 năm, trung học học 4 năm; học xong 9 năm, học sinh có bằng tốt nghiệp phổ thông. THPT được thay bằng 2 năm dự bị ĐH cho những ai muốn học ĐH. Trung học chuyên nghiệp/trung học nghề được gộp chung và đưa thành giai đoạn đầu (1 năm rưỡi) của CĐ, sau đó có thể học thêm để lên ĐH. Sinh viên sẽ có bằng tốt nghiệp ĐH ở tuổi 20, 21.

GS Hồ Ngọc Đại ủng hộ quan điểm của TS Tùng, cần phải thay đổi, kiến trúc lại nền giáo dục. TS Mai Liêm Trực cũng đồng tình với phương án học phổ thông 9 năm, sau đó phân luồng để học sinh có thể học nghề hoặc vào ĐH. “Nhà trường không nhất thiết phải dạy từ A đến Z bởi đã có kho tư liệu phong phú trên mạng. Hãy dạy cho học sinh phương pháp tư duy, dạy họ làm người chứ không phải là nhồi nhét kiến thức, vì nếu nhồi nhét thì 14 năm cũng là chưa đủ” - ông Trực nhấn mạnh.

PGS Văn Như Cương cho biết ông là người học phổ thông chỉ có 9 năm. Theo đánh giá của ông, chương trình hiện nay có nhiều kiến thức không cần thiết, có thể cắt giảm tới 1/3, trong khi kiến thức học làm người thì lại không có. “Đáng lẽ phải đủ đức, trí, thể, mỹ mới toàn diện thì hiện nay, nhà trường mới chỉ dạy trí. Vì sao? Vì học để đi thi, các môn khác đều là phụ. Lỗ hổng lớn nhất hiện nay chính là giáo dục nhân cách” - ông nhìn nhận.

Chính vì thế, theo PGS Văn Như Cương, nếu chỉ học văn hóa thì 9 năm là đủ nhưng đào tạo con người 9 năm lại là ít. Theo quan điểm của ông, bậc phổ thông cần học 11 năm, hết THCS sẽ có 2 hệ thống, một là học nghề, hai là như truyền thống để học cao hơn.

GS Hồ Ngọc Đại cho rằng thực ra, mọi thứ rất đơn giản nhưng những người ngồi văn phòng làm chính sách giáo dục lại làm cho nó trở nên quá rắc rối. GS Hồ Ngọc Đại cũng ủng hộ  quan điểm bậc phổ thông chỉ cần 11 năm, trong đó có 5 năm tiểu học, 4 năm THCS.
 

Cải thiện chính sách đối với người thầy

Cải thiện cơ bản chính sách đối với người thầy, giải tỏa nghịch lý lương để nhà giáo an tâm làm việc, toàn tâm toàn ý với trách nhiệm cao cả của mình, chính là một trong 4 vấn đề lớn mà GS Hoàng Tụy cho rằng cần giải quyết cấp bách theo định hướng hội nhập tích cực trào lưu chung của thế giới văn minh. Ông cho biết chính sách đối với người thầy chính là một trong những điểm khác biệt cơ bản của giáo dục Việt Nam so với thế giới và là nguyên nhân trực tiếp quan trọng nhất làm tha hóa giáo dục.
 
Với đồng lương thấp đến mức khó tưởng tượng, đương nhiên nhà giáo phải xoay xở để kiếm thêm thu nhập, đó là lỗ hổng quản lý, gây nên hoặc làm trầm trọng thêm hầu hết các căn bệnh trầm kha đã ra sức tàn phá giáo dục.

Bên cạnh đó, theo ông, phải cải cách mạnh mẽ hệ thống giáo dục phổ thông và dạy nghề. Thay đổi căn bản cung cách học và thi, xóa bỏ khổ dịch thi cử nặng nề, tốn kém mà kém hiệu quả. Cuối cùng là chuyển mạnh giáo dục ĐH theo hướng hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

 (Theo nld.com.vn)


Giới Thiệu STU
Tin Nổi Bật