Mã Trường

Mã Trường
photo-229

Nghiên Cứu Khoa Học

Cô sinh viên và "Chim cánh cụt biết bay"

Cập nhật 08/10/2012 - 05:14:04 PM (GMT+7)

Không chỉ được đánh giá cao về sản phẩm đồ án tốt nghiệp tiện ích mà câu chuyện đằng sau đồ án của một sinh viên Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM khiến nhiều người ấn tượng và cảm kích.

Đồ án tốt nghiệp của Đặng Thị Thu Hiền, sinh viên Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM, đã được nhiều sinh viên, giảng viên biết đến vì một câu chuyện có thật đầy ý nghĩa.

Mong ước giúp “chim cánh cụt biết bay”

Đồ án mang tên Chim cánh cụt biết bay là câu chuyện có thật về một cậu bé khuyết tật tay được miêu tả trong đoạn phim ngắn với sản phẩm xe đạp bẻ lái bằng vai. Đoạn phim này cũng là lời giới thiệu cho sản phẩm đồ án tốt nghiệp mà Hiền ấp ủ.

Đoạn phim kể về cuộc sống thường nhật của cậu bé Vũ Minh Hùng (11 tuổi, sống ở Q.2, TP.HCM), ngày ngày học tập, làm việc nhà và tự sinh hoạt bằng đôi chân của mình. Niềm mơ ước của cậu bé ấy rất nhỏ bé, đó là có một ngày được lái xe đạp như bạn bè cùng trang lứa.

Thế nhưng, mơ ước ấy là không có thực vì cậu không có đôi bàn tay lành lặn để điều khiển xe đi khắp nơi.

Rồi một ngày, giống như giấc mơ, một cô gái trẻ đã mang đến cho cậu một chiếc xe với hình dáng khác lạ mà cậu có thể tự mình điều khiển đi chơi khắp nơi. Chỉ cần một cái lắc vai, qua trái, qua phải, cậu bé đã có thể điều khiển xe dễ dàng.

Bé Hùng phấn khởi thử ngồi trên chiếc xe đạp bẻ lái bằng vai dành riêng cho người khuyết tật tay


Lúc này, đôi chân cậu thoăn thoắt đạp với niềm phấn khởi trong lòng vì “chim cánh cụt” nay đã “biết bay”.

Với clip giới thiệu cho sản phẩm bằng câu chuyện của Hùng cùng chiếc xe đạp điều khiển bằng vai, đồ án của Hiền đã đạt được 8,56 điểm, giúp cô trở thành thủ khoa của khoa Mỹ thuật công nghệ, ngành tạo dáng năm 2012.

Hành trình tìm người tặng đồ án

Kể về ý tưởng tạo nên chiếc xe đạp, Hiền cho biết: “Mình thấy ở Việt Nam, xe dành cho người khuyết tật chân thì có nhưng khuyết tật tay lại không. Từ ý tưởng đó, mình đã cố gắng tìm cách tạo nên chiếc xe cho người khuyết tật tay”.

“Thế nhưng, người khuyết tật tay chỉ có đôi chân để đạp, họ không thể điều khiển xe qua trái, qua phải ngoài đôi vai”, Hiền nói thêm.

Từ đó, Hiền đã tạo nên chiếc xe đạp điều khiển bằng vai một cách cơ học trong vòng nửa năm. Hiền lý giải, cô cố gắng tạo nên chiếc xe điều khiển cơ học để giá thành sẽ thấp hơn cho người khuyết tật nếu được doanh nghiệp chào mua ý tưởng của cô.

Sau khi làm xong sản phẩm này, Hiền bắt đầu hành trình tìm chính những người khuyết tật tay để thử chiếc xe này và tặng cho họ.

Hiền lần tìm đến em bé Hồ Hữu Hạnh (12 tuổi, sống ở Định Quán, Đồng Nai) để nhờ bé thử chạy xe. Hạnh lái xe này một cách dễ dàng nhưng khi Hiền đề nghị tặng xe này cho em, em lại từ chối.

“Hạnh đã được tặng chiếc xe đạp dành cho người khuyết tật chân từ trước đó và em có thể lái thuần thục bằng chân thay vì bằng tay. Vì thế em Hạnh nói mình nên tặng chiếc xe này cho một em nhỏ khác, kém may mắn hơn”, Hiền kể.

Hiền lại lên đường, liên hệ tìm một em bé khác. Và cậu bé cô gặp lần thứ hai là Hùng.

Thu Hiền và bé Hùng tại Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM


Hiền cho biết: “Khi thử xe, Hùng tỏ ra khá thoải mái. Em cho biết rất thích chiếc xe này nên mình quyết định tặng xe này cho Hùng để em có thể đi chơi khắp nơi dễ dàng hơn”.

Đoạn phim ngắn về cuộc sống của Hùng cùng với niềm phấn khởi khi nhận chiếc xe được ghi lại từ đây.

Chia sẻ về đồ án của mình, Hiền cho biết xe đạp còn khuyết điểm là chưa chạy được trong môi trường giao thông phức tạp và hệ thống lắc vai chưa thật hoàn thiện. Đây là chiếc xe cô thiết kế dành cho trẻ từ 13 tuổi trở lên. Cô hy vọng sẽ có nhiều người khuyết tật tay được tự mình điều khiển xe trong tương lai.

Hiền đã dùng hình tượng chim cánh cụt để nói đến những cô bé, cậu bé khuyết tật tay và đặt tên cho đồ án của mình là Chim cánh cụt biết bay.

Hình ảnh những đàn chim cánh cụt bay rợp trên bầu trời được cô mượn trong một bộ phim cũng là hình ảnh cuối cùng khép lại đoạn phim giới thiệu sản phẩm xe đạp dành cho người khuyết tật bằng tay của cô sinh viên trẻ này. 


Đồ án mang tính nhân văn cao

Đây là đồ án hay, mang tính nhân văn rất cao và thực tế. Với xe đạp dành cho người khuyết tật tay, nước ngoài cũng đã có rồi nhưng Việt Nam thì chưa ai dám làm. Chiếc xe của Hiền vận hành rất tốt, em đã bỏ nhiều thời gian và công sức để làm. Hình dáng được em làm khá đẹp và trau chuốt. Nếu có kinh phí, cho chiếc xe này chạy bằng điện sẽ tốt hơn.

Cũng vì những lý do này mà đồ án của em đã được các giảng viên làm giám khảo chấm điểm cao. Cộng với số điểm rèn luyện trong năm học, Hiền đã tốt nghiệp thủ khoa của khoa Mỹ thuật công nghệ năm 2012. (Giảng viên hướng dẫn đồ án “Chim cánh cụt biết bay” , Phó Đức Minh, Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM).

Lần đầu tiên trong đời được lái xe

Em rất vui khi lần đầu được lái xe. Chiếc xe này rất dễ điều khiển. Em không hề cảm thấy mỏi chân hay mỏi vai. Em đã đạp xe này được nhiều lần xung quanh nhà. Các bạn của em thích lắm, muốn xin em lái thử nhưng bố mẹ sợ bạn bè làm hư. Bây giờ em đạp xe này đã quen rồi. Em không ngờ có ngày được điều khiển xe như thế này. (Vũ Minh Hùng, học sinh lớp 6, người được Hiền tặng xe đạp).

Không nén được xúc động khi thấy Hùng đạp xe

Mình không thể ngờ là chiếc xe mình ấp ủ cuối cùng cũng hoàn thành, mặc dù nhiều chỗ cần cải thiện. Lúc nhìn Hùng hứng khởi đạp xe, mình đã rất xúc động vì đã giúp ước mơ của em thành hiện thực. (Đặng Thị Thu Hiền).

(Theo Báo Thanh Niên)

 

Các Nội Dung Liên Quan


Giới Thiệu STU
Tin Nổi Bật