Mã Trường

Mã Trường
photo-229

Tin Tức Các Báo

Phát triển mô hình đại học sáng tạo tại Việt Nam

Cập nhật 17/09/2012 - 10:46:26 AM (GMT+7)

Bên cạnh việc đầu tư phát triển mô hình đại học nghiên cứu, các chuyên gia giáo dục cho rằng việc xây dựng mô hình đại học sáng tạo có thể thích ứng với sự thay đổi của môi trường kinh tế xã hội hiện nay.

Vấn đề này đã được các nhà khoa học, chuyên gia giáo dục đưa ra phân tích Hội thảo Nghiên cứu và phát triển mô hình đại học sáng tạo tại ĐH Nguyễn Tất Thành (TP HCM) vào ngày 15/9. Mục tiêu mà hội thảo hướng đến là nhằm tìm ra một hướng đi đúng đắn và bền vững cho bậc giáo dục đại học Việt Nam trong tương lai.

Theo các chuyên gia, mô hình đại học sáng tạo ra đời tại Phần Lan, sau đó được nhân rộng ra các nước Mỹ, Anh và châu Âu. Nó xuất phát từ sự hợp tác giữa các trường đại học với các doanh nghiệp trong việc gắn liền nghiên cứu khoa học và thực tiễn sản xuất. Mô hình này là một khái niệm còn khá mới mẻ trong hệ thống giáo dục Việt Nam hiện nay. Tuy nhiên, với sự thay đổi mạnh mẽ của nền kinh tế xã hội, việc áp dụng mô hình này vào chương trình đào tạo ở bậc đại học của nước ta là cần thiết.

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho rằng, từ ngày nước ta mở cửa hội nhập quốc tế đến nay, hệ thống giáo dục đại học đã có nhiều đổi mới. Tuy nhiên sự đổi mới này chỉ dừng lại ở mức cục bộ vì thiếu một hành lang pháp lý định hướng cho sự đổi mới căn bản, trước tiên là mô hình đại học, trong đó tự chủ đóng vai trò then chốt.

Trong đào tạo, các trường được tự chủ phát triển các chương trình theo hướng nghiên cứu hoặc định hướng nghề nghiệp, bảo đảm sự liên thông giữa các chương trình và trình độ đào tạo. Các trường có thể đào tạo theo phương thức và chương trình khác nhau, nhưng với điều kiện phải đảm bảo chất lượng đầu ra không thấp hơn chuẩn quy định.

Theo Thứ trưởng Ga, mô hình đại học sáng tạo có thể là mô hình đào tạo phù hợp với chủ trương đa dạng hóa mô hình trường đại học theo quy định của Luật Giáo dục đại học.

Với bản chất là mô hình có chương trình đào tạo mềm dẻo, có thể thích nghi nhanh chóng với môi trường kinh tế xã hội, phù hợp với yêu cầu của người sử dụng lao động. Mô hình đại học sáng tạo có thể phát huy tác dụng tích cực trong mối quan hệ mới về giáo dục và đào tạo.

Tuy nhiên, sự thích nghi đó trước hết phải kể đến hệ thống quản lý linh hoạt được tin học hóa, cơ sở tài nguyên được số hóa, tạo điều kiện dễ dàng cho việc chia sẻ thông tin và học tập, nghiên cứu mọi lúc mọi nơi. Ngoài ra, việc nghiên cứu khoa học trong trường đại học sáng tạo phải được phát triển một cách có hệ thống và có mối liên hệ chặt chẽ với doanh nghiệp cơ sở sản xuất để ứng dụng triển khai thành quả nghiên cứu khoa học, công nghệ. Đại học sáng tạo phải trang bị cho sinh viên những kỹ năng giúp họ luôn phát huy năng lực sáng tạo, thích nghi với mọi môi trường công tác không như những kỹ năng truyền đạt cho sinh viên của các đại học truyền thống.

Thứ trưởng Ga cho rằng, nếu làm được những điều nói trên, mô hình trường đại học sáng tạo có thể là phương án tích cực để các trường đại học Việt Nam tham khảo áp dụng trong quá trình đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đại học nước nhà.

Hội thảo thu hút đông đảo các nhà khoa học và chuyên gia giáo dục tham gia.
Hội thảo thu hút đông đảo các nhà khoa học và chuyên gia giáo dục tham gia. Ảnh: A. T.

Cùng quan điểm , một chuyên gia đến từ viện nghiên cứu và phát triển khoa học công nghệ tiên tiến cho rằng, mô hình đại học sáng tạo sẽ định hướng phục vụ nhu cầu xã hội. Trong các trường đại học thường không có bộ phận thu thập và xử lý những thông điệp từ nhu cầu xã hội. Vì vậy việc giảng dạy và nghiên cứu khoa học trong các trường đại học khó theo kịp nhịp điệu của xã hội. Đại học sáng tạo với cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin cần phải kết nối cộng đồng doanh nghiệp để định hướng sáng tạo đáp ứng nhu cầu xã hội.

"Khoa học công nghệ chỉ mang lại giá trị to lớn chỉ khi tham gia được vào các chuỗi giá trị của nền kinh tế. Hiện nay, khoa học công nghệ ít nhiều bị chi phối bởi 2 khâu quan trọng là khám phá nhu cầu thị trường và phân phối sản phẩm dịch vụ ra thị trường", chuyên ra này phân tích.

Giáo sư Nguyễn Lộc, Viện phó Viện khoa học giáo dục Việt Nam cũng cho rằng các trường muốn phát triển theo mô hình đại học sáng tạo cần phải có những đổi mới trong 3 vấn đề: nghiên cứu, dạy và học và chuyển giao kiến thức. Trong đó, các trường đại học sáng tạo không coi mình là nguồn duy nhất tạo ra phát minh và sáng tạo mà phải tìm kiếm đối tác chiến lược, tương tác chặt chẽ với các nhà sản xuất kiến thức khác. Điều này được chuyên gia ví đại học sáng tạo như một "doanh nghiệp có giá trị cao".

Về dạy và học, theo GS Lộc, các trường phải thực hiện bước nhảy từ đào tạo chuyên gia về môn học sang đào tạo người lao động có chuyên môn nghề nghiệp. Việc chuyển giao kiến thức thì được GS ví như là "một trò chơi, trong thời gian đó quả bóng di chuyển liên tục giữa các cầu thủ, và trong thời gian đó các cầu thủ phải hợp tác mới có thể giành được chiến thắng".

Tuy nhiên, việc triển khai mô hình đại học sáng tạo vào thực tiễn Việt Nam hiện nay được các chuyên gia đánh giá là đòi hỏi cần phải có những nghiên cứu sâu sắc hơn nữa.

(VnExpress)


Giới Thiệu STU
Tin Nổi Bật