Mã Trường

Mã Trường
photo-229

Tin Tức Các Báo

Chuyên gia Nguyễn Trần Bạt: 'Xã hội đang chết vì những người tuyển dụng'

Cập nhật 27/02/2013 - 04:30:53 PM (GMT+7)

Liên quan đến câu chuyện nguồn nhân lực Việt Nam được đánh giá thiếu sức cạnh tranh và thứ hạng kém trong khu vực, chuyên gia kinh tế, Chủ tịch InvestConsult Group Nguyễn Trần Bạt cho biết những quan niệm "vị nhân sinh" khi trao đổi với VietNamNet về vấn đề nhân lực nước nhà.

 

Phẩm hạnh quan trọng số 1

- Liên quan vấn đề nhân lực của Việt Nam hiện tại và tương lai, là một doanh nhân và chủ doanh nghiệp lớn, ông đánh giá như thế nào về kỹ năng khi tìm kiếm lao động?

Ông Nguyễn Trần Bạt: Tôi không đi tìm kiếm kỹ năng lao động mà tôi tìm kiếm năng lực tự nhiên của con người và phát hiện bên trong các năng lực tự nhiên - đôi khi chưa tự giác về sự tồn tại của nó - trong mỗi một cá thể, sau đó huấn luyện và khai thác nó.

 

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trần Bạt

 

Trong điều kiện xã hội chúng ta thì hoạt động kinh doanh chưa chuyên nghiệp lắm, cho nên không nên hạn chế sự bất ngờ của tài năng bằng việc cố định mục tiêu của mình đối với một số loại năng lực. Cho nên tôi luôn luôn rèn luyện mình để thức tỉnh trước các sự xuất hiện khác nhau của các loại hình năng lực và khai thác nó.

- Những loại hình năng lực nào được ông ưu tiên số một khi tuyển dụng?

Quan sát là năng lực số một mà con người cần phải có. Nếu một cán bộ mà không có năng lực quan sát, vô cảm trước cuộc sống, bàng quan trước cuộc sống, hoặc nhòe trong quan sát trước cuộc sống thì không nằm trong mục tiêu lựa chọn của tôi. Thứ hai là khát vọng thay đổi. Đôi lúc người ta duy ý chí muốn biến đổi cuộc sống mà quên mất rèn luyện mình để mình biến đổi theo các đòi hỏi tự nhiên của cuộc sống. Tức là năng lực có thể thay đổi được trở thành năng lực số hai. Năng lực số ba mà tôi luôn luôn quan tâm là tính hòa hợp có thể có một cách con người, giữa đối tượng mà tôi đang định chọn với cộng đồng mà tôi đã có.

- Vậy thì nguồn nhân lực đào tạo trong nước đáp ứng được bao nhiêu đòi hỏi của ông?

Tôi bao giờ cũng có một giai đoạn thử việc 3 tháng theo luật, còn để rèn luyện cho con người xâm nhập vào cộng đồng lao động của tôi, vào nền văn hóa riêng của công ty chúng tôi thì 3 năm. Nói thật là có người giỏi, có người trung bình, có người kém, nhưng khoảng cách giữa giỏi, trung bình và kém không nhiều lắm. Cho nên tôi rất lạ là có người nói phải thủ khoa này, thủ khoa kia mới tuyển. Tôi tuyệt đối không quan tâm đến chuyện đấy.

Ba khả năng mà tôi vừa nói, là khả năng quan sát, khả năng tự thay đổi và khả năng hòa hợp với cộng đồng lao động là ba khả năng quan trọng nhất, và tôi chỉ chọn người khi họ thỏa mãn đủ 3 tiêu chuẩn ấy. Chọn như thế cũng chưa chắc đã đúng, vì trong một lần tiếp xúc, trong một lần phỏng vấn thì không đủ, nên phải có 3 tháng thử việc để loại bớt những đối tượng không kham nổi những đòi hỏi của tôi, và ba năm để tôi lựa chọn vào đội ngũ những người có thể giữ lại, có thể đào tạo thành chuyên viên cao cấp.

Giáo dục phải chỉ ra các phẩm hạnh

- Để chuyển đổi từ kinh tế nông nghiệp và gia công hàng hóa lên kinh tế tri thức - Việt Nam cần hướng đến để đào tạo ra những lao động có kỹ năng như thế nào?

Nếu bắt đầu cuộc cải cách giáo dục sắp tới mà Đảng ta chủ trương bằng việc chỉ ra các loại hình năng lực thì đấy là đòi hỏi sai. Cải cách giáo dục trước hết phải chỉ ra các phẩm hạnh cơ bản của con người mà tương lai của sự phát triển kinh tế hoặc xã hội Việt Nam cần. Phẩm hạnh con người quan trọng hơn những loại hình năng lực cụ thể.

Cái thứ hai là anh phải chỉ ra được là cái gì là chìa khóa cơ bản để con người có thể tiếp cận với những năng lực cụ thể, bởi vì năng lực thay đổi theo thời gian. Giá thị trường của các năng lực thay đổi theo thời gian, vai trò của các năng lực thay đổi theo những đòi hỏi tự nhiên của cuộc sống, mà không phải cuộc sống Việt Nam mà cuộc sống toàn cầu. Cho nên rất khó để đưa ra một số loại hình năng lực cơ bản đối với các cơ sở giáo dục chuyên ngành, mà nên đưa ra những hạt nhân, những chìa khóa để con người có thể đến với năng lực. Thay đổi như vậy chính là thay vì học một lần bằng học liên tục để thỏa mãn các sự thay đổi liên tục của đòi hỏi xã hội đối với con người, với năng lực.

- Ý ông đang muốn gián tiếp nói đến những khẩu hiệu, những bước đi đưa xuống các cơ sở giáo dục hiện nay của ngành giáo dục hướng đến một mục tiêu về chất lượng đi ngược?

Nó đi ngược với tự nhiên, bởi vì anh không thể khoác cho con người một gánh nặng kiến thức được, làm cho giáo dục phổ thông cũng như giáo dục đại học trở nên khổ sai. Mà con người cần phải đủ hạnh phúc để bước vào cuộc sống một cách lành mạnh, với tất cả các sự tự tin về mình, có thể phân loại, có thể quan sát, có thể nhặt nhạnh một cách chính xác các năng lực cần cho mỗi một giai đoạn hoạt động.

Năng lực của một con người là tính lành mạnh, tính trong sáng và linh cảm chính xác về các giá trị trong từng giai đoạn phát triển khác nhau của cuộc sống mà không phải là những thứ được trang bị ban đầu.

- Nói như vậy là mục tiêu giáo dục của Việt nam đang có vấn đề?

Đang có vấn đề, vấn đề ấy là chúng ta muốn biến con người trở thành một người thợ, một người hoạt động, một người kinh doanh ngay sau khi ra khỏi trường. Cái đấy là vô vọng và không chính xác. Đào tạo là quá trình tạo ra các năng lực để học tập, chứ không phải là kiến thức của sự học tập ở giai đoạn ban đầu. Không có một quốc gia nào, nhất là những quốc gia đang phát triển như chúng ta có đủ kinh nghiệm để tạo ra một sản phẩm hoàn chính ngay từ đầu. Cho nên mục tiêu của chúng ta là tạo ra các sản phẩm có triển vọng, chứ không phải tạo ra các sản phẩm có giá trị ngay từ đầu.

Quyền thải hồi thuộc về người lao động

 

"Tôi luôn nhường quyền thải hồi của tôi với tư cách là chủ công ty cho người lao động".

  - Vậy sau khi thử việc ba tháng thì những lao động được tuyển dụng đáp ứng thế nào đối với công việc ở công ty ông đặt ra?

Tôi không đánh giá. Tôi cũng không quan sát sự bộc lộ. Tôi quan sát họ một lần, họ gia nhập và chính họ phải quan sát chứ không phải tôi. Tôi luôn nhường quyền thải hồi của tôi với tư cách là chủ công ty cho người lao động. Người lao động không kham được có quyền lựa chọn, họ đem so năng lực của họ với yêu cầu của công việc. Thậm chí ngay cả khi năng lực của họ đã trở thành một thực tế, một giá trị khách quan rồi thì họ vẫn có quyền lựa chọn tôi nữa hay không. Nói cách khác là những người sử dụng lao động khôn ngoan là sử dụng những lao động có năng lực lựa chọn ông chủ. Rất nhiều cán bộ của tôi sau một thời gian công tác là đi, đại bộ phận trong số họ rất thành đạt và họ dựng các sự nghiệp khác của họ rất thành công. Sự thành công của các cán bộ của tôi sau khi rời công ty của tôi làm cho tôi hạnh phúc hơn là đau khổ. Tôi không sợ mất ai cả, vì mỗi một công ty lành mạnh là một công ty tạo ra những người lao động mà sau khi không làm cho mình nữa thì họ trở thành những người tự tổ chức các hoạt động của họ một cách thành công. Đấy là định nghĩa của tôi.

- Trở lại vấn đề ban đầu ông đề cập là giáo dục Việt Nam đang đi lệch. Sự đi lệch này sẽ ảnh hưởng đến nguồn nhân lực hiện tại và trong tương lai?

Sự lệch ấy là một kết luận có tính chất gián tiếp và vĩ mô. Kết luận ấy không phủ lên trên một con người mà phủ lên trên tính chất của một cộng đồng. Tất cả những người sử dụng lao động trên đời này là một bộ phận quan trọng và nối dài của hệ thống chính sách giáo dục. Tất cả các chủ doanh nghiệp đều cần phải tham gia vào cộng đồng giáo dục để hoàn chỉnh dần dần các sản phẩm có chất lượng giáo dục để phục vụ cuộc sống. Để cho tất cả những người sử dụng lao động nằm ngoài quy trình đánh giá các sản phẩm hoặc kiến tạo các sản phẩm giáo dục là một trong những sai lầm rất cơ bản của chính sách vĩ mô về giáo dục.

Người sử dụng lao động đang có vấn đề?

- Theo ông thì tất cả các lĩnh vực của mình hiện nay không thiếu nhân lực?

Tôi nghĩ cái thiếu chính là những người sử dụng lao động chuyên nghiệp. Chúng ta không có những người sử dụng lao động một cách chuyên nghiệp, cho nên chúng ta luôn luôn trút cái yếu kém của những người sử dụng lao động sang cộng đồng lao động. Đấy là một tội ác chứ không phải là một khuyết điểm thông thường.

Tôi là người không bao giờ kết luận một cách khiên cưỡng, một cách quan liêu hay duy ý chí đối với các sản phẩm là con người. Tôi nhìn thấy các khuyết tật vĩ mô của cộng đồng ấy chứ không kết luận gì về các sản phẩm cụ thể. Tôi cho là cần phải nới rộng trách nhiệm đào tạo cho đến những người sử dụng lao động. Tức là phải có liên minh thật sự có tổ chức giữa nhà trường và những người sử dụng lao động. Và phải lôi kéo họ vào quá trình hoàn thiện các sản phẩm của các nhà trường của chúng ta, cái đó vô cùng quan trọng.

Từ trước đến nay chúng ta mới nói xã hội hóa giáo dục là huy động tiền của xã hội, tức là chúng ta mới xã hội hóa về phương diện tài chính. Chúng ta quên mất rằng xã hội hóa giáo dục còn là nới rộng trách nhiệm của những người tham gia vào cộng đồng giáo dục, mà người tham gia trực tiếp vào cộng đồng giáo dục và đào tạo chính là những người sử dụng nhân lực.

- Ý ông là ai sử dụng mà chê người lao động thì nhà tuyển dụng cũng có vấn đề?

Vấn đề cơ bản là ở nhà tuyển dụng chứ không phải là những người lao động. Xã hội chúng ta đang chết vì những người tuyển dụng chứ không phải là những người lao động.

- Ông đang vẽ ra một bức tranh làm tôi liên tưởng đến nếu các nhà tuyển dụng không đủ năng lực để đánh giá, thì nền kinh tế của Việt Nam có nguy cơ giậm chân tại chỗ và kéo theo nhiều hệ lụy khác?

Không phải giậm chân tại chỗ, mà có nguy cơ tụt hậu một cách rõ ràng bởi chính lực lượng sử dụng ấy. Phải nới rộng trách nhiệm hoàn chỉnh các sản phẩm đào tạo ra đến các lực lượng sử dụng trong xã hội.

- Vậy ai là người làm công tác nới rộng đấy?

Nhà nước và trước hết là Đảng. Tôi có nói ở đâu đó là tổ chức các lực lượng xã hội là nhiệm vụ của chính trị. Những người sử dụng lao động thông thường thì chỉ là một khía cạnh nào đó trong vùng năng lực của một cá nhân, nhưng tạo ra tính hoàn chỉnh của một không gian cá nhân thì phải là chính trị. Nếu chúng ta không có một không gian trọn vẹn của một cá nhân, của một cá thể thì chúng ta không khai thác được, may ra thì chúng ta gặp ở đó một số khía cạnh tích cực. Sử dụng một con người giống như sử dụng cái đèn cù, anh phải biết xoay tất cả các mặt của nó để tìm xem tính tương thích của nó với mình là ở mặt nào.

Con người là một không gian toàn diện, anh không thể thấy người ta không hợp với mình là vứt và kết luận nó không đủ tiêu chuẩn. Đấy là thái độ lếu láo đối với con người. Tôi không bao giờ có khái niệm như thế, tôi không bao giờ có ý nghĩ như thế. Tôi luôn luôn xem con người là một thực thể lớn hơn nhu cầu của mình, toàn diện hơn nhu cầu của mình, sâu sắc hơn nhu cầu của mình, và luôn luôn tự kiểm điểm xem trong câu chuyện này ta có lỗi hay nó có lỗi. Và cần phải có một thái độ như thế đối với các sản phẩm giáo dục thì chúng ta mới hiểu và mới góp ý đúng với nền giáo dục của chúng ta được.

Tôi không tin số liệu thống kê

- Những năm qua Việt Nam đã đạt được những thành tựu giáo dục đáng kể, như tỉ lệ đến trường ở bậc tiểu học đạt gần 100%, số lượng sinh viên có trình độ ĐH và CĐ cũng tăng nhanh. Nhưng năng suất lao động của người VN năm 2010 mới chỉ bằng ½ Trung Quốc, chưa bằng ½ Thái Lan và thấp hơn nhiều so với mặt bằng chung của khu vực Đông Á – Thái Bình Dương. Theo ông, tại sao lại có tình trạng này? Phải chăng nền giáo dục của Việt Nam không đủ cung cấp cho người lao động kỹ năng cần thiết để làm việc hiệu quả?

Tôi không tin lắm những số liệu thống kê như vậy. Tôi cũng không tin những đánh giá như vậy, bởi có những tổ chức cũng quan liêu. Đây là cuộc sống thật, chúng ta không thể đánh giá nó một cách thống kê.

Năng suất không phải là lỗi riêng của người lao động. Người lao động tác nghiệp trên một cái máy mà tuổi công nghệ của nó vào những năm 60 thì tạo ra một loại năng suất khác. Người lao động được làm việc trong những điều kiện có điều hòa nhiệt độ, có vệ sinh đầy đủ thì tạo ra một loại năng suất khác. Người lao động làm trong một môi trường mọi người yêu thương đoàn kết với nhau tạo ra một năng suất khác. Và người lao động trong một môi trường nói xấu lẫn nhau cũng tạo ra năng suất khác. Năng suất lao động là kết quả tổng hợp của các yếu tố xã hội tham gia vào quá trình sản xuất, không chỉ là yếu tố người lao động. Và nếu chúng ta đổ mọi tội vạ về năng suất lên đầu của người lao động thì chúng ta rất có lỗi với con người.

Tôi nói là không thể đánh giá là do chất lượng đào tạo con người mà năng suất lao động thấp. Năng suất lao động là kết quả tổng hợp của toàn bộ các yếu tố chính trị, xã hội, văn hóa tham gia vào quá trình sản xuất.

 

 

- Để thành công như ông ngày hôm nay, nếu để định lượng ra thành công của ông thì bao nhiêu phần trăm có được từ nhà trường, và bao nhiêu phần trăm ông quan sát từ phía xã hội?

Tôi mở đầu công việc của tôi là một kỹ sư cầu đường, nhưng tôi làm nghề luật, công ty của tôi là một công ty luật. Công ty luật Việt Nam thời đấy chưa có, công ty luật Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực quan hệ quốc tế càng chưa có, nhưng tôi tạo ra những thành tựu khổng lồ so với điều kiện của tôi. Tức là trường của tôi với tư cách là nơi đào tạo các kỹ sư không được hưởng vinh quang gì khi tôi thành công như một luật sư nếu theo quan điểm thống kê, đánh giá thông thường. Nhưng tại sao một nhà trường đạo tạo kỹ sư lại có một sản phẩm xuất sắc về luật học? Là bởi vì họ dạy cho tôi các nguyên lý cơ bản để tôi có thể suy luận như một luật sư, mặc dù họ lại đào tạo tôi trong nền của một kỹ sư. Năng lực suy đoán, năng lực suy tưởng của một con người là sản phẩm không thành văn, không thành tiêu chuẩn của một nhà trường có nền giáo dục tốt, có công nghệ giáo dục tốt.

Còn định lượng nói là 1% hay 100% cũng được. Nếu nhà trường đào tạo tôi ra không phải với tư cách một con người chủ động và có quyền suy luận, có kinh nghiệm về kiểm nghiệm các suy luận thì tôi không có gì cả. Rất nhiều người trên thế giới này học một nghề nhưng thành công ở một nghề hoàn toàn khác. Đấy chính là sự bỏ vào tôi một cách bất ngờ của các thầy giáo của tôi, những phẩm chất mà nghề kỹ sư không đòi hỏi nhưng phẩm chất ấy lại rất tốt cho nghề luật sư chẳng hạn. Cho nên khi tôi nói chuyện ở trường Đại học Kinh tế Quốc dân, tôi có nói với các em là: Nếu chúng ta được đào tạo để tín nhiệm suốt đời các thầy giáo và các cuốn sách của mình thì học tập là một quá trình tự sát.

Người sử dụng lao động phải biết đón lõng

- Vậy nhà trường, xã hội và doanh nghiệp cần có sự hỗ trợ như thế nào để hoàn thiện kỹ năng lao động đáp ứng nhu cầu?

Người sử dụng lao động cũng phải biết đón lõng các năng khiếu, phải biết đón lõng các năng lực và không nhầm lẫn năng lực ấy với những tiêu chuẩn đào tạo nghề thông thường. Ví dụ, một bản nhạc có ba lần sáng tạo. Lần thứ nhất là nhạc sĩ viết ra tổng phổ, lần sáng tạo thứ hai là ông nhạc trưởng và việc xử lý tổng phổ, và việc sáng tạo thứ ba là người nghe. Một sản phẩm nghệ thuật có ba lần sáng tạo trong quá trình tồn tại và lưu chuyển nó trong đời sống. Sáng tạo con người cũng giống như sáng tạo một sản phẩm nghệ thuật âm nhạc, nó là sự phối hợp đồng bộ giữa nhà trường, doanh nghiệp hay các cơ sở tuyển dụng và xã hội nữa. Xã hội chúng ta chỉ hoan nghênh những kẻ có chứng chỉ, mà quên mất những sáng tạo phi chứng chỉ, xã hội chúng ta chưa phát triển đến mức những người thông thường có thể biết vỗ tay và đánh giá được giá trị của cái vỗ tay của xã hội đối với từng sản phẩm. Cho nên sự kết luận một cách khô khan, một cách vô cảm trước các sản phẩm đào tạo chính là một trong các biện pháp tốt nhất để tiêu diệt nền giáo dục đào tạo này.

- Từ khi Việt Nam gia nhập WTO, đã có nhiều cơ hội để nhân sự Việt Nam ra nước ngoài làm và cũng có nhiều tập đoàn nước ngoài đến Việt Nam. Theo đánh giá của ông, nhân sự Việt Nam đã đủ sức cạnh tranh trên thị trường lao động quốc tế chưa? Làm thế nào để tăng cường tính cạnh tranh của lao động Việt Nam?

Tôi cho là bây giờ chúng ta cần phải trang bị năng lực cho ngưới sử dụng lao động đã, trên cơ sở những người sử dụng lao động thông thái mà những lực lượng lao động ấy vẫn không dùng được, thì chúng ta mới có quyền kết luận về năng lực của người lao động Việt nam. Tôi rất phân vân khi kết luận về năng lực của người lao động Việt Nam. Kết luận về một số tính chất có chất lượng cộng đồng của người lao động Việt nam thì có thể, chẳng hạn như không mạnh dạn, thiếu tự do, thiếu tầm nhìn... Nhưng kết luận về chất lượng lao động thì tôi không dám nói, bởi vì trước đó chúng ta đã dùng họ đúng đâu mà chúng ta dám kết luận về họ. Tôi thì không phân vân về trường đại học nào cả.

Làm thế nào thì tùy từng người, nhưng để giải quyết tốt sự ngẫu nhiên, chất lượng ngẫu nhiên giữa người lao động và người sử dụng lao động thì chúng ta phải xây dựng thể chế tốt. Xây dựng thể chế tốt thì quản lý lao động tốt, chính sách tốt, ưu đãi tốt. Tức là buộc phải có thể chế đối với con người. Trên nền tảng ấy chúng ta mới nói về chất lượng lao động. Hiện nay chúng ta có rất nhiều lỗi trong tất cả các khâu khác nhau trong quan hệ giữa người với người, đặc biệt là quan hệ giữa người sử dụng lao động và người lao động. Do đó, đưa ra bất cứ kết luận gì về chất lượng đầu ra của các trường đại học Việt Nam, hệ thống giáo dục Việt Nam hiện nay đều rất dễ trở thành một kết luận vừa chủ quan, vừa không công bằng.

- Xin trân trọng cảm ơn ông!

Kiều Oanh (thực hiện)


Giới Thiệu STU
Tin Nổi Bật