Mã Trường

Mã Trường
photo-229

Tin Tức Các Báo

Những lưu ý để làm tốt bài thi Đại Học

Cập nhật 28/06/2012 - 10:30:52 AM (GMT+7)
Kỳ thi tuyển sinh Đại học có sự sàng lọc khá lớn nên bên cạnh năng lực, kinh nghiệm làm bài thi cũng góp phần quan trọng để thí sinh (TS) đạt kết quả cao.

Không nên học dẫn chứng quá dài

Để ôn tập hiệu quả, ngoài việc bám sát cấu trúc đề thi do Bộ GD-ĐT ban hành, nắm chắc kiến thức cơ bản, TS cần chủ động trang bị tốt kỹ năng làm bài... Với cách ra đề kết hợp cao giữa yêu cầu tái hiện và vận dụng kiến thức như hiện nay, TS không nên chỉ tập trung học các bài văn học sử (khái quát giai đoạn văn học, tác giả văn học) mà cần chú ý vào những kiến thức thuộc tác phẩm văn học cụ thể. Một cách học hiệu quả là tập phân loại các dạng câu hỏi rồi hình dung cách trình bày sao cho ngắn gọn, đầy đủ và thuyết phục (ví dụ các dạng câu hỏi về nội dung tác phẩm, nghệ thuật tác phẩm như tình huống, chi tiết...). Khi trả lời câu hỏi tái hiện kiến thức, các em cần trình bày rõ ràng, ngắn gọn, không nhất thiết phải viết thành bài văn hay đoạn văn.

Ở câu nghị luận xã hội, để có lập luận chặt chẽ, cần đáp ứng được các yêu cầu chính: giải thích, bàn luận, rút ra bài học nhận thức - hành động (bàn về tư tưởng đạo lý); miêu tả hiện tượng, bàn luận về hiện tượng, rút ra nhận thức - hành động (bàn về hiện tượng đời sống). Khi làm bài nghị luận xã hội, TS có thể sử dụng dẫn chứng văn học nhưng nên ưu tiên sử dụng dẫn chứng thực tế đời sống.

Với câu nghị luận văn học, cần chủ động rèn các dạng đề khác nhau. Thực tế cho thấy, nhiều TS còn chưa nắm chắc kỹ năng làm bài đối với các dạng đề khai thác nghệ thuật của một tác phẩm truyện. Với dạng đề này, không thể trình bày bài viết chung chung theo kiểu phân tích tác phẩm mà cần triển khai vấn đề theo một hệ thống ý phù hợp.

Nhiều TS băn khoăn về việc làm thế nào để nhớ chính xác dẫn chứng trong tác phẩm văn xuôi. Cách giải quyết tốt nhất, hợp lý nhất là không nên học dẫn chứng quá dài, kết hợp cả hai cách đưa dẫn chứng (trực tiếp và gián tiếp) khi làm bài.

Thạc sĩ Triệu Thị Huệ
(Tổ trưởng bộ môn văn Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TP.HCM)


Đọc kỹ câu đầu tiên và cuối cùng của đoạn văn

Để làm tốt đề thi trắc nghiệm môn tiếng Anh, TS cần phân phối thời gian làm bài hợp lý. Điều cấm kỵ là tuyệt đối không dừng lại quá lâu ở một câu hỏi mà TS cho là khó. TS cần loại trừ nhanh chóng 2 chọn lựa sai, còn lại một chọn lựa đúng và một chọn lựa gần đúng; cẩn thận để rút ra đáp án từ 2 chọn lựa này.

Với phần ngữ âm, để có đáp án đúng và nhanh, TS không nên đọc thầm (silent reading) mà nên phát âm (pronounce) từ được yêu cầu với mức độ khẽ đủ để tai nhận được trọng âm của từ đặt ở âm tiết nào hoặc để phân biệt giữa các nguyên âm hay phụ âm với nhau.

Phần từ vựng và cấu trúc, khoảng 70% số câu trong đề thi đều ở mức cơ bản nên TS bình tĩnh vận dụng kiến thức đã học để làm bài.

Phần tìm một lỗi sai  trong 4 phần được gạch chân, TS chú ý có 3 cách nhận biết: sai do thiếu (thiếu một từ hoặc một cụm từ để câu hoàn chỉnh), sai do dư (dư một từ hoặc một cụm từ làm cho câu không gọn) và sai. Trong 3 cách đó, TS thường bỏ qua 2 cách đầu tiên.

Phần nối kết câu bao gồm nối các câu đơn (simple sentence) thành một câu phức (complex sentence) hoặc các câu đơn thành câu kép (compound sentence). Phần này đòi hỏi TS phải hiểu rõ ý tưởng diễn đạt trong 2 câu cho sẵn và cách sử dụng các liên từ (conjunctions) hay các mệnh đề phụ thuộc (subordinate clause) thì mới có chọn lựa đúng. Nếu TS chỉ dựa vào việc đọc dịch từng chọn lựa một thì e rằng không đủ thời gian làm bài.

Đọc hiểu là phần khó đối với TS. Trước hết, TS nên đọc nhanh cả bài văn, kể cả đọc lướt qua các câu hỏi phía dưới để nắm ý chính của bài văn và những vấn đề liên quan được hỏi. Sau đó, đọc chậm hơn, dựa vào từ và cấu trúc trong câu để đoán ý nghĩa của từ khó, gạch chân các chi tiết cần lưu ý (các con số biểu thị thời gian, số lượng...). Sau cùng có quyết định chọn câu trả lời đúng nhất. Để trả lời loại câu hỏi tìm ý chính của đoạn văn, thông thường TS hãy đọc kỹ câu đầu tiên và câu cuối cùng của đoạn văn.

Với loại bài đọc điền từ vào chỗ trống (cloze test), TS đôi khi phải đọc đến cuối bài văn thì mới tìm đúng đáp án.

Lê Thị Thanh Xuân
(Trung tâm luyện thi Vĩnh Viễn, TP.HCM)


Các bước làm bài thi môn lịch sử


- Đọc kỹ đề, gạch dưới các ý chính, xác định yêu cầu đề, khung thời gian và sự kiện trọng tâm.

- Lập dàn ý cơ bản hoặc sơ đồ tư duy đơn giản, nêu các ý chính cần trình bày theo yêu cầu của đề thi. Thao tác này giúp TS không bị thiếu sót ý trong quá trình làm bài, mạch bài sẽ lô gíc, rõ ràng, mạch lạc. Lưu ý các sự kiện quan trọng không được phép trình bày mơ hồ, chung chung mà phải rõ ràng, chính xác về không gian, thời gian, sự kiện...

- Cần phân phối thời gian làm bài cho hợp lý: Lấy thời gian làm bài chia cho thang điểm là 10. Ví dụ: thời gian làm bài là 180 phút, lấy 150 phút (dành 20 phút để đọc đề và viết đề cương sơ lược, 10 phút đọc lại bài sau khi làm xong) chia cho 10, như vậy mỗi điểm tương ứng với 15 phút.

- Đối với loại câu hỏi đơn giản như yêu cầu trình bày sự kiện, vấn đề... lịch sử, phải trình bày theo thứ tự: hoàn cảnh, chủ trương, diễn biễn, kết quả, ý nghĩa sự kiện. Đối với câu hỏi nâng cao (phân tích, chứng minh, so sánh...), phải trình bày tóm tắt sự kiện trước khi giải thích, phân tích, chứng minh...

Thạc sĩ Nguyễn Kim Tường Vy
(Giáo viên Trường THPT Nguyễn Hiền, TP.HCM)


Chú ý phần thực hành trong môn địa lý

Đọc kỹ câu biểu đồ, tìm đơn vị của đề bài, đọc câu hỏi xem biểu đồ thể hiện gì, đúng đơn vị của đề bài chưa, có đổi đơn vị không? (Biểu đồ thể hiện cơ cấu, tỷ trọng, tốc độ thì đơn vị phải là %, nếu đề bài cho đơn vị thường thì phải đổi đơn vị thường ra %). Xác định dạng biểu đồ cần vẽ, vẽ cẩn thận chính xác, chú ý tên biểu đồ, ghi chú ký hiệu..., nhận xét biểu đồ, dẫn chứng cụ thể .

Nếu bài có yêu cầu vẽ lược đồ, chú ý vẽ theo lưới ô vuông, phải xác định và vẽ được cả 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa vào lược đồ.

TS không được mang Atlat địa lý Việt Nam vào phòng thi nên phải vẽ được các dạng biểu đồ cơ bản (cột, đường, kết hợp, tròn, miền). Có thể đề bài sẽ không xác định trước dạng biểu đồ vì vậy TS phải đọc kỹ đề để xác định chính xác dạng biểu đồ; đồng thời phải nắm được một số công thức tính toán (mật độ dân số, bình quân lương thực, năng suất cây trồng, cán cân xuất nhập khẩu, tỷ suất tăng dân số tự nhiên, tốc độ tăng trưởng, cơ cấu, độ che phủ rừng...).

Võ Thị Ngọc Quí (Trường THPT Nguyễn Trãi, TP.HCM)

(Theo Báo Thanh Niên)

 


Giới Thiệu STU
Tin Nổi Bật