Mã Trường

Mã Trường
photo-229

Tin Tức Các Báo

Tuyển sinh 2012: Dễ lạc trong “rừng” quy định

Cập nhật 29/02/2012 - 09:15:13 AM (GMT+7)
Bộ GD-ĐT cho phép các trường tự quyết định hình thức hồ sơ đăng ký xét tuyển (bản gốc hay bản photo), thời gian nhận hồ sơ xét tuyển, thời gian công bố điểm chuẩn và danh sách trúng tuyển... Quy định này được đánh giá là trao nhiều quyền tự chủ hơn cho các trường và tăng cơ hội cho thí sinh.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia tuyển sinh dự báo quy định này sẽ khiến thí sinh “lạc” trong quy định riêng của hàng trăm trường ĐH, CĐ.

Định điểm chuẩn trừ hao

Ngay khi Bộ GD-ĐT quyết định sẽ để các trường tự đưa ra yêu cầu về việc thí sinh nộp hồ sơ có phiếu báo điểm gốc hay phiếu photo, nhiều trường ĐH ổn định nguồn tuyển đã thông báo chỉ nhận giấy chứng nhận kết quả gốc. Ông Bùi Đức Hiền, trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Điện lực, cho hay trường chỉ nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển kèm phiếu báo điểm gốc.

Tương tự, hầu hết các trường ĐH công lập phía Nam cũng khẳng định chỉ nhận giấy chứng nhận kết quả gốc, không xét tuyển bản photo. TS Nguyễn Văn Thư - hiệu trưởng Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM - cho rằng khi các trường đã thống kê số hồ sơ, thí sinh có thể tham khảo và cân nhắc điểm số của mình, sau đó rút lại hồ sơ để nộp vào trường có điểm xét tuyển phù hợp hơn thì không cần thiết phải xét tuyển bằng giấy chứng nhận kết quả photo.

Một thí sinh có thể photo vài chục bản gửi đi các trường và vài chục trường đó phải chờ một thí sinh, nhưng thí sinh chỉ đến một trường hoặc không đến trường nào cả trong khi thời gian xét tuyển của các trường sẽ kéo dài. Do đó, trường chỉ nhận giấy chứng nhận bản gốc khi xét tuyển.

Ông Phạm Thái Sơn - phó phòng đào tạo Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM - khẳng định trường chỉ nhận giấy chứng nhận kết quả gốc để xét tuyển.

 

Không thể thỏa mãn mọi yêu cầu

Trao đổi với Tuổi Trẻ, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga khẳng định số ảo không đáng ngại khi tỉ lệ xét tuyển sau nguyện vọng 1 chỉ khoảng 30% số thí sinh trúng tuyển. Ngoài ra, dù nhận bất kỳ loại phiếu báo điểm dạng nào, khi được gọi nhập học, thí sinh bắt buộc phải nộp phiếu báo điểm gốc vào hồ sơ để trường chắc chắn về số trúng tuyển.

Thứ trưởng Bùi Văn Ga cũng cho rằng không phương án xét tuyển nào có thể thỏa mãn được mọi yêu cầu từ mọi phía:  nhà trường, thí sinh, dư luận xã hội. “Chủ trương đổi mới của bộ là tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho thí sinh và nhà trường. Các trường đừng vì khó trong xử lý các vấn đề kỹ thuật mà hạn chế quyền lợi của thí sinh. Thí sinh cần được tạo điều kiện tốt nhất để chọn lựa ngành học trúng tuyển mà mình thật sự yêu thích”.

TS Nguyễn Đức Nghĩa - phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM - cho rằng không nên xét tuyển giấy chứng nhận photo vì như thế sẽ không công bằng với những thí sinh có điểm không cao. Theo TS Nghĩa, thí sinh có điểm cao hơn sẽ chiếm chỗ ở nhiều trường, như thế thí sinh điểm thấp hơn có thể sẽ trúng tuyển nếu không có các hồ sơ ảo này. Và để đảm bảo quyền lợi cho thí sinh, ĐH Quốc gia TP.HCM có thể sẽ không chấp nhận giấy chứng nhận photo.

Về thời gian xét tuyển, TS Nguyễn Đức Nghĩa cho biết ĐH Quốc gia TP.HCM sẽ có quy định thời gian mỗi đợt xét tuyển cho các trường thành viên và bàn phương án có trả lại giấy chứng nhận kết quả cho thí sinh không trúng tuyển hay không.

Trong khi đó, ông Bùi Đức Hiền khẳng định: “Quy định mới của bộ cho phép trường được chủ động quyết định số đợt tuyển, thời gian xét tuyển cho mỗi đợt nên trường sẽ kết thúc đợt xét tuyển thứ hai nhanh nhất có thể. Và cho dù nhận bản điểm gốc, ông Hiền vẫn lo lắng: “Tránh ảo bằng việc thu phiếu báo điểm gốc, nhưng vì thí sinh có hai phiếu báo điểm gốc không phân biệt nguyện vọng 2, nguyện vọng 3 nên chắc chắn không thể tránh được triệt để. Bằng kinh nghiệm tuyển sinh các năm trước, dự kiến trường sẽ gọi vượt chỉ tiêu một chút để... trừ hao”.

Tương tự, PGS.TS Hoàng Minh Sơn - trưởng phòng đào tạo ĐH, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội - lo thí sinh đăng ký xét tuyển có thể không trúng tuyển ngay dù đủ điểm xét tuyển: “Được đăng ký nhiều trường rất tốt, nhưng không loại trừ các em điểm thi cao vẫn gửi nhiều phiếu báo kết quả đi các trường. Kết quả là các trường sẽ có điểm chuẩn xét tuyển cao hơn thực tế vì căn cứ trên hồ sơ”.

Dễ mất cơ hội

Trong khi đó, nhiều trường dù thấy bất cập của việc nhận phiếu báo điểm photo nhưng vẫn nhất quyết “tận dụng mọi cơ hội bộ trao” để tuyển sinh. PGS.TS Phạm Văn Điển - trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Lâm nghiệp - thừa nhận việc sử dụng phiếu báo điểm photo không có tính pháp lý cao, có thể bị sửa chữa dễ dàng bằng “mẹo” cắt, cúp.

Dẫu vậy, Trường ĐH Lâm nghiệp dự kiến “tận dụng” tối đa cơ hội tuyển sinh, nhận cả phiếu gốc lẫn phiếu photo, chấp nhận hồ sơ ảo. Để đối phó hồ sơ “ảo” trong xét tuyển nguyện vọng 2, Trường ĐH Lâm nghiệp dự định gọi vượt thêm hơn năm trước để “bù ảo”. Một số trường ĐH khác cũng cho biết sẵn sàng nhận bản photo để xét tuyển, giữ chân thí sinh.

Cách làm này, theo đánh giá của một số cán bộ làm công tác tuyển sinh, có thể sẽ tạo nguồn tuyển dồi dào cho các trường. Đặc biệt khi thời gian xét tuyển không bị hạn chế, thí sinh không trúng tuyển các trường tốp trên sẽ tìm đến những trường đã xét họ trúng tuyển. Muốn vậy, những trường này phải chấp nhận kéo dài thời gian xét tuyển đến tối đa có thể. Trong khi đó, hầu hết các trường lại không muốn tăng quá nhiều lần xét tuyển.

Tuy nhiên, cũng có nhiều trường đang tính toán lên phương án công bố rất nhiều đợt xét tuyển. Mỗi đợt xét chỉ diễn ra trong thời gian ngắn, thậm chí rất ngắn. Khi đó, thí sinh dù đăng ký xét tuyển bằng bản điểm gốc hay bản photo đều được chấp nhận. Trường sẽ thông báo trúng tuyển ngay nếu đủ điều kiện. Và khi đã đóng học phí, trở thành tân sinh viên của trường, các thí sinh này không còn cơ hội lựa chọn trường khác.

Bên cạnh đó, nhiều cán bộ làm công tác tuyển sinh cũng lo ngại thí sinh sẽ đánh mất cơ hội của mình vì những quy định mới này. ThS Lâm Tường Thoại - trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Kinh tế - luật (ĐHQG TP.HCM) - cho rằng: “Nếu thí sinh chủ quan, không tìm hiểu điều kiện xét tuyển của các trường, cứ photo giấy chứng nhận gửi nhiều trường khác nhau, đến khi có kết quả có thể thí sinh không trúng tuyển vào trường nào cả dù điểm thi cao hơn điểm chuẩn đi chăng nữa. Đơn giản vì các trường đó không xét giấy chứng nhận photo”.

(Theo Tuổi Trẻ)


Giới Thiệu STU
Tin Nổi Bật